Tin tức và Sự kiện

  • Hội thảo khoa học “Đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo"

    • 00:00 27-09-2024

    Ngày 27 tháng 9 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo" với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học trong cả nước.


    Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Dự và chủ trì Hội thảo, về phía Ban Tuyên giáo Trung ương có: ông Lê Huy Nam - Vụ trưởng Vụ Giáo dục; ông Lê Huy Hoàng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục; ông Phạm Gia Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội; ông Phạm Việt Phong - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ; ông Phạm Đức Thái - Phó Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; ông Ngô Duy Đông - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc;

    Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có: ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; ông Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; cùng các nhà khoa học và đại diện một số trường đại học đào tạo về sư phạm; Các chuyên gia, nhà khoa học;


    Toàn cảnh hội thảo

    Hội thảo còn có các cơ quan thông tấn báo chí về đưa tin: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Báo Giáo dục và Thời đại; Tạp chí Tuyên giáo; Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam;

    Về phía Trường ĐHSP Hà Nội 2 có: PGS, TS Phùng Gia Thế - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; Các thầy cô trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Lãnh đạo các đơn vị và đông đảo sinh viên trong Trường.


    Chủ trì Hội thảo điều hành phần trao đổi, thảo luận

    Hội thảo khoa học “Đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo" nhằm chuẩn bị cơ sở lí luận và thực tiễn để đề xuất chủ trương, đường lối, chính sách mới phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo theo Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.


    Ông Lê Huy Nam - Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Huy Nam - Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Chính trị yêu cầu “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo”. Trong đó nhấn mạnh “Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, giáo dục cá nhân hoá, giáo dục sáng tạo, giáo dục thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo”. Đây là những chủ trương quan trọng của Trung ương, là cơ sở chính trị quan trọng cho những đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo với sự tham gia của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong giai đoạn tới. Đó cũng chính là bối cảnh để Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo”.

    “Hội thảo tập trung làm rõ xu hướng phát triển công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; kinh nghiệm quốc tế, thời cơ, thuận lợi, thách thức và định hướng đối với giáo dục và đào tạo Việt Nam. Thực trạng công tác đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo”, ông Lê Huy Nam nhấn mạnh.

    PGS, TS Phùng Gia Thế - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phát biểu chào mừng tại Hội thảo

    Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, PGS, TS Phùng Gia Thế - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 giới thiệu về quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường trong gần 60 năm qua và cho biết: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tiếp cận với công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, thành lập Ban xây dựng Đề án nghiên cứu và triển khai tích hợp các mô hình trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, Nhà trường đang triển khai ứng dụng Chatbot nhằm hỗ trợ viên chức, người lao động và hỗ trợ, tư vấn sinh viên trong quá trình học tập và rèn luyện tại Trường.

    Đại diện lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 mong muốn Hội thảo sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các giảng viên đưa ra các giải pháp quan trọng, đề xuất những mô hình giáo dục đón đầu xu thế trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, đồng thời được hiện thực hóa trong thời gian sắp tới.

    GS, TS Vũ Văn Hùng - Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội báo cáo tại Hội thảo

    PGS, TS Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐHSP Hà Nội báo cáo tại Hội thảo

    Ông Đặng Hải Lộc - Sáng lập nền tảng phát triển Chatbot AI cho người Việt Mindmaid.ai báo cáo tại Hội thảo
     

    PGS, TS Bùi Minh Đức - Trường ĐHSP Hà Nội 2 báo cáo tại Hội thảo

    TS Kim Mạnh Tuấn - Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội báo cáo tại Hội thảo

    Tại Hội thảo, đại biểu nghe các tham luận “Trí tuệ nhân tạo, xu hướng phát triển và những tác động tới giáo dục và đào tạo” của GS,TS Vũ Văn Hùng - Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội; “Đổi mới công tác đào tạo giáo viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong thời đại công nghệ số” của PGS, TS Nguyễn Văn Hiền - Trường ĐHSP Hà Nội; “Tương lai giáo dục với trợ lý ảo Chatbot AI: đột phá trong tương tác học tập” của ông Đặng Hải Lộc - Sáng lập nền tảng phát triển Chatbot AI cho người Việt Mindmaid.ai; “Nghiên cứu tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo giáo viên Ngữ văn tại một số cơ sở đào tạo giáo viên tại Việt Nam” của PGS, TS Bùi Minh Đức - Trường ĐHSP Hà Nội 2; “Quản trị cơ sở giáo dục trong kỉ nguyên của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo: cơ hội, thách thức và những khuyến nghị” của TS Kim Mạnh Tuấn - Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội.


    Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo

     Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

    Hội thảo cũng tập trung trao đổi, thảo luận về Khuôn khổ pháp lý ứng dụng AI; Thách thức, quan điểm và giải pháp của các trường sư phạm; Giáo dục số, giáo dục thông minh; Giáo dục thích ứng và cá nhân hóa với AI; Khung năng lực sử dụng AI trong giáo dục. Đồng thời các đại biểu cũng đưa ra những khuyến nghị trước tác động sâu rộng của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong đào tạo giáo viên.

     Trung tâm Truyền thông và SXHL

Tin liên quan