26-11-2024
KHOA SINH HỌC, TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
(FACULTY OF BIOLOGY, HPU2)
CÙNG BẠN KIẾN TẠO TƯƠNG LAI!
Văn phòng khoa: Phòng 804; Nhà A1, Trường ĐHSP Hà Nội 2
Email: khoasinhhoc@hpu2.edu.vn
Trang tin điện tử: https://biology.hpu2.edu.vn
I. GIỚI THIỆU CHUNG
Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, tiền thân là Khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, được thành lập năm 1977, là một trong những đơn vị dẫn đầu Trường ĐHSP Hà Nội 2 về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
1. Danh hiệu thi đua
Huân chương Lao động Hạng Ba
Bằng khen của Thủ tướng chính phủ
Cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
2. Ban chấp hành chi bộ
Bí thư chi bộ: PGS. TS. GVCC. Nguyễn Xuân Thành
Phó Bí thư chi bộ: TS. GVC. Nguyễn Văn Hiếu
Chi ủy viên: TS. GVC. Trần Thị Phương Liên
3. Ban chủ nhiệm khoa
Trưởng khoa: PGS. TS. GVCC. Nguyễn Xuân Thành
Phó Trưởng khoa: TS. GVC. Lê Chí Toàn
4. Ban chấp hành công đoàn khoa
Chủ tịch: TS. GVC. Trần Thị Phương Liên
Phó Chủ tịch: CN. CV. Trần Thu Hằng
UVBCH: CN. KTV. Bùi Ngọc Mai
5. Bộ môn trực thuộc khoa
Khoa gồm bốn bộ môn: Công nghệ sinh học, Động vật học, Giáo dục sinh học, Thực vật học.
II. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CỦA KHOA SINH HỌC
2.1. Các chương trình đào tạo trình độ đại học
2.1.1. Sư phạm Sinh học (hệ chính quy và hệ VLVH)
Mục tiêu của chương trình đào tạo: Đào tạo cử nhân Sư phạm Sinh học có phẩm chất tốt; có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực sinh học tại các trường phổ thông, các cơ sở giáo dục và đào tạo khác, các cơ sở sản xuất và nghiên cứu; có khả năng khởi nghiệp, thích ứng với môi trường làm việc thay đổi và học tập suốt đời.
Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp:
- Giảng dạy môn sinh học ở các trường Trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục khác;
- Giảng dạy kiến thức sinh học có liên quan đến môn công nghệ, khoa học tự nhiên và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cơ sở giáo dục;
- Giảng dạy các môn có sử dụng kiến thức sinh học tại các trường nghề trong các cơ sở giáo dục;
- Có thể làm việc ở các trung tâm, các viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất có sử dụng kiến thức sinh học.
Điểm nổi bật của chương trình: Chương trình đào tạo cử nhân Sư phạm Sinh học đã được triển khai đào tạo nhiều năm tại Khoa Sinh học, hiện nay chương trình đào tạo này đã được đánh giá và công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành.
2.1.2. Sư phạm Sinh học dạy bằng tiếng Anh
Mục tiêu của chương trình đào tạo: Đào tạo cử nhân Sư phạm Sinh học có phẩm chất tốt; có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực sinh học tại trường phổ thông, các cơ sở giáo dục và đào tạo khác trong nước và quốc tế, các cơ sở sản xuất và nghiên cứu; có khả năng khởi nghiệp, thích ứng với môi trường làm việc thay đổi và học tập suốt đời.
Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp:
- Giảng dạy môn Sinh học ở các trường Trung học phổ thông trong nước và quốc tế;
- Giảng dạy kiến thức sinh học có liên quan đến hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế;
- Giảng dạy các môn có sử dụng kiến thức sinh học tại các trường nghề trong các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế;
- Có thể làm việc ở các viện nghiên cứu, cơ sở sản xuất có sử dụng kiến thức sinh học ở trong nước và quốc tế.
Điểm nổi bật của chương trình: Chương trình đào tạo cử nhân Sư phạm Sinh học dạy bằng tiếng Anh được xây dựng dựa trên các kết quả kế thừa từ Chương trình đào tạo cử nhân Sư phạm Sinh học và sự tăng cường hỗ trợ người học về năng lực tiếng Anh cơ bản và chuyên ngành. Do đó giúp người học có cơ hội tiếp cận và làm việc tại các đơn vị trong nước và quốc tế trong lĩnh vực giáo dục liên quan đến sinh học.
2.1.3. Sư phạm Khoa học tự nhiên
Mục tiêu của chương trình đào tạo: Đào tạo cử nhân Sư phạm Khoa học tự nhiên có phẩm chất tốt; có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên tại các trường phổ thông, các cơ sở giáo dục và đào tạo khác, các cơ sở sản xuất và nghiên cứu; có khả năng khởi nghiệp, thích ứng với môi trường làm việc thay đổi và học tập suốt đời.
Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp:
- Giảng dạy môn Khoa học tự nhiên; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cơ sở giáo dục phổ thông;
- Giảng dạy kiến thức có liên quan đến khoa học tự nhiên ở các trường nghề trong các cơ sở giáo dục;
- Có thể làm việc ở các trung tâm, các viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất có sử dụng kiến thức khoa học tự nhiên.
Điểm nổi bật của chương trình: Chương trình được xây dựng và triển khai đào tạo theo Quyết định số 590/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng và được đào tạo cơ bản đáp ứng CT GDPT 2018. Chương trình được xây dựng và tổ chức đạo tạo với sự tham khảo từ nhiều chương trình đào tạo chất lượng của các Trường đại học trong nước và quốc tế, do đó có thể giúp người học hình thành và phát triển được năng lực của bản thân.
2.1.4. Cử nhân công nghệ sinh học
Mục tiêu của chương trình đào tạo: Đào tạo trình độ đại học để người học có phẩm chất tốt; có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành công nghệ sinh học; có khả năng khởi nghiệp, thích ứng với môi trường làm việc thay đổi và học tập suốt đời.
Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp:
- Vận hành, quản lý và kiểm soát các quá trình và thiết bị công nghệ sinh học tại các đơn vị nghiên cứu, sản xuất trong các lĩnh vực Nông - Lâm - Thủy sản, Y - Dược, bảo vệ môi trường,…
- Nghiên cứu viên, trưởng nhóm nghiên cứu, trợ lý nghiên cứu,… của các phòng thí nghiệm/dự án về sinh học, sinh học thực nghiệm và công nghệ sinh học (CNSH) tại trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trung tâm và tổ chức khoa học công nghệ thuộc Bộ, Ngành, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng,…
- Sáng lập, điều hành, quản lý các dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm CNSH.
- Chuyên viên, cộng tác viên, điều phối viên,… tại các cơ quan chuyên ngành, cơ quan quản lý liên quan đến sinh học và công nghệ sinh học của các Bộ, Ngành, địa phương hoặc các tổ chức phi chính phủ.
- Tư vấn viên, nhân viên kinh doanh,… tại các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực sinh học và CNSH.
Điểm nổi bật của chương trình: Chương trình được xây dựng và triển khai đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước theo Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới và trong thời đại 4.0, trong đó Công nghệ sinh học được xác định là một trong ba trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chương trình được xây dựng và tổ chức đạo tạo với sự tham khảo từ nhiều chương trình đào tạo chất lượng của các trường đại học trong nước và quốc tế, và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.
2.2. Các chương trình đào tạo trình độ sau đại học
2.2.1. Thạc sĩ Sinh học thực nghiệm
Mục tiêu của chương trình đào tạo: Đào tạo trình độ thạc sĩ để học viên có kiến thức nền tảng và kỹ năng chuyên sâu, khả năng làm việc độc lập và sáng tạo, có tư duy phản biện, năng lực hợp tác, phát hiện và giải quyết vấn đề để triển khai hiệu quả hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học thực nghiệm.
Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp:
- Làm việc tại các viện, các trung tâm nghiên cứu về Sinh học thực nghiệm; các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất có sử dụng kiến thức Sinh học thực nghiệm.
- Giảng dạy kiến thức Sinh học thực nghiệm tại các trường cao đẳng, đại học và các trường nghề.
- Giảng dạy môn Sinh học; môn Khoa học tự nhiên và môn Công nghệ định hướng nông nghiệp tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
2.2.2. Thạc sĩ Sinh thái học
Mục tiêu của chương trình đào tạo: Đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Sinh thái học để học viên có kiến thức nền tảng và kỹ năng chuyên sâu, khả năng làm việc độc lập và sáng tạo, có tư duy phản biện, năng lực hợp tác, phát hiện và giải quyết vấn đề để triển khai hiệu quả hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực Sinh thái học.
Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp:
- Nghiên cứu viên tại các viện, cơ sở nghiên cứu về sinh học; các khu bảo tồn, trung tâm cứu hộ động - thực vật; các cơ sở sản xuất có liên quan đến sinh thái học.
- Giảng viên giảng dạy về lĩnh vực sinh thái học tại các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp.
- Giáo viên giảng dạy sinh học, khoa học tự nhiên, công nghệ ở trường phổ thông.
2.2.3. Tiến sĩ Sinh lý học thực vật
Mục tiêu của chương trình đào tạo: Đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Sinh lý học thực vật có trình độ cao về lý thuyết và ứng dụng kiến thức chuyên ngành, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát triển tri thức, kỹ thuật mới; có khả năng kết nối, xây dựng, quản lý nhóm nghiên cứu; tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn liên quan đến chuyên ngành; đáp ứng yêu cầu cao trong các cơ sở nghiên cứu và ứng dụng chuyên ngành ở các cơ sở công tác.
Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp:
- Giảng viên tại các trường cao đẳng, đại học có giảng dạy, đào tạo các môn, thuộc chuyên ngành Sinh học và đặc biệt là Sinh lý học thực vật.
- Nghiên cứu viên, chuyên gia tại các viện, trung tâm nghiên cứu về thực vật; công nghệ sinh học, các cơ sở sản xuất có sử dụng kiến thức sinh lý học thực vật.
- Giảng dạy môn Sinh học tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
- Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc), trợ lý nghiên cứu, trưởng nhóm nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu hoặc các chương trình, dự án khoa học công nghệ, …
III. ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN
Khoa Sinh học hiện có đội ngũ viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ tốt được đào tạo cơ bản và chuyên sâu từ các trường đại học và học viện trong nước và quốc tế với 26 người theo ngạch viên chức gồm: Giảng viên cao cấp: 02; Giảng viên chính: 13; Giảng viên: 04; Chuyên viên: 03; Kỹ thuật viên: 04. Học hàm, học vị: Phó Giáo sư, tiến sĩ: 02; Tiến sĩ: 14; Thạc sĩ: 06; Cử nhân: 04. Ngoài ra, Khoa Sinh học còn có 03 viên chức ở đơn vị khác trong trường tham gia sinh hoạt chuyên môn gồm: 01 Phó Giáo sư, tiến sĩ, giảng viên cao cấp và 02 tiến sĩ, giảng viên chính.
IV. CƠ SỞ VẬT CHẤT
Khoa Sinh học là một trong những đơn vị có cơ sở vật chất hiện đại của Trường ĐHSP Hà Nội 2. Khoa hiện có 12 phòng thí nghiệm phục vụ công tác đào tạo trình độ đại học, sau đại học và công tác nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều hệ thống máy móc và trang thiết bị hiện đại hỗ trợ các thí nghiệm với kết quả chính xác cao (Bảng 1).
Bảng 1. Danh sách các Phòng thí nghiệm của khoa Sinh học
STT |
Tên phòng |
Ký hiệu phòng |
1 |
PTN Di truyền học |
7.05 – A4 |
2 |
PTN Sinh học trung tâm |
7.08 – A4 |
3 |
PTN Vi sinh vật học |
8.07 – A4 |
4 |
PTN Động vật học |
8.08 – A4 |
5 |
PTN Giải phẫu học người |
7.01 – A4 |
6 |
PTN Sinh lý học người và động vật; Lý sinh học |
7.02 – A4 |
7 |
PTN phương pháp dạy học |
7.03 – A4 |
8 |
PTN Sinh học ứng dụng 1 |
8.09 – A4 |
9 |
PTN Sinh học ứng dụng 2 |
8.06 – A4 |
10 |
PTN Hóa sinh học |
7.04 – A4 |
11 |
PTN Sinh lý học thực vật |
7.06 – A4 |
12 |
PTN Thực vật học |
7.07 – A4 |
V. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
5.1. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục và đào tạo
Trình độ đại học (hệ Chính quy, Liên thông, Vừa làm vừa học): Sư phạm Sinh học (tiếng Việt và tiếng Anh); Sư phạm Khoa học tự nhiên, Cử nhân Công nghệ sinh học.
Trình độ thạc sĩ (02 mã ngành): Sinh học thực nghiệm; Sinh thái học.
Trình độ tiến sĩ (01 mã ngành): Sinh lý học thực vật.
5.2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN và hợp tác
Tổ chức hoạt động NCKH&CGCN; gắn đào tạo với NCKH, sản xuất và đời sống; chuyển giao các sản phẩm NCKH&CN; cung cấp các hoạt động và dịch vụ cho các cơ sở giáo dục, kinh doanh sản xuất và các cơ sở khác.
Hợp tác với các tổ chức KH&CN, cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến khoa học sự sống và giáo dục sinh học, huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo và NCKH của khoa.
5.3. Quản lý viên chức và người học thuộc khoa theo phân cấp của Hiệu trưởng
Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, ngành nghề đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo và NCKH, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giảng viên, viên chức, người lao động, người học; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên, viên chức và người lao động thuộc khoa.
VI. THÀNH TÍCH NỔI BẬT
Trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự phát triển của nhà trường, khoa Sinh học đã khẳng định được uy tín, chất lượng trong đào tạo, có nhiều đóng góp cho giáo dục phổ thông cũng như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, và phục vụ cộng đồng.
6.1. Đào tạo
Khoa Sinh học luôn tiên phong trong việc áp dụng các giải pháp đảm bảo chất lượng và nâng cao chất lượng đào tạo: chương trình đào tạo tiên tiến, thiết kế theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học, gắn lý thuyết với thực tiễn, thực hành, đáp ứng đổi mới giáo dục và đào tạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học hiện đại; đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có trách nhiệm trong công việc, tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá vì sự tiến bộ của người học,… vì vậy chất lượng người học của khoa Sinh học luôn được đảm bảo, người học sau khi tốt nghiệp được các đơn vị tuyển dụng đánh giá cao và nhanh chóng khẳng định được năng lực làm việc và thích ứng với sự phát triển của xã hội.
Tính đến hết năm học 2021-2022, khoa đã đào tạo được trên 5.200 cử nhân Sư phạm Sinh học, Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp và cử nhân Sinh học hệ chính quy, gần 1.000 cử nhân Sư phạm Sinh học hệ vừa làm vừa học, trên 200 thạc sĩ.
6.2. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
6.2. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Nhận thức rõ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là một trong những thành tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và là khâu đột phá để phát triển và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giảng viên, viên chức, người lao động trong khoa luôn tích cực và sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đặc biệt chú trọng đến công nghệ cao. Giảng viên và viên chức trong khoa đã tham gia các đề tài khoa học cấp Nhà nước; chủ nhiệm và tham gia các đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, cấp Bộ trọng điểm, đề tài hợp tác song phương, các dự án nghiên cứu triển khai của Bộ GD&ĐT, chương trình NCKH cơ bản của Bộ KH&CN, đề tài khoa học công nghệ ưu tiên cấp cơ sở; công bố các kết quả nghiên cứu trên các Tạp chí, Hội nghị, Hội thảo khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước; hướng dẫn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh thực hiện các công trình nghiên cứu. Cho đến nay, khoa Sinh học luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu của Trường ĐHSP Hà Nội 2 về nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ.
Khoa Sinh học hiện có 5 nhóm nghiên cứu đang hoạt động hiệu quả: Nhóm nghiên cứu phương pháp hiện đại trong dạy học bộ môn Sinh học (Modern method for teaching biology Reseach Group); Nhóm nghiên cứu sinh lý học thực vật và công nghệ sinh học thực vật (Plant physiology and Plant biotechnology Reseach Group); Nhóm nghiên cứu về kỹ thuật y sinh dược học (Biomedical and Pharmaceutical Engineering Research Group, BIPERG); Nhóm nghiên cứu vi sinh vật học và ứng dụng (Microbiology an Application Reseach Group); Nhóm nghiên cứu về đa dạng, hệ thống và tiến hóa của thực vât (Diversity, Systematics and Evolution of Plant Reseach Group).
Kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiêu biểu của khoa Sinh học: 02 quyền sở hữu trí tuệ cho 02 giống lúa quốc gia; Chuyển giao công nghệ sản xuất giống lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô cho Trung tâm Kiểm định và Phát triển Khoa học Công nghệ (Sở Khoa học Công nghệ Lai Châu); Chuyển giao công nghệ sản xuất màng bacterial cellulose cho Công ty cổ phần Dược phẩm Hậu Giang; Chuyển giao công nghệ sản xuất hoa cúc bằng phương pháp nuôi cấy mô cho Công ty CP vật tư và giống hoa Hà Nội; 04 dự án hợp tác song phương; Chủ nhiệm và tham gia hơn 20 đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước, Nafosted; Chủ nhiệm và tham gia hơn 30 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, 15 đề tài ưu tiên thực hiện cấp cơ sở và 40 đề tài cấp cơ sở; Hơn 500 công trình được đăng trong các Tạp chí khoa học chuyên ngành, hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước. Trong đó có trên 50 công trình được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục WoS/Scopus; Biên soạn trên 40 ấn phẩm là giáo trình, sách tham khảo, sách giáo khoa và nhiều bài giảng phục vụ công tác đào tạo; Hướng dẫn sinh viên NCKH tham dự các cuộc thi và đã có 58 công trình đạt giải: “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” và giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam – VIFOTEC. Tham gia hướng dẫn, cố vấn, hỗ trợ học sinh tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia và quốc tế dành cho học sinh trung học,…
6.3. Hoạt động góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Viên chức và giảng viên của khoa Sinh học đã và đang tham gia tích cực và có chất lượng trong các hoạt động nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (biên soạn tài liệu, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên các cơ sở giáo dục của nhiều tỉnh thành trong cả nước; tập huấn giáo viên trong đổi mới giáo dục phổ thông theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, viết sách giáo khoa và tài liệu hỗ trợ dạy học theo CTGDPT 2018,…).
Bên cạnh đó, từ năm học 2016-2017 đến nay, khoa Sinh học đã tổ chức thực hiện các hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm định hướng nghề nghiệp, giáo dục STEM, trại hè cho học sinh một số cơ sở giáo dục phổ thông (Trường THPT Ngô Quyền, THPT Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội; THPT Võ Thị Sáu, THPT Trần Nguyên Hãn (tỉnh Vĩnh Phúc), Hệ thống giáo dục Alpha school (Hà Nội);… Bước đầu được giáo viên và học sinh đánh giá có hiệu quả cao. Trong những năm học tiếp theo, hoạt động này sẽ tiếp tục được cải tiến, đẩy mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa khoa với các cơ sở giáo dục phổ thông trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
6.4. Hoạt động của người học và các hỗ trợ của khoa
Sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của khoa Sinh học có nhiều hoạt động đa dạng và đạt nhiều kết quả tích cực trong học tập và nghiên cứu khoa học. Người học tích cực tham gia các hoạt động học tập nhằm nâng cao chuyên môn và nghiệp vụ và đạt được nhiều thành tích xuất sắc như: Sinh viên Nguyễn Thị Phương Thảo (K46 SPSH) được vinh danh thủ khoa Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bản thành phố Hà Nội năm 2024; nhóm sinh viên đạt giải nhì cuộc thi “Sinh viên HPU2 với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI, năm 2023 với dự án “TRÀ ĐÀN HƯƠNG TRẮNG BẢO CHÂU (BAO CHAU SANDALWOOD TEA) – TỐT SỨC KHỎE, TRẺ LÀN DA”; hằng năm Sinh viên khoa luôn đạt giải cao trong Hội thi nghiệp vụ sư phạm của Trường ĐHSP Hà Nội 2. Bên cạch đó, sinh viên trong khoa tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học ngay từ những năm đầu, và nhiều bạn đã đạt được thành tích cao như: các giải thưởng trong cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học, Giải thưởng khoa học Euréka, là chủ nhiệm của nhiều đề tài khoa học sinh viên, là tác giả của nhiều công trình đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế uy tín,…
Ngoài ra, sinh viên khoa Sinh học tích cực tham gia các hoạt động phong trào, rèn luyện của Liên chi đoàn và Liên chi hội sinh viên khoa, Đoàn Thanh niên, và Hội Sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội 2. Nhiều cuộc thi đã tạo ra sân chơi và môi trường học tập, rèn luyện cho sinh viên được tham gia sinh hoạt và phát huy năng lực bản thân như chương trình “Đổi giấy lấy cây”, “Olympic khoa học tự nhiên cấp trường”, “Mùa đông ấm”,… và hoạt động của hơn 20 câu lạc bộ cấp trường của Trường ĐHSP Hà Nội 2, đặc biệt hoạt động của các câu lạc bộ cấp khoa như:
- CLB Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
- CLB Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo.
- CLB Phát triển năng lực nghề nghiệp.
- CLB Ươm tạo và thương mại sản phẩm khoa học công nghệ.
Khoa Sinh học luôn quan tâm hỗ trợ người học với nhiều hoạt động cụ thể nhằm định hướng, tư vấn cho người học. Ban chủ nhiệm khoa và các Cố vấn học tập có kế hoạch và chương trình làm việc, tiếp xúc và hỗ trợ sinh viên, đại diện sinh viên hàng tháng nhằm nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của sinh viên trong học tập và rèn luyện, đặc biệt là tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Khoa là đầu mối để giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách, có thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học được tiếp cận với các học bổng, gói hỗ trợ của khoa, nhà trường và các tổ chức.
Người học khi tham gia các hoạt động chung của khoa, hoạt động nghiên cứu khoa học cùng với thầy cô trong khoa sẽ nhận được các hỗ trợ về kinh phí, vật tư hóa chất, dụng cụ và nhiều trợ cấp khác nhau.
6.5. Triển vọng nghề nghiệp của sinh viên
Hàng năm, sinh viên tốt nghiệp của khoa Sinh học có việc làm đạt 75% sau 6 tháng, đạt trên 90% sau 12 tháng, trong đó 90% làm việc đúng ngành nghề được đào tạo.
Nhiều sinh viên ưu tú được khoa và nhà trường tuyển dụng và trở thành giảng viên, nghiên cứu viên của khoa và làm việc ở các phòng ban trong trường; nhiều sinh viên có năng lực nghề nghiệp tốt đã được đối tác của khoa chủ động tiếp nhận (các trường phổ thông; các cơ quan nghiên cứu: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Rau quả Trung ương; các cơ sở sản xuất: công ty CP Vật tư & Giống hoa Hà Nội, hệ thống sản xuất nông nghiệp sạch VinEco của tập đoàn Vingroup,…).
Sinh viên tốt nghiệp từ khoa Sinh học có thể đảm nhiệm những công việc sau:
+ Giáo viên dạy môn Sinh học ở các trường THPT trong nước và quốc tế; Giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Công nghệ ở các trường THCS và THPT trong nước và quốc tế; Giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; hoạt động giáo dục của địa phương; hoạt động giáo dục STEM/STEAM; Giảng viên tại các học viện, trường đại học, trường cao đẳng, giáo viên tại trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trường trung cấp nghề.
+ Vận hành, quản lý và kiểm soát các quá trình và thiết bị công nghệ sinh học tại các đơn vị nghiên cứu, sản xuất trong các lĩnh vực Nông - Lâm - Thủy sản, Y - Dược, bảo vệ môi trường,…
+ Nghiên cứu viên, trưởng nhóm nghiên cứu, trợ lý nghiên cứu,… của các phòng thí nghiệm/dự án về sinh học, sinh học thực nghiệm và công nghệ sinh học (CNSH) tại trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trung tâm và tổ chức khoa học công nghệ thuộc Bộ, Ngành, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng,…
+ Kỹ thuật viên, nghiên cứu viên làm việc tại các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực Sinh học, Y học, Khoa học nông nghiệp, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ môi trường,...
VII. THÔNG TIN LIÊN HỆ
Văn phòng khoa: Phòng 804; Nhà A1, Trường ĐHSP Hà Nội 2
Email: khoasinhhoc@hpu2.edu.vn
Trang tin điện tử: https://biology.hpu2.edu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/khoasinhhoc.hpu2
Người liên hệ tư vấn tuyển sinh: TS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt (0978669773)