• Lịch sử truyền thống

    • 08:30 01-01-2000


    Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trải qua hai giai đoạn phát triển.

    A. Giai đoạn 1967 - 1975

    Trường được thành lập theo quyết định số 128/CP, ngày 14/8/1967 của Hội đồng Chính phủ. Trường có nhiệm vụ đào tạo giáo viên khoa học tự nhiên cho các trường phổ thông và được đặt ở Cầu Giấy, Từ Liêm, Hà Nội. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Cảnh Toàn là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường.

    Giai đoạn 1967-1975, Trường gồm các khoa tự nhiên: Khoa Toán, Khoa Vật lý, Khoa Hoá, Khoa Sinh - Kĩ thuật nông nghiệp, Khoa Kĩ thuật công nghiệp và Khoa cấp 2 của Trường ĐHSP Hà Nội.

    Trường đã đào tạo được hàng ngàn giáo viên và cán bộ giáo dục. Nhiều cán bộ, sinh viên đã tham gia trực tiếp cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Nhiều cán bộ đã được thực tập, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Trường đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển các ngành khoa học cơ bản và sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

    B. Giai đoạn từ 1975

    Ngày 11/10/1975, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ra Quyết định số 872/QĐ về việc cải tạo xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 để mỗi trường đều hoàn chỉnh, có các khoa đào tạo giáo viên cấp 3 khoa học xã hội, các khoa đào tạo giáo viên cấp 3 khoa học tự nhiên và chuyển Trường ĐHSP Hà Nội 2 lên Xuân Hoà, Sóc Sơn, Hà Nội. Từ đó, Trường bước vào giai đoạn mới, xây dựng và phát triển toàn diện.

    I. Thời kì 1975-1985

    Đây là thời kì đầy thử thách nhưng cũng thật tự hào của mọi cán bộ và sinh viên.

    Trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đông đảo và một hệ thống tương đối hoàn chỉnh các khoa, phòng, ban và đơn vị trực thuộc, đáp ứng toàn diện những lĩnh vực hoạt động của trường.

    Trường có 8 khoa, 9 phòng, 4 bộ môn và 2 đơn vị trực thuộc.

    Các khoa:  Ngữ Văn, Toán, Vật lý, Hoá, Địa lý, Sinh - KTNN, Tại chức, Quân sự.

    Các phòng: Tổ chức cán bộ, Tuyên huấn, Giáo vụ, Khoa học, Tài vụ, Tổng hợp - Hành chính, Quản trị - Đời sống, Quản lý nhà ăn và Y tế.

    Các đơn vị trực thuộc: Thư viện và  Xưởng in.

    Các bộ môn trực thuộc:  Mác - Lê nin, Tâm lý - Giáo dục, Ngoại ngữ  và Thể dục thể thao.

    Trường đào tạo đại học các ngành: Ngữ Văn, Toán,  Vật lý, Địa lý và Sinh-KTNN với 4 hệ đào tạo: hệ chính quy, hệ chuyên tu, hệ tại chức và hệ đào tạo chuẩn hoá chương trình đại học sư phạm bốn năm.

    Trường tổ chức giảng dạy các lớp bổ túc chương trình phổ thông cho cán bộ, công nhân viên các cơ quan, đơn vị khu vực Xuân Hoà, Mê Linh.

    Hàng trăm cán bộ đã trưởng thành. Hàng ngàn sinh viên đã tốt nghiệp. Gần một ngàn giáo viên trung học phổ thông các tỉnh, thành phố được đào tạo đạt chuẩn trình độ đại học 4 năm. Hàng trăm cán bộ, công nhân viên các cơ quan, đơn vị đã đạt được bằng tốt nghiệp trung học bổ túc.

    II. Thời kì 1985-1995

    Để đảm bảo chất lượng, phù hợp với nhu cầu xã hội, quy mô đào tạo của Trường bị thu hẹp. Với tiềm lực trí tuệ và quyết tâm, Trường đã có những quyết định quan trọng, tạo nên vị thế mới: mở hệ đào tạo giáo viên cốt cán cấp hai, giáo viên cốt cán bậc Tiểu học và chuyên ngành sau đại học: Tâm lý học sư phạm và lứa tuổi; kiên trì xây dựng đội ngũ, từng bước mở rộng phạm vi tuyển sinh và hình thức đào tạo, giữ ổn định và tự khẳng định vươn lên.

    Thời kì này, Trường có 470 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 190 cán bộ giảng dạy. Cùng với các khoa hiện có, Trường mở Khoa Thiết bị dạy học, thành lập Bộ môn Tin học, Ban Quản lý ký túc xá, Ban Lao động sản xuất và Dịch vụ, Tổ Bảo vệ, Trường Trung học phổ thông Dân lập Châu Phong.

    Từ năm 1985, Trường mở các lớp đào tạo cử nhân khoa học: Giáo viên Vật lý - Thiết bị dạy học, Giáo viên cốt cán cấp 2 tại các tỉnh: Hà Bắc, Vĩnh Phú, các ngành Ngữ văn và Toán cho cán bộ của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, các lớp đại học tại chức ở Thành phố Hải Phòng, Tỉnh Hà Nam Ninh và Tỉnh Hà Bắc. Thời gian này, Trường mở các ngành đào tạo cử nhân khoa học: Sinh - Hoá, Toán - Tin và  Lý - KTCN.

    Từ nă 1988, Trường đào tạo sau đại học chuyên ngành Tâm lý học sư phạm và lứa tuổi, Đến năm 1991 đào tạo cấp bằng Thạc sĩ khoa học cho chuyên ngành này; từ năm 1995, đào tạo cao học chuyên ngành Quản lý và tổ chức công tác văn hoá, giáo dục.

    Từ năm 1991, Trường đào tạo cử nhân khoa học hệ cử tuyển các ngành Toán - Lý, Sinh - Hoá.

    Từ năm 1992, Trường đào tạo cử nhân cao đẳng gồm 4 ngành: Văn - Sử, Toán - Tin, Toán -  Lý,  Sinh - Hoá tại Tỉnh Ninh Bình và đầo tạo các lớp cao đẳng Văn - Sử, Văn - Địa, Toán - Lý, Sinh - Kĩ thuật nông nghiệp cho Tỉnh Vĩnh Phúc.

    Trong mười năm, số sinh viên đã tuyển gọi và đào tạo: hệ chính quy: 3000, hệ cử tuyển: 200, hệ chuyên tu: 1000, trong đó có 77 sinh viên của hai lớp cán bộ Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, 57 sinh viên của hai lớp Vật lý - Thiết bị và 400 sinh viên của 6 khoá giáo viên cốt cán cấp 2 đào tạo tại Trường.

    Số học viên sau đại học của hai khoá đào tạo là 55 .

    Số sinh viên cao đẳng sư phạm đào tạo ở các địa phương là 1000.

    Nhiều cán bộ đã hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học. Một số cán bộ đã vượt qua rất nhiều khó khăn hoàn thành Luận án Tiến sĩ tại các Trường đại học và Viện nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài.

    Thời kì này, Trường đã xuất bản được hơn năm mười đầu giáo trình, nhiều bài giảng và tư liệu tham khảo. Nhiều giảng viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là giảng viên chính. Nhiều sinh viên đã bảo vệ xuất sắc khoá luận tốt nghiệp.

    Trường và các đơn vị đã tổ chức sản xuất đồ gốm sứ, trồng 15 héc ta rừng ở Xã Ngọc Thanh, sản xuất cây giống, làm công nghệ nước giải khát, mở các lớp điện tử, vô tuyến ... .

    Trường đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (Năm 1986) và  Huân chương Lao động hạng Hai (Năm 1995) nhân dịp kỉ niệm 20 năm đào tạo tại Xuân Hoà.

    III. Thời kỳ 1996 - 2017

    1. Yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đổi mới của ngành giáo dục

    Sau 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986), đất nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh thế giới có những chuyển biến quan trọng. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển với những bước tiến nhảy vọt, đưa thế giới bước vào kỷ nguyên công nghệ thông tin và kinh tế tri thức. Khoa học công nghệ và kinh tế tri thức ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, trong đó giáo dục và đào tạo là yếu tố nền tảng. Do đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xác định giáo dục và đào tạo phải đặt ở vị trí hàng đầu.

    Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trở thành xu thế tất yếu trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Điều này tạo cơ hội thuận lợi để tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, những mô hình giáo dục tiên tiến, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, tạo thời cơ để phát triển giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, cũng không ít thách thức đặt ra đối nền giáo dục trong bối cảnh cạnh tranh và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống khi có sự tác động của yếu tố giáo dục nước ngoài. 

    Ở trong nước, yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế theo chiều sâu tri thức với công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, trong khi nguồn lực đầu tư cho giáo dục thì có hạn; nguy cơ tụt hậu và khoảng cách kinh tế, giáo dục giữa Việt Nam và các nước ngày càng gia tăng,...

    Thực tế trên đã đặt ra cho ngành Giáo dục Việt Nam những yêu cầu phải đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng, giúp thế hệ trẻ có đủ năng lực và bản lĩnh thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thế giới cũng như đáp ứng những yêu cầu về nguồn lực lao động của đất nước trong giai đoạn lịch sử mới.

    Trước sự biến chuyển của tình hình thế giới, yêu cầu của đất nước, Đảng đã xác định được vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục - đào tạo trong giai đoạn cách mạng mới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (7-1996) đã nêu rõ: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”[1]. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 Khóa VIII (năm 1996) đã tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển giáo dục - đào tạo thông qua việc thực hiện những giải pháp tổng thể, nhấn mạnh các giải pháp tăng cường nguồn lực cho giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên tạo động lực thu hút người học, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, học tập, tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống trường học các cấp và đổi mới công tác quản lí giáo dục.

    Đến Đại hội toàn quốc lần thứ IX, Đảng tiếp tục khẳng định "Phát triển giáo dục - đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục; thực hiện “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”[2].

    Quán triệt chủ trương của Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố “Định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2020” (9-1996) khẳng định: “Mục tiêu về giáo dục - đào tạo là mục tiêu quốc gia, đi trước một bước so với các mục tiêu phát triển kinh tế”[3]. Báo cáo nêu rõ mục tiêu chung của ngành Giáo dục đến năm 2020 là: “Tiếp tục phát triển quy mô để hệ thống giáo dục nước ta có khả năng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng con người Việt Nam có đủ phẩm chất và năng lực thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa… làm cho hệ thống giáo dục - đào tạo nước ta đạt trình độ phát triển của thế giới”[4]. Mục tiêu chung được thể hiện qua các mục tiêu cụ thể, căn cứ vào yêu cầu phát triển của đất nước, có đối chiếu với kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề ra những biện pháp cụ thể, sát với thực tiễn nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên.

    Thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Do vậy, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 Khóa XI (11-2013) đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, tiếp tục khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết nêu rõ: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo thực hiện,…”[5]. Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, toàn ngành Giáo dục đã và đang tích cực triển khai các hoạt động đổi mới một cách mạnh mẽ, bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực ở tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo trên phạm vi cả nước.

    Yêu cầu đổi mới, hội nhập trở thành đòi hỏi sống còn đối với bất cứ cơ sở giáo dục đào tạo nào trước sự chuyển biến của tình hình thế giới, trong nước và ngành Giáo dục. Là một đơn vị trong hệ thống các trường sư phạm chủ chốt của Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 với khí thế quyết tâm cao đã vượt qua khó khăn, thử thách, nắm bắt thời cơ, đổi mới và phát triển. Những hoạt động của Nhà trường, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, cùng sự đoàn kết nhất trí của tập thể thầy và trò ngày càng đi vào thực chất, có chiều sâu, có sức lan tỏa trong khối các trường sư phạm và ngoài xã hội.

    2. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất

    Bước sang giai đoạn đất nước có nhiều khởi sắc, ngành Giáo dục đang chuyển mình thích ứng với thời cuộc mới - hội nhập để phát triển, Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng tập thể thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã nắm bắt thời cơ phát triển với tinh thần, quyết tâm cao. Vượt qua sóng gió của thời kì đầu xây dựng tại Xuân Hòa, vượt qua thử thách sự tồn tại những năm 80, 90 của thế kỷ XX, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 từng bước xác lập vị thế vững chắc trên chặng đường phát triển mới. Tuy vậy, để phát triển bền vững, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã chủ trương “ba tăng”: tăng quy mô, tăng chất lượng, tăng đầu tư. Nhà trường đã phát huy nội dung, tranh thủ hiệu quả ngoại lực để đưa tư tưởng chỉ đạo này vào thực tế.

    Nhà trường tiếp tục đầu tư mở rộng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị phải trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu bên cạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.

    Từ năm 1996, Trường đã có quy hoạch tổng thể phát triển qua ba giai đoạn, đó là: 1996 - 2000, 2001 - 2010, 2011 - 2020. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường qua các thời kỳ lãnh đạo đều nỗ lực tập trung đầu tư cho việc mở rộng diện tích giảng đường, xây mới phòng học, phòng thí nghiệm, các tòa nhà chức năng theo hướng hiện đại hóa…

    Nhà trường đã chủ động tổ chức Hội nghị liên kết khu vực Xuân Hòa và các vùng ven để tạo sự nhất trí cao về sự cần thiết quy hoạch trường thêm một cơ sở mới đủ diện tích để xây dựng Trường hiện đại sao cho "trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò". Do vậy, nếu trước năm 1996, Trường chỉ có khoảng 6 ha đất nhưng chưa có giấy phép quyền sử dụng thì đến năm 2005, đã có giấy phép sử dụng đất của 17 ha đất cũ và mới (trong đó khoảng gần 11 ha đất mới được cấp phép sử dụng). Trên cơ sở diện tích đất được mở rộng, Nhà trường đã tập trung các nguồn vốn vào xây dựng các công trình phục vụ cho việc học tập và giảng dạy nhằm nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo[6].

    Trong giai đoạn 1996 - 2000, Nhà trường đã cho tổ chức đấu thầu, khởi công xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng các công trình nhà học 3 tầng, 4 tầng, nhà học 5 tầng và khu Trung tâm Tin học, vườn thực hành, thực nghiệm khoa Sinh - Kĩ thuật Nông nghiệp[7]. Đến năm 2000, đã đưa vào sử dụng hiệu quả khu giảng đường mới kiên cố gồm 4 công trình, 61 phòng học trang bị đủ tiện nghi và một giảng đường 250 chỗ ngồi đạt tiêu chuẩn.

    Ngày 04-01-2002, Nhà trường khởi công xây dựng Nhà học đa năng 8 tầng với diện tích 6.500m2, kinh phí đầu tư lên tới 17 tỷ đồng[8]. Sau năm 2002, các công trình xây dựng mới từ Vườn cây Tiến sĩ đến Khu kí túc xá 5 tầng bắt đầu đi vào sử dụng được xem là những dấu ấn khẳng định bước phát triển mới của Trường. Từ năm 2004, Nhà trường đã xúc tiến xây dựng Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Nhà Giáo dục thể chất và làm việc với chính quyền phường Xuân Hòa để chuyển giao khu đất của trường Trung học phổ thông Xuân Hòa cũ cho Trường.

    Đến năm học 2009 - 2010, Nhà trường đã nghiệm thu bàn giao toàn bộ Khu giảng đường E gồm 28 phòng học, tăng cường hạ tầng cho Khu giảng đường A và B, Nhà ăn câu lạc bộ sinh viên đưa vào khai thác sử dụng. Trong năm học này, Nhà trường đã khởi công xây dựng Nhà học Thí nghiệm với diện tích 10.000 m2.

    Từ năm 2010, Nhà trường bắt đầu xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Trường đến năm 2020, với chủ trương tổ chức xây dựng cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa và hiện đại; khai thác nguồn vốn hợp pháp của ngân sách Nhà nước và ngoài ngân sách Nhà nước cấp để đầu tư cơ sở vật chất; đầu tư kinh phí cho công tác xây dựng cơ bản, tu bổ sửa chữa các công trình phục vụ đào tạo trong khuôn khổ cho phép. Cụ thể, trong năm học 2010-2011, Nhà trường đã đưa vào sử dụng nhà ăn 2 tầng thuộc Dự án xây dựng Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Hà Nội 2 và nhà ăn cán bộ thuộc khu Hiệu bộ. Tiếp tục xây dựng KTX S4 (nguồn vốn trái phiếu Chính phủ); khu Nhà học Thí nghiệm.

    Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể, nhiều hạng mục công trình được xây dựng mới. Năm học 2013 - 2014, Trường đã triển khai các Dự án xây dựng Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Sư phạm nhằm hình thành nền tảng cho quá trình nâng cấp quy mô đào tạo trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập quốc tế[9].

    Năm học 2015 - 2016, Nhà trường đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng Dự án Nhà học Thí nghiệm 10 tầng tại khu giảng đường ABCD với tổng diện tích 10.000 m2 và Dự án xây dựng công trình Giảng đường chuyên dùng.

    Tính đến năm 2017, Trường đã có tổng số 123 phòng học các loại, trong đó có 10 phòng học máy tính, 4 phòng học ngoại ngữ chuyên dùng. Tổng diện tích sử dụng cho phòng học đạt hơn 44.508 m2. Với quy mô 8.199 sinh viên (gồm sinh viên đại học chính quy, cao học, nghiên cứu sinh), tỉ lệ bình quân diện tích chỗ học tập cho sinh viên đạt mức 5,428 m2/sinh viên[10]. Tỉ lệ bình quân diện tích chung và tỉ lệ bình quân diện tích đối với mỗi loại phòng học khác nhau đều đạt và vượt so với quy định.

    Đối với các phòng học thí nghiệm được tổ chức thành 20 phòng học lớn. Để đảm bảo cho công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, các phòng thí nghiệm lớn được chia thành 105 phòng thí nghiệm, thực hành có diện tích phòng học.

    Trải qua hơn 20 năm phát triển và hội nhập (1996 - 2017), từ chỗ thiếu thốn cơ sở vật chất, không có đủ phòng học, phòng làm việc cho cán bộ, giảng viên, sinh viên cho đến năm 2017, về cơ bản hệ thống giảng đường, phòng làm việc của Trường đã được nâng cấp hiện đại, đáp ứng được nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên, sinh viên. Với sự nỗ lực của thầy và trò Nhà trường trong việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng khuôn viên, cảnh quan, các phòng chức năng đã góp phần tạo nên cho Trường một diện mạo mới, hiện đại.

    Giai đoạn 1996 - 2002, Trường tập trung nguồn lực đầu tư cho các phòng thí nghiệm Vật lí, Hóa học, Sinh học và phòng máy của môn Tin học. Dự án nâng cao chất lượng đào tạo tin học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Dự án phòng Thí nghiệm Lý - Hóa - Sinh được triển khai trong giai đoạn này đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ phía Ban Giám hiệu nhằm  tạo nền tảng thúc đẩy hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong cán bộ và sinh viên.

    Năm học 2007 - 2008, Trường hoàn thiện việc bàn giao, đưa vào khai thác phòng học ngoại ngữ và lắp đặt phương tiện trình chiếu phục vụ giảng dạy tại khu giảng đường[11]. Nhà trường cũng đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt dự án, dự toán đầu tư trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ đào tạo năm 2009, nhằm mua sắm trang thiết bị cho phòng thực hành tin học, phòng học đa phương tiện, thiết bị trình chiếu cho các phòng học tại giảng đường, với kinh phí là hơn 1,2 tỷ đồng[12].

    Năm học 2010 - 2011, Nhà trường đã mua sắm, duy tu, bảo trì, bảo dưỡng các phương tiện phục vụ giảng dạy tại các giảng đường A, B, C, D, E. Tạo điều kiện để các giảng viên sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Triển khai hệ thống phòng học trực tuyến phục vụ cho việc giảng dạy trực tuyến trong và ngoài trường, nâng cao hiệu quả dạy học.

    Cho đến năm 2017, Nhà trường có đủ trang thiết bị dạy và học hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Có 47 phòng học được trang bị đầy đủ bàn, ghế, hệ thống ánh sáng, hệ thống âm thanh, bảng chống lóa (một số phòng được trang bị hệ thống bảng thông minh), máy tính, máy chiếu cố định. Số máy vi tính hiện có là 515 bộ, số máy chiếu là 70 bộ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cả chương trình đào tạo đại học và sau đại học. Mỗi khoa đều được trang bị từ 02 đến 04 bộ máy tính, 02 máy chiếu di động, từ 01 đến 02 máy in.

    Các khoa có đầy đủ phòng thực hành, thí nghiệm với trang thiết bị máy móc, dụng cụ chuyên môn phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của sinh viên, Học viên Cao học và Nghiên cứu sinh. Cụ thể, Khoa Vật lí có 7 phòng thí nghiệm, Khoa Hóa học có 7 phòng thí nghiệm, Khoa Sinh - Kĩ thuật Nông nghiệp có 9 phòng thí nghiệm, Khoa Toán và Khoa Công nghệ Thông tin có 8 phòng thực hành máy tính, Khoa Giáo dục Tiểu học và Khoa Giáo dục Mầm non có 6 phòng thực hành, Khoa Giáo dục Thể chất có 15 phòng tập và sân bãi, Khoa Ngoại ngữ có 4 phòng học tiếng với đầy đủ hệ thống máy tính kết nối mạng LAN, bảng thông minh, máy chiếu đa năng[13].

    Với sự nỗ lực đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của Nhà trường, đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh đối mới và hội nhập.

    Trong suốt quá trình hoạt động và phát triển, Nhà trường luôn luôn quan tâm, chú ý tới việc đầu tư, nâng cấp thư viện, mua: sách, giáo trình, tạp chí các chuyên ngành, báo đảm bảo số lượng tài liệu tham khảo đáp ứng được yêu cầu học tập, giảng dạy, nghiên cứu của sinh viên và giảng viên trong Trường.

    Giai đoạn 1996 - 2002, Trường đã triển khai "Tiểu dự án Thư viện" trong Dự án Đại học với kinh phí khoảng 500.000 USD. Đến năm học 2004 - 2005, Trường báo cáo đã hoàn thành Dự án Đại học mức "A" nâng cấp thư viện, nộp và xúc tiến để đạt được mức "B".

    Năm học 2004 – 2005, Thư viện đã bổ sung 2.914 bản sách mới, 98 đầu báo và tạp chí, lưu hành 513 tập tài liệu, tu bổ, phục chế 2.473 cuốn sách[14]. Đến năm 2016, Thư viện của trường đã có số lượng sách, giáo trình, tài liệu tham khảo tiếng Việt và tiếng nước ngoài phong phú đa dạng phục vụ yêu cầu sử dụng của cán bộ, giảng viên và người học, gồm 84.099 cuốn (trong đó sách Việt văn là 75.346 cuốn, sách ngoại văn 6.030 cuốn, 9.673 tài liệu luận án, luận văn, khóa luận tốt nghiệp, giáo trình 8.000 cuốn, tài liệu tham khảo 9.979 cuốn). Thư viện của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 hiện tại có diện tích sử dụng là 2.540 m2, có các trang thiết bị hiện đại phục vụ bạn đọc như: phần mềm điện tử Libol 5.5, phần mềm thư viện số TVSP2, máy in mã vạch, máy photocopy, hệ thống cổng từ, máy tính nối mạng... Nhờ thực hiện tự động hóa kỹ thuật nghiệp vụ, áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế trong công tác biên mục, công tác phục vụ bạn đọc của Thư viện trở nên nhanh chóng, hiệu quả. Hệ thống phòng đọc được bố trí khoa học theo hình thức mở, đủ tiêu chuẩn, đủ chỗ ngồi cho sinh viên và viên chức đến đọc.

    Kết quả của việc triển khai các dự án và sự đầu tư của Nhà trường trong giai đoạn này đã nâng cấp được cơ sở vật chất của Thư viện tương đối hiện đại, hướng tới chuẩn quốc tế. Đồng thời với việc bổ sung nguồn học liệu phong phú, cập nhật đã đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo của Nhà trường trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.

    3. Thành lập các đơn vị mới, phát triển đội ngũ cán bộ

    3.1. Thành lập các đơn vị mới

    Trong bối cảnh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có những bước chuyển biến về mọi mặt, để đáp ứng yêu cầu tổ chức, quản lý các ngành đào tạo được mở rộng về quy mô và đảm bảo yêu cầu chất lượng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã chủ trương thành lập các đơn vị mới.

    Để đáp ứng yêu cầu xã hội về đội ngũ giáo viên ở bậc học Tiểu học và Mầm Non, Nhà trường đã tăng cường tuyển sinh ngành Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm Non. Để đảm bảo bảo công tác tổ chức, quản lý, theo đề nghị cảu Nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 711/GD- ĐT ngày 25-02-1997 thành lập Khoa Giáo dục Tiểu học, đào tạo ngành Cử nhân Tiểu học và Quản lý Giáo dục Mầm non[15]. Khoa Giáo dục Tiểu học là đơn vị đào tạo được thành lập đầu tiên trong giai đoạn phát triển của Trường. Cho đến nay, Khoa Giáo dục Tiểu học là một trong những đơn vị dẫn đầu của Trường về quy mô và chất lượng đạo tạo, điều đó thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Nhà trường trong bối cảnh mới.

    Với phương châm tăng cường “đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội”, nhiều ngành đào tạo mới đã được mở ra, tiếp tục tạo tiền đề cho sự ra đời của các đơn vị đào tạo.

    Đầu năm 2005, Trường đã thành lập Khoa Công nghệ Thông tin và Thư viện, Trung tâm Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục[16]. Khoa Công nghệ Thông tin và Thư viện được thành lập trên cơ sở Bộ môn Tin học, đảm nhiệm việc đào tạo 3 ngành là Công nghệ Thông tin, Sư phạm Tin học và Khoa học Thư viện. Bên cạnh đó, Khoa Công nghệ Thông tin còn tham gia đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên tiểu học của các tỉnh, thành. Từ năm 2011, Khoa Công nghệ Thông tin đảm nhận nhiệm vụ đào tạo trình độ Thạc sĩ công nghệ thông tin chuyên ngành Khoa học Máy tính.

    Năm 2007, Trường thành lập thêm các đơn vị mới như: Khoa Giáo dục Chính trị, Khoa Ngoại ngữ, Khoa Giáo dục Thể chất, Trung tâm Tin học và Thiết bị kỹ thuật, Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

    Tiền thân của Khoa Giáo dục Chính trị là Bộ môn Mác - Lênin, một trong những Bộ môn ra đời từ những ngày mới thành lập trường. Khoa Giáo dục Chính trị đảm nhiệm công tác giảng dạy các môn lý luận chính trị cho sinh viên trong toàn trường và đào đạo tạo cử nhân Giáo dục Công dân.

    Khoa Ngoại ngữ được thành lập trên cơ sở Bộ môn Ngoại Ngữ. Khoa Ngoại ngữ có nhiệm vụ chính là giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên không chuyên trong toàn trường và đào tạo cử nhân Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc, ngoài ra còn giảng dạy tiếng Anh cho học viên cao học và Nghiên cứu sinh.

    Khoa Giáo dục Thể chất được thành lập trên cơ sở Bộ môn Thể dục Thể thao. Ngoài nhiệm vụ đào tạo cử nhân Sư phạm Thể dục Thể thao - Giáo dục Quốc phòng, Sư phạm Giáo dục Thể chất, Khoa Giáo dục Thể chất còn giảng dạy thể dục cho toàn bộ sinh viên hệ chính quy trong toàn Trường[17].

    Năm 2011, Khoa Lịch sử được thành lập trên cơ sở Bộ môn Lịch sử của Khoa Giáo dục Chính trị. Khoa Lịch sử có nhiệm vụ chính là đào tạo cử nhân Lịch sử và Sư phạm Lịch sử, giảng dạy các học phần lịch sử cho sinh viên các ngành không chuyên.

    Khoa Giáo dục Mầm non được thành lập theo Quyết định số 786/QĐ - ĐHSPHN2 ngày 14 /8/2015. Ngành Giáo dục Mầm non bắt đầu được đào tạo từ năm học 2007 - 2008, trước đây thuộc sự quản lí của Khoa Giáo dục Tiểu học.

    Ngày 27-07-1999, theo quyết định số 2630/QĐ-BGD&ĐT-TCCB, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Hà Nội 2 được thành lập trên cơ sở Bộ môn Quân sự và Khoa Quân sự Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Trung tâm có nhiệm vụ giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên, các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Giáo dục quốc phòng, nghiên cứu khoa học sư phạm quân sự, thực hiện công tác quân sự địa phương trong trường học. Đồng thời, Trung tâm còn thực hiện đào tạo cử nhân Giáo dục Quốc phòng - An Ninh, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông.

    Cùng với việc mở rộng quy mô đào tạo đại học, đào tạo sau đại học cũng ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Để đáp ứng yêu cầu quản lý, năm 2002, Trường đã thành lập Phòng Sau Đại học trên cơ sở tách ra từ Phòng Quản lý Khoa học. Phòng Sau Đại học có chức năng tư vấn và giúp Hiệu trưởng trong việc tổ chức quản lý công tác đào tạo sau đại học,bao gồm đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ và bồi dưỡng sau đại học[18].

    Để thực hiện mục tiêu phát triển Trường theo định hướng nghiên cứu, chủ trường của Đảng ủy và Ban Giám hiệu là phải tăng cường hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu khoa học Giáo dục. Bên cạnh đó, lãnh đạo Nhà trường luôn coi trọng các hoạt động nhằm tăng cường năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên và sinh viên, đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông ở các địa phương. Nhằm đáp ứng những yêu cầu đó, năm 2016, Hiệu trưởng Nhà trường đã quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Sư phạm[19] và Viện Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng[20].

    Viện Nghiên cứu Sư phạm được thành lập trên cơ sở Trung tâm Nghiệp Vụ Sư phạm. Nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Sư phạm là: tổ chức, quản lý công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên; giảng dạy kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên; tham gia xây dựng quy chế, tổ chức, quản lý, kiểm tra đánh giá về công tác thực tập sư phạm cho sinh viên; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, giảng viên; quản lý, giảng dạy và cấp chứng chỉ các chương trình ngắn hạn cho sinh viên, giáo viên các cấp học, ngành học, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục; chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên các cấp; tư vấn các vấn đề về khoa học giáo dục cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cho Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương; thông tin khoa học giáo dục, tham gia biên soạn sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo, sách bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu của ngành Giáo dục; điều tra, khảo sát nhu cầu bồi dưỡng giáo viên các cấp học, ngành học; hợp tác trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học giáo dục.

    Viện Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng có chức năng: tổ chức các hoạt động nghiên cứu về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học giáo dục, toán học và công nghệ của các giảng viên, nghiên cứu viên tại Trường; triển khai kết quả nghiên cứu về khoa học giáo dục phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường; tư vấn các tổ chức, cá nhân trong Trường đẩy mạnh hợp tác và hội nhập về nghiên cứu khoa học và ứng dụng; Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài trường phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; thực hiện dịch vụ đối với hoạt động quản lý các chương trình, dự án, nhiệm vụ liên quan đến hợp tác nghiên cứu về khoa học và ứng dụng; Trực tiếp triển khai một số chương trình, dự án, nhiệm vụ liên quan đến hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và ứng dụng.

    Đến năm 2017, Trường đã có tổng số 12 khoa, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật Lí, Hóa học, Sinh - KTNN, Ngoại ngữ, Giáo dục Chính trị, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Thể chất, Công nghệ Thông tin, Lịch sử, Giáo dục Mầm non; Bộ môn Tâm lý Giáo dục trực thuộc trường; 13 phòng, ban chức năng gồm: Phòng Hành chính Tổng hợp, Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Đào tạo, Phòng Sau đại học, Phòng Quản trị Đời sống, Phòng Tài vụ, Phòng Công tác chính trị - Học sinh Sinh viên, Phòng Thanh tra, Trạm Y tế, Ban Bảo vệ, Ban Quản lý Kí túc xá, Thư viện; 3 trung tâm gồm: Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An Ninh; 02 viện nghiên cứu gồm: Viện Nghiên cứu Sư phạm, Viện Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng.

    Vời sự ra đời của các đơn vị mới đã thể hiện bước phát triển mạnh mẽ của Nhà trường về quy mô và chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

    3.2. Phát triển đội ngũ cán bộ

    Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Ban Chủ nhiệm các khoa trong Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đều nhận thức rất rõ tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đó là tạo ra những yếu tố cơ bản quyết định chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và mọi hoạt động khác. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, quy mô đào tạo của trường tăng thì việc xây dựng một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất đạo đức tốt là nhiệm vụ sống còn để thực hiện mục tiêu xây dựng phát triển của Nhà trường.

    Công tác tuyển dụng cán bộ của Nhà trường trong giai đoạn này cũng có những bước tiến đáng kể. Trường đã xây dựng quy định, quy chế về tuyển dụng giảng viên theo hình thức thi tuyển và xét tuyển nhằm đảm bảo tuyển chọn được những giảng viên có phẩm chất đạo đức tốt và trình độ chuyên môn cao, thực hiện quy định nhiệm vụ của viên chức sau khi được đào tạo phải phục vụ, xây dựng Nhà trường phù hợp và đúng pháp luật, đảm bảo không bị hẫng hụt đội ngũ so với quy mô phát triển trong giai đoạn mới của Nhà trường.

    Để thực hiện tốt công tác phát triển đội ngũ, tập thể lãnh đạo Nhà trường đã xây dựng chiến lược và triển khai thực hiện quy hoạch viên chức quản lý. Việc quy hoạch, bổ nhiệm căn cứ vào mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị. Do đó, Nhà trường đã xây dựng được đội ngũ viên chức quản lý có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng.

    Bên cạnh đó, Nhà trường luôn tạo điều kiện cho cán bộ tự bồi dưỡng và bồi dưỡng, học cao học, nghiên cứu sinh. Bắt đầu từ năm 1997, Đảng ủy, Ban Giám hiệu quyết định hằng năm tổ chức Lễ vinh quy tân Tiến sĩ vào dịp Tết Nguyên đán nhằm tôn vinh các thầy cô đã được nhận học vị Tiến sĩ, thể hiện chủ trương coi trọng nhân lực trình độ cao của Trường. Những hỗ trợ của Nhà trường đã động viên các cán bộ, giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập Sau đại học, nâng cao trình độ. Đội ngũ cán bộ, giảng viên có học vị Tiến sĩ tăng lên hàng năm, góp phần tạo dựng uy tín cho Nhà trường trong mạng lưới các trường đại học sư phạm.

    Hàng năm, Trường vẫn thường xuyên cử giảng viên có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn cao tham gia phối hợp thực hiện các đề tài nghiên cứu ở nước ngoài, cử giảng viên đi đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Số lượng giảng viên đang tu nghiệp hoặc tham gia cộng tác trong các chương trình nghiên cứu, giảng dạy tại nước ngoài hàng năm ngày càng nhiều. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch lâu dài bồi dưỡng tiếng Anh cho đội ngũ giảng viên bằng cách cử cán bộ, giảng viên đi bồi dưỡng tiếng Anh tại Philippin vào năm 2009[21]. Năm 2017, mở các lớp bồi dưỡng tiếng Anh trình độ B1 và B2 nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên.

    Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, nhiệm kỳ 2010 - 2015 tiếp tục xác định để nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường hiệu quả quản lí đạt chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội thì công tác phát triển nhân lực phải được quan tâm phát triển hơn nữa: "Tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ để tăng tỉ lệ viên chức có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ, tỷ lệ Giảng viên chính, Chuyên viên chính, Phó Giáo sư, Giáo sư. Có nhiều cán bộ sử dụng thành thạo máy tính, ngoại ngữ giao tiếp, hội nhập được với các cơ quan khoa học trong nước và quốc tế. Phấn đấu trong nhiệm kỳ tới có thêm 70 đến 100 nghiên cứu sinh, có thêm 50 đến 80 cán bộ đạt trình độ Tiến sĩ. Tăng số cán bộ được cử đi đào tạo Sau Đại học, bồi dưỡng ở nước ngoài. Đạt chuẩn về trình độ giảng viên của trường tiên tiến: Trên 90% giảng viên đứng lớp từ năm 2010 có trình độ Sau Đại học, 18 đến 25% giảng viên có trình độ Tiến sĩ vào cuối năm 2015. Phấn đấu có 5 đến 10% giảng viên có chức danh Phó Giáo sư và Giáo sư vào cuối năm 2015"[22].

    Trong thời gian từ năm 2006 - 2011, Trường đã cử 163 cán bộ đi học cao học, 83 cán bộ đi học nghiên cứu sinh, 10 cán bộ đi nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu khoa học ở nước ngoài, 93 cán bộ đã thi đạt danh hiệu Giảng viên chính[23]. Từ năm 2011, số lượng cán bộ của Trường đi học nâng cao trình độ Sau đại học ngày một tăng cao. Đội ngũ cán bộ quản lý cũng trưởng thành rõ rệt về năng lực chuyên môn, khả năng điều hành, có trách nhiệm cao trong mọi công việc được giao. Đội ngũ giảng viên, chuyên viên, nghiên cứu viên có năng lực chuyên môn ngày càng vững vàng, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu tốt góp phần tạo dựng uy tín chuyên môn của Nhà trường trong xã hội.

    Như vậy, ngay từ đầu thế kỉ XXI, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, hội nhập quốc tế về giáo dục ngày càng sâu rộng hơn so với giai đoạn trước. Cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến các nền giáo dục trên thế giới và khu vực. Các trường đại học nhanh chóng tiếp cận với tri thức mới, những mô hình giáo dục hiện đại, tận dụng kinh nghiệm quốc tế, tạo đà phát triển, nâng cao chất lượng, uy tín. Trên cơ sở đó, Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội đã đưa ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2015 - 2020 về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ: "90% số cán bộ được quy hoạch cấp ủy các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Đối với các trường đại học: 100% giảng viên đại học đạt trình độ Thạc sĩ trở lên, trong đó có 25% giảng viên là Tiến sĩ. 100% giảng viên đại học, cao đẳng sử dụng ít nhất một ngoại ngữ trong chuyên môn. 100% giảng viên đại học, cao đẳng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học"[24].

    Với chiến lược đúng đắn, đội ngũ cán bộ của Trường ngày một lớn mạnh về cả số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 8 năm 2016, đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường là 345 người, giảng viên có trình độ Tiến sĩ được trẻ hóa và bố trí khá hợp lý ở hầu hết các bộ môn. Tính đến tháng 7 năm 2017, tổng số cán bộ trong biên chế và hợp đồng dài hạn của Trường là 586 người; giảng viên cơ hữu là 367 người, trong đó: Phó Giáo sư là 17, Tiến sĩ là 86, Thạc sĩ là 199 và Đại học là 65[25].  Như vậy, ngoài giảng viên trẻ mới tuyển dụng và giảng viên phụ trách giảng dạy một số chuyên môn đặc thù, trên 82% giảng viên của Trường đạt trình độ Thạc sĩ trở lên, 100% giảng viên có trình độ ngoại ngữ, tin học theo quy chuẩn và đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học. Với nguồn nhân lực trình độ cao có được hiện nay chắc chắn sẽ là động lực thúc đẩy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phát triển và hội nhập.

    4. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông

    4.1. Trên lĩnh vực đào tạo

    Đại hội VIII của Đảng (6-1996) đã đánh dấu mốc đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong lĩnh vực giáo dục, trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII "Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2020", Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 khóa VIII đã xác định: Nhiệm vụ đặt ra là xử lý đúng hướng mối quan hệ giữa cung và cầu, giữa nhà trường và xã hội, đổi mới chương trình đào tạo, đa ngành học, đa cấp học đáp ứng nhu cầu xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa và tăng cường quản lý của nhà nước, tạo dựng đội ngũ cán bộ đông đảo có học vị khoa học cao, giảng dạy tốt và đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, phát triển toàn diện trường. Vì vậy, Nhà trường đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo và triển khai thực hiện kế hoạch "Tam đa": Đa lĩnh vực đào tạo, đa ngành nghề đào tạo, đa bậc đào tạo và kế hoạch "Ba tăng": Tăng quy mô, tăng chất lượng, tăng đầu tư nhằm xây dựng Nhà trường phát triển bền vững trong tương lai.

    Từ khi thành lập cho đến nay, Nhà trường vẫn kiên trì thực hiện chức năng, nhiệm vụ: "Đào tạo giáo viên khoa học cơ bản cho các trường phổ thông cấp 2 và cấp 3, theo các hình thức học tập trung dài hạn, chuyên tu và học tại chức"[26]. Bên cạnh đó, sứ mạng của Trường cũng được xác định phù hợp với định hướng phát triển đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, đó là "cơ sở đào tạo giáo viên có uy tín cho các trường phổ thông, mầm non, trong đó có một số chương trình đào tạo tiên tiến dạy bằng tiếng Anh, đào tạo cử nhân đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và hội nhập quốc tế, là cơ sở đào tạo trình độ sau đại học có uy tín; là trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học cơ bản và ứng dụng, là cầu nối chuyển giao công nghệ mới vào thực tiễn giáo dục và kinh tế - xã hội"[27].

    Đào tạo đại học chính quy        

    Từ năm 1996 - 2010, quy mô tuyển sinh hệ đại học chính quy tập trung của trường là khoảng 1.000 sinh viên/năm.  Từ năm 2010 đến 2014, quy mô tuyển sinh trên 2.000 sinh viên/năm. Số thí sinh dự thi vào Trường ngày càng tăng.  Số sinh viên, học viên tuyển theo từng năm học của Trường trong giai đoạn này đã đạt mức cao nhất so với trước kia.

    Trong 7 năm từ 1996 - 2002, Trường đã đào tạo và xét tốt nghiệp ra trường 7.000 sinh viên hệ chính quy, 400 sinh viên hệ cử tuyển, 4.000 sinh viên hệ chuyên tu, 500 sinh viên hệ cao đẳng và 400 Học viên cao học[28].

    Trong giai đoạn 2006 - 2011, quy mô ngành nghề và số lượng sinh viên ngày một nâng cao. Quy mô tuyển sinh tăng từ hơn 1.000 lên hơn 2.000, quy mô sinh viên hệ chính quy tăng gần 2 lần. Số ngành đào tạo đại học tăng từ 17 đến 23[29]. Tính đến tháng 7-2016, trường có 25 ngành đào tạo bậc đại học (trong đó 15 ngành Cử nhân Sư phạm, 10 ngành Cử nhân ngoài sư phạm), 16 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ, 3 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ. Tổng số sinh viên đại học chính quy là 8.402, học viên cao học là 854, nghiên cứu sinh là 45, học viên hệ Vừa làm vừa học là 7.650[30].

    Trên cơ sở xác định mục tiêu giáo dục đại học là giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có kĩ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành đào tạo, Nhà trường đã khuyến khích giảng viên, sinh viên đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng dạy và học.

    Năm học 2004 - 2005, Đảng ủy đã đề ra Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ năm học trọng tâm là các nội dung:

    - Thực hiện tốt công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, mở mã ngành đào tạo mới.

    - Nâng cao chất lượng quản lý dạy - học, thúc đẩy đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy - học theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt sự phát triển trường trong giai đoạn mới và đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông.

    - Đầu tư thỏa đáng cho giáo trình, tài liệu học tập, từng bước chuẩn hóa thư viện.

    - Thực hiện tốt quy trình quản lý văn bằng, chứng chỉ và hồ sơ sinh viên"[31].

    Theo tinh thần đó, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các phòng ban chức năng cùng các khoa, bộ môn tích cực đầu tư xây dựng chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới phương pháp đánh giá sinh viên, thay đổi và bổ sung các hình thức kiểm tra, thi, xây dựng ngân hàng đề thi đối với sinh viên các hệ nhằm đánh giá, phân loại đúng học lực, kích thích hoạt động học tập và nghiên cứu của sinh viên, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện.

    Năm học 2007 - 2008, Nhà trường đã ban hành văn bản số 385/ĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giảng dạy - học tập, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu giáo trình, thiết bị dạy học để hỗ trợ cho giảng viên có đủ điều kiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhà trường ưu tiên xét duyệt các đề tài khoa học liên quan đến khoa học giáo dục và khoa học ứng dụng. Các khoa tổ chức các cuộc hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức dự giờ dạy mẫu.

    Nhà trường chỉ đạo các khoa, bộ môn chú trọng công tác chuyên môn, khuyến khích giảng viên đầu tư chuyên môn, nâng cao kiến thức và năng lực nghề nghiệp, tăng cường sử dụng các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ công tác dạy học, đổi mới phương pháp theo hướng phát huy tính tích cực chủ động của người học, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

      Việc tổ chức thi học phần được tiến hành nghiêm túc, khách quan. Đề thi tất cả các môn học đào tạo theo học chế tín chỉ được lấy từ ngân hàng đề do Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục quản lý. Việc coi thi, chấm thi diễn ra nghiêm túc, có tác động tích cực đến hoạt động dạy và học của giảng viên và sinh viên.

    Trong thời gian hơn 20 năm đổi mới, phát triển và hội nhập, song song với việc mở rộng về quy mô đào tạo thì chất lượng đào tạo cũng luôn được Nhà trường chú trọng. Trường đã không ngừng phát triển và hoàn thiện về mọi mặt, đảm bảo tốt về chất lượng giáo dục. Sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp đã có nhiều đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển của ngành Giáo dục, kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần làm cho uy tín của Nhà trường không ngừng được nâng cao.

    Từ năm 2007, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt quan tâm tới việc hoàn thành việc điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng đảm bảo chất lượng theo chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu xã hội. Nhà trường đã đưa ra lộ trình để chuyển sang đào tạo chế tín chỉ theo Quy chế đào tạo đại học số 25/2006/QĐ-BGDĐT ngày 26-6-2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường đã cử cán bộ đi học tập, trao đổi với 5 trường đại học ở Việt Nam và đại học Nam Carliphonia (Mỹ) về đào tạo theo tín chí ở bậc đại học và sau đại học. Trường đã tổ chức tập huấn về đào tạo theo tín chỉ cho cán bộ cốt cán và triển khai Quy chế đào tạo mới tới các đơn vị trong Trường.

    Từ năm học 2009 - 2010, Trường bắt đầu tổ chức thực hiện đào tạo tín chỉ theo lộ trình đã xây dựng. Trong năm học 2009 - 2010, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các Tiểu ban: Chương trình, Quản lý đào tạo, Cơ sở vật chất tích cực điều chỉnh chương trình, xây dựng đội ngũ, chuẩn bị cơ sở vật chất, đầu tư kinh phí để triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ từ Khóa 36.

    Từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nhà trường triển khai xây dựng chương trình đào tạo mới ở tất cả các ngành áp dụng từ Khóa 41 theo định hướng phát triển năng lực, đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên có thể giảng dạy được chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, Ban Giám hiệu cũng chỉ đạo xây dựng chương trình Vừa làm vừa học căn cứ vào chương trình đào tạo hệ chính quy; xây dựng 104 chuyên đề bồi dưỡng giáo viên phổ thông và giáo viên mầm non.

    Do thường xuyên phát triển chương trình căn cứ vào kết quả của khoa học giáo dục và thực tiễn của trường phổ thông, nên sản phẩm đào tạo của Nhà trường đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới của ngành Giáo dục.

    Trong quá trình đào tạo, Nhà trường rất coi trọng mối quan hệ với các trường phổ thông trong công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Hoạt động rèn nghề, thực tập sư phạm, thực tập chuyên ngành là mắt xích trọng yếu để tạo ra sản phẩm có chất lượng. Trong đó, trường Trung học phổ thông Dân lập Châu Phong đã phát huy vai trò là cơ sở thực hành, thực tập sư phạm hiệu quả cho giảng viên và sinh viên. Bên cạnh đó còn có sự đóng góp tích cực của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông, trường mầm non ở các địa phương. Nhà trường đã liên kết với hơn 60 trường phổ thông và mầm non trong cả nước, là cơ sở thực hành cho sinh viên.

    Để phối hợp chặt chẽ với các Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường phổ thông, trường mầm non, hàng năm Nhà trường đều tổ chức Hội nghị Triển khai công tác thực tập sư phạm ở các địa phương. Qua các hội nghị này, Nhà trường đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ sở thực tập sư phạm, từ đó giúp cho việc điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo và công tác thực tập sư phạm. Nhà trường còn tổ chức: Hội nghị Tổng kết 10 năm đào tạo Cử nhân khoa học hệ không chính quy, Tổng kết 10 năm đào tạo Cử nhân khoa học hệ cử tuyển đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và mối liên kết với các địa phương.

    Hàng năm, công tác thực tập sư phạm được chuẩn bị kỹ trước khi đưa sinh viên về các trường phổ thông; thống nhất với các trường phổ thông về cơ chế quản lý, đánh giá sinh viên trong quá trình thực tập. Mặt khác, Nhà trường cũng không ngừng đổi mới nội dung, rà soát điều chỉnh khung thời gian thực tập sư phạm, mở rộng địa bàn thực tập, tạo cơ chế mở cho thực tập chuyên ngành. Sau mỗi đợt thực tập sư phạm, Nhà trường tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thực tập sư phạm và thực tập chuyên ngành.

    Ngoài hoạt động đào tạo chính khóa, Nhà trường còn chú trọng tổ chức giảng dạy và rèn luyện kĩ năng mềm cho sinh viên. Nhiều câu lạc bộ sinh viên cấp trường được thành lập như: Câu lạc bộ Kỹ năng mềm, Câu lạc bộ Phim, Câu lạc bộ Trái tim Đỏ, Câu lạc bộ Nghiệp vụ Sư phạm. Các khoa đào tạo cũng thành lập câu lạc bộ Nghiệp vụ Sư phạm và câu lạc bộ chuyên ngành. Các hoạt động này giúp sinh viên nâng cao kiến thức và rèn luyện kĩ năng sư phạm.

    Đào tạo hệ Cử tuyển, Chuyên tu, Vừa làm Vừa học

    Trong giai đoạn này, Nhà trường tiếp tục đảm nhiệm vai trò đào tạo đại học hệ cử tuyển cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và nguồn nhân lực cho vùng sâu, vùng xa với quy mô ngày càng tăng. Đào tạo hệ cử tuyển các ngành Toán - Lí, Sinh - Hóa, quy mô 50 sinh viên một năm, sau đó đào tạo Cử nhân khoa học đơn ngành cho hệ này. Từ năm 2002, Trường đã đào tạo theo địa chỉ cho các tỉnh miền núi phía Bắc như: Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Quảng Ninh,…Đối với hệ chuyên tu thì có hệ chuyên tu tập trung tại trường để đảm bảo chất lượng và hệ Vừa làm, Vừa học tại các địa phương.

    Trong giai đoạn này, Trường tiếp tục đào tạo giáo viên cốt cán Trung học Cơ sở trình độ Cử nhân tại các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Sau đó mở rộng địa bàn đào tạo ra các tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Thái Bình, Thanh Hóa, Lào Cai và Hà Nội.

    Năm học 1998 - 1999, hệ chuyên tu cốt cán là 941 sinh viên, hệ cử tuyển là 486 sinh viên[32]. Trong 7 năm từ 1996 - 2002, Trường đã đào tạo  400 sinh viên hệ cử tuyển, 4.000 sinh viên hệ chuyên tu[33]. Từ năm 2007 - 2008, sinh viên hệ không chính quy tăng lên khá cao, lên tới 11.779. Năm học 2015 - 1016, quy mô đào tạo sinh viên hệ Vừa làm vừa học của Trường là 7.650[34].

    Đào tạo hệ cao đẳng

    Ngoài việc đào tạo hệ đại học chính quy, Nhà trường còn đào tạo hệ cao đẳng sư phạm các ngành: Toán - Tin, Toán - Lí, Văn - Sử, Sinh - Hóa, Sinh - Kĩ thuật Nông nghiệp.  Trong bảy năm từ 1996 - 2002, Trường đã đào tạo tổng cộng 500 sinh viên hệ cao đẳng[35]. Đặc biệt, từ năm …. Trường đã giúp Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Bình xây dựng chương trình và đào tạo hệ cao đẳng sư phạm. 

    Đào tạo, bồi dưỡng giáo dục quốc phòng – an ninh

    Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Nhà trường giao cho Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Hà Nội 2 tổ chức: giáo dục quốc phòng - an ninh cho sinh viên các trường đại học khu vực Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ; giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh Trung học Phổ thông, Trung cấp Chuyên nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh. Nhà trường đã đào tạo và cấp chứng chỉ Giáo dục Quốc phòng – An ninh cho 233.168 sinh viên của 23 trường đại học, cao đẳng; giáo dục quốc phòng – an ninh cho 6 trường Trung học Phổ thông, Trung học Chuyên nghiệp với hơn 40.000 học sinh.

    Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh Hà Nội 2  tổ chức đào tạo các loại hình: giáo viên Giáo dục Quốc phòng tập trung 6 tháng; Cử nhân Giáo dục Thể chất - Giáo dục Quốc phòng; Cử nhân Giáo dục Công dân - Giáo dục Quốc phòng; Cử nhân Giáo dục Quốc phòng - An ninh; văn bằng 2 Cử nhân Giáo dục Quốc phòng - An ninh. Tính đến nay, Nhà trường đã đào tạo được 2.200 học viên, sinh viên tốt nghiệp.

    Đào tạo Sau đại học

    Cùng với việc mở rộng quy mô đào tạo các hệ đại học, Nhà trường còn chú trọng đào tạo sau đại học.

    Từ năm 1996 đến 2006, Trường đã đào tạo cao học các chuyên ngành: Tâm lý học Sư phạm và lứa tuổi (nay là Giáo dục học bậc Tiểu học); Quản lý và Tổ chức công tác văn hóa, giáo dục; Tổ chức và Quản lý công tác văn hóa, giáo dục có lồng ghép giới; Toán giải tích; Vật lí chất rắn; Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Vật lí. Năm học 2006 – 2007, Trường đã mở thêm mã ngành  Sinh học Thực nghiệm. Năm 2008  - 2009, tiếp tục mở thêm các mã ngành đào tạo Thạc sĩ: Lý luận văn học, Vật lí lý thuyết và Vật lí Toán.

     Năm học 2011 - 2012, đánh dấu bước phát triển mới trong đào tạo Sau Đại học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Đó là lần đầu tiên Nhà trường đã tuyển sinh đào tạo trình độ Tiến sĩ với 2 chuyên ngành là Toán Giải tích và Giáo dục Tiểu học. Ngoài ra, trong năm học này còn có thêm 2 ngành đào tạo Thạc sĩ mới đó là Sinh thái học và Khoa học máy tính[36].

    Tính đến tháng 7-2017, Trường có tổng số 17 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ, 5 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ[37]. Đây là một bước tiến đáng kể của Nhà trường trong công tác đào tạo Sau đại học.

    Để có thể tăng về quy mô và chất lượng đào tạo Sau đại học, Nhà trường rất chú trọng đến việc hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở đào tạo. Nhiều trường đại học, Viện nghiên cứu trong khu vực Hà Nội là đối tác chiến lược của Nhà trường. Hàng năm có hàng trăm giảng viên, cán bộ khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn và chấm luận văn cho học viên cao học và nhiều nhà khoa học hàng đầu trong nước tham gia đồng hướng dẫn hoặc tham gia đánh giá các cấp, phản biện độc lập cho các Nghiên cứu sinh. Các học viên, Nghiên cứu sinh của Nhà trường còn tham gia các nhóm nghiên cứu và sử dụng các phòng thí nghiệm của nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học như: Viện Công nghệ sinh học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội

    Nhà trường còn thường xuyên cập nhật, phát triển chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, khoa học và liên thông giữa các bậc đào tạo và liên thông với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Năm 2015, Nhà trường đã rà soát, bổ sung và chỉnh sửa chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ theo Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 4 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    4.2. Bồi dưỡng giáo viên cho các trường phổ thông

    Ngoài nhiệm vụ đào tạo sinh viên hệ đại học chính quy, sau đại học, vừa làm vừa học, Nhà trường còn thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo các chương trình bồi dưỡng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên phổ thông, mầm non nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục và nhu cầu của xã hội.

    Các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm mà trường đã và đang tiến hành là: Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bậc I, bậc II[38] dành cho giáo viên các trường trung cấp và dạy nghề. Từ năm 2006 đến 2009, số lượng giáo viên trung cấp và dạy nghề được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc I và II khoảng 900 người mỗi năm.

    Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên đã tốt nghiệp Cử nhân khoa học các ngành ngoài sư phạm[39] mỗi năm khoảng 200 sinh viên. Từ 3-2014, thực hiện quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường dừng bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho nhứng đối tượng này. Nhà trường đã thực hiện bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên[40] của nhiều trường đại học ngoài sư phạm như: Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn hiến Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Biên Phòng, Học viện An Ninh, Cục Nhà trường - Bộ Quốc Phòng,...

    Năm 2016, Nhà trường ký hợp đồng bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trung học cơ sở, giáo viên tiểu học và giáo viên mầm non theo đặt hàng của tỉnh Hưng Yên. Những chuyên đề bồi dưỡng giáo viên đã bám sát yêu cầu đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác bồi dưỡng giáo viên ở tỉnh Hưng Yên đã nhận được sự phản hồi tích cực từ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của địa phương. Năm 2017, Trường đã ký hợp đồng và tiến hành giảng dạy cấp chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn theo chức danh nghề nghiệp cho các đối tượng là giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông của các tỉnh: Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Giang; bồi dưỡng cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng II cho Trường Đại học Y Dược Hải Phòng và Trường Đại học Hải Phòng.

    5. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

    5.1. Nghiên cứu khoa học

    Từ khi thành lập đến nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 luôn xác định nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Đây là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm (cùng với nhiệm vụ đào tạo) để xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học có chất lượng cao.

    Trong Quy hoạch phát triển tổng thể đến năm 2020, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được xác định  “là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ cho phát triển giáo dục, kinh tế, văn hóa của đất nước và hội nhập quốc tế”[41].

    Trong giai đoạn 2010 - 2015 và những năm tiếp theo, Trường tập trung ưu tiên hướng nghiên cứu phục vụ sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ưu tiên đề tài các cấp về đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học, quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, duy trì phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào thực tiễn sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

    Xây dựng mục tiêu, giải pháp trung hạn đến năm 2020 và mục tiêu, giải pháp dài hạn đến năm 2030 về khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Mục tiêu về hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường như sau:

    Một là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phấn đấu đến năm 2020 thực hiện từ 150 đến 200 đề tài khoa học các cấp, hơn 800 bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí khoa học, các giảng viên đều hoàn thành định mức giờ nghiên cứu khoa học theo quy định.

    Hai là, mỗi năm tổ chức ít nhất một hội nghị khoa học từ cấp trường trở lên.

    Ba là, Tạp chí Khoa học của Trường đạt ngưỡng 0,5 điểm trong danh mục tạp chí của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.

    Đảng ủy và Ban Giám hiệu tăng cường chỉ đạo công tác quản lý hoạt động khoa học công nghệ, chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khoa học công nghệ hằng năm. Quy định, quy trình quản lý xuất bản tạp chí, giáo trình, tài liệu tham khảo và quản lý khoa học công nghệ đã được đổi mới theo hướng tăng cường tự chủ cho các đơn vị và cá nhân trong trường. Bên cạnh đó, Trường có quy định về tính giờ nghiên cứu khoa học, góp phần tích thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ của các cán bộ, giảng viên.

    Đến hết năm học 2015 - 2016, Trường có trên 50% số giảng viên, cán bộ khoa học tham gia hoạt động khoa học và công nghệ. Các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Trường được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch.

    Từ năm 2011 đến năm 2017, nhiều dự án, đề tài khoa học công nghệ các cấp được nghiệm thu như: dự án tăng cường năng lực nghiên cứu phòng thí nghiệm Sinh học phân tử, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu cho phòng thí nghiệm Vật lí chất rắn; 01 đề tài khoa học công nghệ hợp tác song phương với Trường Đại học Đài Trung, Đài Loan; 20 đề tài cấp Bộ; 2 đề tài NAFOSTED và 221 đề tài cấp Cơ sở. 100% các đề tài, dự án của Nhà trường được đảm bảo đủ nguồn lực và tổ chức thực hiện[42].

    Nhiều đề tài, đề án, dự án gắn kết giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đã được nghiệm thu, được đánh giá cao, đã thực hiện chuyển giao công nghệ đưa vào ứng dụng trong thực tế như: giống lúa nếp PD2 của TS Đào Xuân Tân được công nhận là giống lúa quốc gia năm 2011 và triển khai trồng cấy tại nhiều tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ; đề tài về chế tạo vật liệu dẫn ion trong các pin ion liti của PGS.TS Lê Đình Trọng trong lĩnh vực kĩ thuật công nghệ, đề tài của PGS.TS Đinh Thị Kim Nhung do Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang đặt hàng về màng sinh học Bacterial (BC) từ vi khuẩn Acetobacter, ứng dụng trị bỏng; đề tài tuyển chọn một số giống ngô nếp lai và ngô đường lai năng suất của TS. Dương Tiến Viện; đề tài của TS. La Việt Hồng về quy trình sản xuất một số giống hoa cúc và cẩm chướng chất lượng cao bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật do Công ty TNHH Vật tư và giống hoa Xuân Trường đặt hàng, đề tài về nhân giống hoa cẩm chướng tại Bắc Hà - Lào Cai do Công ty Anh Nguyên đặt hàng[43],... Không chỉ giới hạn trong phạm vi địa phương và cả nước, Nhà trường còn có những đề tài có tính ứng dụng cao trong thực tế trên phạm vi quốc tế.

    Hiện nay, Nhà trường đã và đang tìm kiếm các dự án, nguồn kinh phí từ Quỹ Phát triển Công nghệ Quốc gia (Quỹ NAFOSTED), các chương trình hợp tác quốc tế với nhiều cơ sở giáo dục và tổ chức quốc tế nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cấp cơ sở vật chất Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế. Nhà trường cũng đã xúc tiến việc liên kết với Sở Khoa học và Công nghệ các Tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc để thực hiện một số đề tài nằm trong chương trình nghiên cứu, phát triển hoạt động khoa học công nghệ của địa phương. Trong 5 năm (2008 - 2012), Trường đã triển khai 17 đề tài khoa học trong liên kết hoạt động khoa học công nghệ với các tỉnh, trong đó có 7 đề tài thực hiện từ năm 2013 với tỉnh Vĩnh Phúc và 10 đề tài thực hiện từ năm 2013 với tỉnh Tuyên Quang. Đáng lưu ý, Trường tham gia và thực hiện 5 nhánh đề tài khoa học trong “Dự án phát triển giáo viên trung học phổ thông và giáo viên trung cấp chuyên nghiệp”.

    Ban Giám hiệu cũng đã tích cực chỉ đạo xin cấp phép và xuất bản Tạp chí Khoa học để tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên và người học công bố những kết quả nghiên cứu mới, đồng thời tạo uy tín về hoạt động khoa học công nghệ nói chung của Trường. Tạp chí Khoa học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được Cục xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động số 66/GP-BVHTT ngày 10-7-2007 và cấp lại lần 2 với Giấy phép hoạt động Báo chí số 1935/GP-BTTTT ngày 22 tháng 10 năm 2012 cho phép xuất bản 2 tháng/1 kỳ, 1 năm 06 số. Tính đến hết năm học 2015 - 2016, Tạp chí Khoa học của Trường đã phát hành được 42 số. Tạp chí Khoa học của Trường (có chứng nhận ISSN) hoạt động hiệu quả, ngày càng phát triển, đảm bảo chất lượng và hình thức, thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài trường. Năm 2014, Nhà trường đã ban hành Quy định về hoạt động của Tạp chí Khoa học và Quy định về việc đăng ký, biên soạn, thẩm định và phát hành giáo trình, tập bài giảng, tài liệu tham khảo nhằm chuẩn hóa quy trình của các hoạt động này.

    Các bài báo khoa học công bố trên các tạp chí, trong các hội thảo trong và ngoài nước ngày tăng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2016, cán bộ viên chức đã công bố được 1.118 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Trong đó, số bài báo trong nước là 1.020 bài và quốc tế là 98 bài[44].

    Ngoài số lượng và chất lượng, nội dung các bài báo khoa học của cán bộ, giảng viên thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Khoa học giáo dục cũng phù hợp với định hướng nghiên cứu và phát triển của Trường. Các bài báo có nội dung giải quyết các vấn đề thực tiễn của kinh tế và xã hội, đặc biệt là các vấn đề thực tiễn của giáo dục đào tạo.

    Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo khoa học như: Hội thảo Quốc tế “Giáo dục đại học - Hiện tại và tương lai” năm 2011; Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học các trường Đại học Sư phạm toàn quốc lần thứ VI năm 2012; Hội thảo Quốc tế: “Dạy tiếng Anh cho học sinh Tiểu học: Thực trạng và giải pháp” năm 2013; Hội giao lưu Hán ngữ các trường sư phạm phía Bắc năm 2013; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo: “Tiêu chí đánh giá và quy trình biên soạn Sách giáo khoa” năm 2014; Hội thảo “Cán bộ trẻ nghiên cứu khoa học các trường Đại học Sư phạm toàn quốc lần thứ VI-2015”, Hội thảo Quốc tế Toán học tại trường có sự tham gia của Trường ĐH Tôn Trung Sơn, Đài Loan,... Các hội nghị khoa học đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên.

    Năm học 2015 - 2016, Nhà trường đã đăng ký với Bộ Khoa học Công nghệ xin cấp giấy phép hoạt động khoa học và công nghệ. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong Trường chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

    Song song với hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, chuyên viên, nghiên cứu viên, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, học viên sau đại học cũng được Đảng ủy, Ban Giám hiệu quan tâm chỉ đạo và triển khai hàng năm. Phương châm là khuyến khích cán bộ, giảng viên hướng dẫn sinh viên, học viên nghiên cứu khoa học. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên được thực hiện từ cấp khoa đến cấp trường. Những công trình khoa có chất lượng được gửi đi xét giải thưởng: “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”, “Sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC” và các hội thi sáng tạo khoa học khác. Trong những năm 2010 - 2015, có 25 sinh viên đạt giải Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ, giải thưởng VIFOTEC, nhiều sinh viên đạt giải cao trong Hội giao lưu các trường Đại học, Cao đẳng cụm Trung bắc lần thứ X.

    Với những thành tựu đạt được, có thể khẳng định, các hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường đã góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học,  từ năm 2012 đến năm 2016, Trường đã có 08 giảng viên được Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công nhận chức danh PGS; 01 giảng viên được tham gia Ban biên tập tạp chí khoa học Quốc tế[45].

    Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, trình độ chuyên môn của viên chức Nhà trường được nâng cao; kết quả nghiên cứu khoa học được đưa vào giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng đã góp phần tăng nguồn thu của trường. Chỉ tính riêng giai đoạn 2012 - 2017, Nhà trường đã có 06 hợp đồng nghiên cứu khoa học với tổng kinh phí trên 11 tỉ đồng. Với những thành tựu đạt được, vị thế của Trường ngày càng được nâng cao trong hệ thống các trường đại học sư phạm.

    5.2. Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế

    Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta luôn nhấn mạnh phải kết hợp nguồn lực trong nước với khai thác nguồn lực bên ngoài. Chủ trương của Đảng đã được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển của ngành Giáo dục. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng đã nhận thức và quán triệt quan điểm đó trong suốt quá trình phát triển, do đó luôn nhấn mạnh đến việc tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

    Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của hoạt động hợp tác quốc tế đối với sự phát triển của Nhà trường, ngày 02-5-2009, Hiệu trưởng Nhà trường đã ra quyết định thành lập Phòng Hợp tác Quốc tế. Do những điều kiện khác nhau, đến ngày 14-8-2015, Phòng Khoa học Công nghệ và Phòng Hợp tác Quốc tế đã được sáp nhập thành Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế.

    Quan hệ hợp tác quốc tế của Nhà trường tập trung vào mục tiêu nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu thông qua các hoạt động trao đổi cán bộ, sinh viên, trao đổi thông tin khoa học, hợp tác nghiên cứu khoa học và nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu.

    Trong quá trình phát triển của Nhà trường, cùng với sự đa dạng hóa chương trình đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học, số lượng các đối tác và các dự án quốc tế của Nhà trường không ngừng được mở rộng. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tiến hành hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các quốc gia có nền giáo dục và khoa học công nghệ tiên tiến như: Đức, Mĩ, Nhật Bản, Nga...[46].

    Nhà trường đã cập nhật và chuẩn hóa chương trình đào tạo phù hợp với khu vực và thế giới. Từ đó, từng bước nâng cao giá trị của văn bằng theo chuẩn quốc tế.

    Bên cạnh việc đổi mới các chương trình đào tạo, Nhà trường liên kết với các đại học đối tác nước ngoài để xây dựng các chương trình đào tạo mới như hợp tác với Đại học Vân Nam (Trung Quốc) đào tạo ngành Cử nhân khoa học tiếng Trung; với Mĩ (Qua chương trình Fullbright in Vietnam) đào tạo ngành Cử nhân khoa học tiếng Anh; với Đại học Vân Nam (Trung Quốc) và Đại học Sư phạm Matxcova (Liên bang Nga) trong đào tạo ngành Cử nhân Việt Nam học[47]. Bên cạnh đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 còn có quan hệ hợp tác với các trường đại học nước ngoài khác như: Trường Hoa Văn Côn Minh (Trung Quốc), Trường Nam Luzon (Philippines), Trường Đại học Tổng hợp Davis, Trường Đại học Nam California (Mĩ), Trường Đại học Tổng hợp Bayreuth (Cộng hòa Liên bang Đức), Trường Đại học Quốc gia Sư phạm Đài Trung (Đài Loan),...

    Việc bồi dưỡng, trao đổi sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý với các đối tác nước ngoài tạo cơ hội cho cán bộ và người học nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực hội nhập quốc tế. Hằng năm, những chương trình trao đổi sinh viên song phương đã góp phần quốc tế hóa sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Cụ thể, xây dựng chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Canterbury Church (Anh quốc); chương trình thực tập cho sinh viên với Đại học Quảng Tây, Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Trung[48]; đưa sinh viên học năm thứ hai ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sang học một kỳ tại Trường Hoa Văn Côn Minh, Trung Quốc; cử sinh viên tham gia thực tập chuyên ngành tại Côn Minh, Trung Quốc.

    Nhà trường đã tiếp nhận sinh viên Lào sang học tập tiếng Việt và học các chuyên ngành sư phạm tại trường từ năm học 2017-2018; lập hồ sơ tiếp nhận các chương trình của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam... Cũng trong năm học 2016 - 2017, Nhà trường phối hợp với Khoa Giáo dục hòa nhập của Trường Đại học Texas (Hoa Kỳ) đưa chuyên gia sang bồi dưỡng chương trình giáo dục hòa nhập cho viên chức, sinh viên[49].

    Ngoài ra, Nhà trường còn củng cố và phát triển các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế như: Hội đồng Anh, Fulbright, IIE...

    Nhờ mở rộng hợp tác và khai thác tốt các chương trình học bổng, sinh viên, giảng viên của Trường đã được học tập, giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học có uy tín của các nước như: Mĩ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Australia, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Nga,...

    Để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lí, các viên chức quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên của Nhà trường thường xuyên được đi trao đổi học tập, nghiên cứu và thực tập tại các trường, viện trên thế giới thông qua các chương trình liên kết đào tạo, các dự án hợp tác, các thoả thuận hợp tác song phương và đa phương. Thông qua các chương trình hợp tác, giảng viên của Nhà trường có điều kiện tiếp cận và giành được nhiều suất học bổng đào tạo Sau Đại học. Những chuyến khảo sát, nghiên cứu của cán bộ quản lý của Nhà trường tại các nước Châu Âu, Trung Quốc[50],... đã cung cấp những kinh nghiệm hữu ích để xây dựng lộ trình chuyển đổi phương thức đào tạo theo tín chỉ với những kế hoạch, giải pháp cụ thể ở tất cả các lĩnh vực liên quan đến đào tạo và phục vụ đào tạo như chuyển đổi chương trình, biên soạn đề cương môn học, tăng cường điều kiện vật chất (giảng đường, nguồn học liệu), kỹ thuật (phần mềm quản lý) và tài chính, xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, quy định,...

    Song song với việc cử viên chức đi học tập, tham quan khảo sát và nghiên cứu ở nước ngoài, Nhà trường cũng gửi các sinh viên của trường đi học tập, bồi dưỡng các khóa ngắn hạn, trại hè, giao lưu tại Trung Quốc,...

    Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm Nhà trường tiếp nhận từ 2 - 3 tình nguyện viên đến từ Anh quốc, Mĩ sang công tác tại Trường từ 1 - 3 năm để giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành tiếng Anh, có từ 2 - 3 giáo viên người Trung Quốc theo diện Ghi nhớ hợp tác giữa hai trường. Có giáo viên đến thực hiện chương trình tập huấn chuyên ngành ngắn hạn như hát nhạc, kinh tế, nghiệp vụ sư phạm,... tại Trường. Các giáo viên nước ngoài không những tham gia giảng dạy sinh viên, học viên cao học mà còn hỗ trợ giáo viên trong Trường và sinh viên tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Trong khoảng thời gian từ  2008 đến nay, có hơn 20 người nước ngoài đến trường làm trợ giảng, giảng viên, tình nguyện viên, chuyên gia tham gia giảng dạy tại trường từ 3 tháng đến 7 năm[51].

    Các dự án hợp tác quốc tế cũng góp phần nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Trong 5 năm qua, Nhà trường nhận được sự hỗ trợ từ các dự án hợp tác cho việc nâng cấp cơ sở vật chất. Năm 2014, Nhà trường nhận được sự đầu tư từ Văn phòng Kiều vụ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc để xây dựng Thư viện Hán ngữ, cùng hơn 500 đầu sách, băng đĩa, thiết bị nghe nhìn, máy vi tính,… Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng tài trợ sách báo hàng năm tạo điều kiện thuận lợi cho viên chức, sinh viên tìm hiểu, học tập, nghiên cứu.

    Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ của Nhà trường đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Trong 5 năm trở lại đây, Nhà trường đã triển khai được 01 đề tài hợp tác quốc tế song phương, tổ chức được 02 hội nghị, hội thảo quốc tế[52], góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực tổ chức hội nghị, hội thảo, thúc đẩy hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, nâng cao uy tín và vị thế của Nhà trường. Điều này được thể hiện rất rõ qua số lượng công trình khoa học chung giữa giảng viên nhà trường với các nhà khoa học ngoài nước từ năm 2012 đến năm 2016 có tổng số 88 công trình.

    Tóm lại, sự phát triển về quy mô và chất lượng hợp tác quốc tế đã giúp Nhà trường tăng cường thêm các nguồn lực, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc đa dạng hóa và hiện đại hóa chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý.

    6. Văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao và công tác xã hội

    Trong giai đoạn 1996 - 2017, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của Trường ngày càng phát triển. Hàng năm, Trường đều tổ chức thành công Hội diễn văn nghệ “Đài sen dâng Bác”, Hội thi sáng tác “Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thân yêu”, Hội thi “Giọng hát hay, vũ điệu đẹp”,...

    Nhà trường rất chú trọng công tác cổ động, tuyên truyền trong viên chức và sinh viên. Các chương trình truyền thanh được phát thường xuyên. Nhiều bài viết của cán bộ, sinh viên nó nội dung tốt, phản ánh sinh động các hoạt động của Nhà trường. Các đợt sinh hoạt chính trị giáo dục công dân học sinh - sinh viên, các hội khỏe cấp khoa, cấp trường được tổ chức định kỳ, thu hút được đông đảo sinh viên tham gia.

    Trong các Hội giao lưu các trường đại học, cao đẳng sư phạm cụm Trung Bắc, nội dung thi văn nghệ, thể dục thể thao luôn xếp ở thứ hạng cao. Qua đó, góp phần khẳng định vị thế hàng đầu trong số các trường sư phạm của cụm Trung Bắc. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của trường đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia, bồi dưỡng được nhiều hạt nhân, đồng thời tăng cường rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.

    Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, phòng tập để sinh viên rèn luyện sức khoẻ; phòng tập luyện thể dục thể thao có đầy đủ các trang thiết bị.

    Đoàn trường đã thành lập các Câu lạc bộ: Thể dục nhịp điệu, Bóng chuyền, Bóng đá, Cầu lông,... Thông qua hoạt động này, hướng sinh viên vào các hoạt động lành mạnh, mang ý nghĩa giáo dục.

    Nhà trường tổ chức cho sinh viên luyện tập thể thao ngoại khóa thường xuyên, có sự hướng dẫn của giáo viên; triển khai thực hiện tốt các tiêu chuẩn rèn luyện thể lực sinh viên. Trong năm học có tổ chức hội thi thể thao cấp trường và tham gia giải thể thao cấp khu vực, toàn quốc.

    Năm 2015, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đạt Giải Nhất khối không chuyên Đại hội Thể dục Thể thao sinh viên toàn quốc tổ chức tại Đại học Thể thao Bắc Ninh; đạt Giải Nhất Bóng đá nữ các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội tổ chức tại Đại học Lâm nghiệp; đạt 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Đồng tại hội thi Bóng bàn các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội. Năm 2016, đội tuyển bóng chuyền nữ đạt Giải Nhất giải Bóng chuyền truyền thống cúp Tây Thiên lần thứ III. Đó là những thành tích đáng tự hào mà các thế hệ sinh viên đã lập nên, góp phần làm giàu thêm bảng thành tích của Trường qua các hoạt động giao lưu.

    Trường chú trọng công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp. Ban Giám hiệu đã chỉ đạo thành lập Đội Xung kích tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội. Đoàn trường chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc quán triệt tinh thần và triển khai các hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường. Nhà trường duy trì phong trào tổng vệ sinh môi trường theo chủ đề “Sạch nhà - Sạch khu dân cư - Đẹp phố Xuân Hoà”.  Phòng Quản trị Đời sống phối hợp với Trạm Y tế, các khoa tổ chức cho sinh viên thu dọn rác thải trong khuôn viên trường như: ký túc xá, Vườn cây tiến sĩ và khu tập thể giáo viên, khu vực giảng đường,…

    Công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội đạt được nhiều thành tích. Trường được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm tặng cờ “Đơn vị có nhiều thành tích trong đợt thi tìm hiểu Luật phòng chống ma túy năm 2001”; được Bộ Công an tặng Bằng khen “Đã có nhiều thành tích trong thực hiện Kế hoạch 1413/LN; Kế hoạch 02/LN về phối hợp phòng, chống nghiện ma túy trong các trường học”. Vì vậy, mặc dù nằm trên địa bàn tương đối phức tạp, số lượng sinh viên đông, trường đào tạo đa ngành, đa bậc đào tạo nhưng trong suốt 5 năm học gần đây, không có sinh viên nào tham gia vào các hoạt động gây rối, chống phá, vi phạm trật tự an ninh chính trị; không có sinh viên nghiện hút.

    Trường đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện và nhân đạo. Công đoàn Trường thực hiện cuộc vận động “Quyên góp ủng hộ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa”, “Mái ấm Công đoàn”; ủng hộ biển đảo Tổ quốc; chia sẻ với các viên chức mắc bệnh hiểm nghèo; vận động hỗ trợ đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai; các đợt vận động quyên góp khác do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động được công đoàn viên hưởng ứng và tham gia tích cực.

    Phong trào đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng. Nhân kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7), Đoàn trường đã chỉ đạo các Đội tình nguyện thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình chính sách tại địa bàn hoạt động. Công đoàn đã vận động công đoàn viên và sinh viên quyên góp, ủng hộ một số lượng lớn quần áo, sách vở, đồ dùng sinh hoạt tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc.

    Trong nhiều năm qua, Đội vận động tuyên truyền hiến máu nhân đạo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 luôn được coi là một trong những đơn vị hoạt động tích cực và có hiệu quả, mỗi năm đội đã vận động và thu được hơn 800 đơn vị máu góp phần cứu sống rất nhiều bệnh nhân. Riêng năm học 2014-2015 đã tổ chức hiến máu tình nguyện được 1.514 đơn vị máu.

    Hàng năm, Đoàn trường tuyển 100 tình nguyện viên trong số hàng ngàn đơn đăng ký tham gia hoạt động tình nguyện. Năm 2016, Đoàn trường đã kêu gọi ủng hộ được 1200 suất cơm, 1500 hộp sữa và 1000 chai nước lọc tặng thí sinh trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia. 100% thí sinh gia đình chính sách và người nhà có nhu cầu được ở ký túc xá miễn phí, công tác hỗ trợ hướng dẫn được Đoàn trường xây dựng chi tiết và tập huấn cho các tình nguyện viên. Đoàn viên trong Trường đã ủng hộ 58.480.000 đ cho sinh viên Khoa Vật lí, Khoa Ngoại ngữ, Khoa Giáo dục Tiểu học mắc bệnh hiểm nghèo.

    Tổ chức các hoạt động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” bằng nhiều việc làm thiết thực như vận động đoàn viên, sinh viên viết thư thăm hỏi, nghe nói chuyện thời sự về biển đảo quê hương. Hoạt động tình nguyện chung sức cùng cộng đồng tại các tỉnh là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Nhà trường đối với xã hội... với nhiều hoạt động có ý nghĩa tại các địa phương như: tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi; tổ chức dạy văn hóa cho các em học sinh; tổ chức làm đường giao thông liên thôn, liên xã; nạo vét kênh mương, vệ sinh và quét vôi ve tại các nghĩa trang, tổ chức thắp nến tri ân, tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh liệt sỹ nhân ngày 27-7, mỗi năm tặng 10 suất quà cho 10 gia đình chính sách (500.000đ/suất); tổ chức thăm, tặng quà cho học sinh nghèo trường Mầm non, Tiểu học Tả Phìn (Sa Pa - Lào Cai). Đoàn trường cũng phối hợp với Huyện Đoàn Mê Linh xây dựng 01 sân chơi thiếu nhi trên địa bàn xã Mê Linh - huyện Mê Linh - Hà Nội; phối hợp với Cụm đoàn số 4 xây dựng 01 sân chơi thiếu nhi trên địa bàn xã Phù Lưu Tế - Mĩ Đức - Hà Nội.

    Đoàn trường đã duy trì và tổ chức tốt “Đội thanh niên xung kích”, bao gồm gần 200 sinh viên được chia làm 3 tổ: Tổ tự quản trong ký túc xá, Tổ văn hóa giảng đường, Tổ an ninh mạng và mô hình các câu lạc bộ sinh viên nhằm nắm bắt kịp thời tư tưởng chính trị trong sinh viên, đồng thời xây dựng lối sống văn hóa ở kí túc xá và giảng đường. Ngoài ra mô hình các câu lạc bộ sinh viên cũng phát triển nhằm thu hút và tập hợp sinh viên tham gia vào các hoạt động bổ ích qua đó rèn luyện kỹ năng sư phạm.

    Tóm lại, trong thời kỳ 1996 – 2017, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào như: công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và hoạt động xã hội. Với những thành tích đạt được, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được Nhà nước và ngành Giáo dục tặng nhiều phần thưởng cao quý: “Tập thể lao động xuất sắc" từ năm học 2007 - 2008 đến nay; Chính phủ tặng cờ thi đua năm học 2009 - 2010, năm học 2010 - 2011; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng 2 Bằng khen về công tác đào tạo giáo viên Giáo dục Quốc phòng - An ninh giai đoạn 2004 - 2008; Chính phủ tặng Bằng khen năm học 2007 - 2008. Đặc biệt, với những thành tích mà Nhà trường đạt được, trong năm học 2011 - 2012, Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

    Từ năm 1996 đến năm 2017 là thời kỳ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đổi mới, phát triển và hội nhập đạt được nhiều thành tựu to lớn. Có được những thành tựu này là do sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, viên chức và người học, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường. Thành tựu đó đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Trường trong hệ thống các trường sư phạm và xã hội.

    [1] Nguồn: http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-dang/van-kien-dai-hoi/khoa-viii/doc-292420154134156.html, truy cập: 10h00, ngày 20/7/2017.

    [2] Nguồn: http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-dang/van-kien-dai-hoi/khoa-ix/doc-592420154233656.html, truy cập: 10h00, ngày 20/7/2017.

    [3] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Định hướng chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2020, Hà Nội, 1996, tr.8.

    [4] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Định hướng… , sđd, tr.11-12.

    [5] Nguồn: http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-dang/nghi-quyet-hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/doc-5925201511150046.html, truy cập: 10h00, ngày 20/7/2017.

    [6] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Kỉ niệm 40 năm thành lập và 32 năm đào tạo tại Xuân Hòa, Hà Nội, Kỷ yếu, 2007, tr.106.

    [7] Trường ĐHSP HN2: Báo cáo tổng kết năm học 1998 - 1999, Hà Nội, 1999, tr.10.

    [8] Đảng ủy Trường ĐHSP Hà Nội 2: Sổ ghi nghị quyết họp Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng ủy khóa VIII, Quyển số 8.

    [9] Báo cáo hội nghị viên chức lần thứ 33, năm học 2014 - 2015, tr. 29.

    [10] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Báo cáo tự đánh giá, Hà Nội, 2016, tr.147, HCTH.

    [11] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Báo cáo hội nghị viên chức lần thứ 27, năm học 2008 - 2009, tr.8

    [12] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Tờ trình về việc xin phê duyệt Dự án, Dự toán đầu tư trang thiết bị phục vụ đào tạo năm 2009 của Trường ĐHSPHN2.

    [13] Trường ĐHSP Hà Nội 2, Báo cáo tự đánh giá, Hà Nội, 2017, tr.169.

    [14] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Báo cáo hội nghị viên chức lần thứ 24, năm học 2005 – 2006, 2005, tr.11.

    [15] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Trường ĐHSP Hà nội 2, 45 năm xây dựng và phát triển (1967 – 2012), Kỷ yếu, 2012, tr. 45.

    [16] Đảng ủy Trường ĐHSP Hà Nội 2: Sổ Nghị quyết họp Đảng ủy, từ 12/2003 – 8/2005.

    [17]Trường ĐHSP Hà Nội 2: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, 45 năm xây dựng và phát triển (1967 – 2012), Kỷ yếu, 2012, tr.50, 52, 55.

    [18] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Kỷ yếu kỷ niệm 40 thành lập và 32 năm đào tạo tại Xuân Hòa, Kỷ yếu, 2007, tr. 58.

    [19] Viện NCSP được thành lập theo Quyết định số 1473/QĐ- ĐHSPHN2, ngày 29/11/2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2;

    [20] Viện NCKH&ƯD được thành lập theo Quyết định số 1474/QĐ-ĐHSPHN2, ngày 29/11/2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

    [21] Công văn số 432/ĐHSPHN2-KHCN. V/v báo cáo công tác hợp tác quốc tế và đào tạo bồi dưỡng giảng viên trình độ cao, 20/8/2009.

    [22] Đảng bộ Trường ĐHSP Hà Nội 2: Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 lần thứ XI, Tháng 5 năm 2010, tr.17.

    [23] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2006 - 2011, ngày 25/8/2011, tr. 4

    [24]Đảng bộ thành phố Hà Nội: Dự thảo báo cáo chính trị, Đại hội lần thứ II Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020, 4/2015, tr. 29

    [25] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Báo cáo tự đánh giá, 2017, tlđd, tr.201-202.

    [26] Trường ĐHSPHN2, Báo cáo tự đánh giá, 2017, tr.20.

    [27] Trường ĐHSPHN2, Báo cáo tự đánh giá, 2017, tr.20.

    [28] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Trường ĐHSPHN 2, 35 năm xây dựng và phát triển – 27 năm đào tạo tại Xuân Hòa, Hà Nội, Kỷ yếu, 2002, tr.11.

    [29] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2006 - 2011, 25/8/2011, tr. 3.

    [30] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Báo cáo Hội nghị viên chức lần thứ 35, năm học 2016 - 2017, 10/2016, tr.2.

    [31] Trường ĐHSPHN 2: Báo cáo hội nghị viên chức lần thứ 24, năm học 2005 – 2006, 19/10/2005, tr. 5.

    [32] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Báo cáo tổng kết năm học 1998 – 1999, ĐHSPHN2, 15/10/1999, tr.1, lưu tại Phòng Hành chính Tổng hợp.

    [33] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Trường ĐHSPHà Nội 2, 35 năm xây dựng và phát triển - 27 năm đào tạo tại Xuân Hòa, Hà Nội, Kỷ yếu, 2002, tr.11, lưu tại HCTH.

    [34] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Báo cáo hội nghị viên chức lần thứ 34, 35, sđd.

    [35] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Trường ĐHSPHN2 35 năm xây dựng và phát triển – 27 năm đào tạo tại Xuân Hòa, Hà Nội, Kỷ yếu, 2002, tr.11.

    [36]Trường ĐHSP Hà Nội 2: Báo cáo Hội nghị viên chức lần thứ 30, năm học 2011 – 2012, 15/10/2011, tr.1-2, lưu tại Phòng Hành chính Tổng hợp.

    [37] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Báo cáo tự đánh giá, 2017, sđd, tr.197.

    [38] Ban hành theo Quyết định số 2988/GD-ĐT ngày 28-12-1993 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

    [39] Ban hành theo Quyết định số 171/QĐ-QLKH ngày 10-5-2005 của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

    [40] Theo Quyết định số 2250/QĐ-BGDĐT ngày 26-3-2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    [41] Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2: Báo cáo tự đánh giá, năm 2017, tr.20.

    [42] Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2: Báo cáo tự đánh giá, năm 2017, tr.136-137.

    [43] Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2: Báo cáo tự đánh giá, năm 2017, tr.143.

    [44] Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2: Báo cáo tự đánh giá, năm 2017, tr.140.

    [45] Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2: Báo cáo tự đánh giá, năm 2017, tr.148.

    [46] Công văn số 408/ĐHSPHN2-HCTH, tr.10.

    [47] Công văn số 408/ĐHSPHN2-HCTH, tr.10

    [48] Trường ĐHSP Hà Nội 2: Báo cáo Hội nghị viên chức lần thứ 30, tr.12.

    [49] Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế: Báo cáo tổng kết hoạt động hợp tác quốc tế, tr.3.

    [50] Báo cáo số 408/ĐHSPHN2-HCTH, tr.11

    [51] Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế: Báo cáo tổng kết hoạt động hợp tác quốc tế, tr.3.

    [52] Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2: Báo cáo tự đánh giá, năm 2017, tr.168.