Hội thảo khoa học “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp xanh và thông minh” lần thứ IV

Ngày 22 tháng 5 năm 2025, Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp xanh và thông minh” lần thứ IV. 


Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS La Việt Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng; TS Hoàng Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Báo cáo viên và đông đảo nhà khoa học, chuyên gia và các nhà quản lý đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học và công nghệ trong cả nước.


TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo chia sẻ: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tài nguyên thiên nhiên suy giảm, nhu cầu về an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững đang đặt ra nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp. Để vượt qua những thách thức đó, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, công nghệ sinh học, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nông nghiệp là một xu thế tất yếu.

Nông nghiệp xanh và nông nghiệp thông minh không chỉ là định hướng phát triển mà còn là giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Những mô hình canh tác ứng dụng công nghệ cao đang từng bước khẳng định hiệu quả rõ rệt, góp phần thay đổi tư duy sản xuất truyền thống và mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Hội thảo ngày hôm nay là diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp cùng chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới, những ứng dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời thảo luận các giải pháp thực tiễn nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, thông minh, hiệu quả và bền vững”.


PGS, TS La Việt Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo trình bày báo cáo đề dẫn

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS, TS La Việt Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo cho biết: “Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, hàng loạt tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), cảm biến môi trường, công nghệ sinh học, robot nông nghiệp, dữ liệu lớn (Big Data)… đã và đang được nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng vào các quy trình sản xuất, chế biến, quản lý và tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, nông dân và doanh nghiệp có thể kiểm soát chính xác các yếu tố đầu vào, tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm phát thải, hướng tới nền nông nghiệp xanh - thông minh - bền vững.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh - thông minh vẫn đang gặp phải nhiều thách thức: từ hạ tầng kỹ thuật, vốn đầu tư, trình độ nhân lực, đến cơ chế chính sách hỗ trợ, khả năng liên kết giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và triển khai công nghệ phải đảm bảo tính phù hợp với đặc điểm từng vùng sinh thái, loại cây trồng - vật nuôi, cũng như điều kiện sản xuất cụ thể của nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các nội dung được trình bày trong Hội thảo sẽ tập trung vào một số nhóm chủ đề chính như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và IoT trong nông nghiệp thông minh; Công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi và sản xuất phân bón hữu cơ; Giải pháp tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi tiêu dùng bền vững; Mô hình nhà kính thuỷ canh hiện đại; Tiềm năng cây Wasabi và nhân sâm Việt Nam; ứng dụng đất hiếm trong nông nghiệp xanh; Chuyển đổi số trong quản lý và điều hành sản xuất nông nghiệp”.


TS Nguyễn Thị Hải Ninh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam báo cáo tạo Hội thảo

Tại phiên thứ nhất, dưới sự chủ trì của PGS, TS, NGƯT Nguyễn Văn Đính, các đại biểu được nghe các báo cáo: “Giải pháp tự động hóa ứng dụng PLC trong chăn nuôi công nghệ cao” do báo cáo viên Vũ Minh Thoại - Viện Ứng dụng Công nghệ trình bày; “Nghiên cứu phân lập, tuyển chọn chủng giống Bacillus sp. ứng dụng sản xuất chế phẩm vi sinh - enzyme chịu nhiệt xử lý chất thải chăn nuôi gà thành nguyên liệu an toàn cho sản xuất phân bón hữu cơ theo hướng công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc” do báo cáo viên Nguyễn Thị Kim Liên - Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc trình bày; “Ứng dụng đất hiếm trong nông nghiệp - Một hướng đi mới đầy triển vọng trong nông nghiệp xanh” do báo cáo viên Phạm Quang Minh - Viện Công nghệ Xạ hiếm (ITRRE), Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) trình bày; “Thiết kế và áp dụng mô hình nhà kính thuỷ canh thông minh tích hợp IoT cho sản xuất rau diếp” do báo cáo viên Phạm Khánh Tùng - Khoa Sư phạm kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày.

TS Chu Đức Hà - Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội báo cáo tại Hội thảo

Trong phiên thứ hai, dưới sự chủ trì của PGS, TS La Việt Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng (Trường ĐHSP Hà Nội 2), các đại biểu được nghe các báo cáo: “Thúc đẩy chuyển đổi tiêu dùng năng lượng theo hướng bền vững: Trường hợp nghiên cứu tại các hộ sản xuất nông - lâm nghiệp tỉnh Sơn La” báo cáo viên Nguyễn Thị Hải Ninh; “Nghiên cứu khả năng kháng tế bào ung thư của các chủng xạ khuẩn nội cộng sinh phân lập từ cây Trọng lâu nhiều lá (Paris polyphylla sm. Subsp. Polyphylla) dùng làm thuốc tại vườn quốc gia Xuân Sơn” báo cáo viên Nguyễn Đình Việt; “Tiềm năng phát triển cây Wasabi tại Việt Nam: Từ nghiên cứu đến sản xuất” báo cáo viên Chu Đức Hà; “DNA Barcoding trong định danh loài thuộc chi Panax (Nhân Sâm): Tổng quan chỉ thị phân tử, hiệu quả phân loại và xu hướng nghiên cứu”  báo cáo viên La Việt Hồng.


Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng
, Trường ĐHSP Hà Nội 2 với Công ty TNHH Phát triển Giáo dục Thùy Loan

Đặc biệt, tại Hội thảo, lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng, Trường ĐHSP Hà Nội 2 với Công ty TNHH Phát triển Giáo dục Thùy Loan đã diễn ra, mở ra cơ hội gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo và doanh nghiệp hợp tác cùng phát triển, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS, TS La Việt Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng, Trưởng Ban Tổ chức khẳng định:“Hội thảo khoa học “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp xanh và thông minh lần thứ IV” không chỉ tiếp tục sứ mệnh học thuật mà còn khẳng định vai trò cầu nối của Viện Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng, Trường ĐHSP Hà Nội 2 trong việc liên kết các nhà khoa học, doanh nghiệp và địa phương - cùng hướng tới một nền nông nghiệp xanh, thông minh và bền vững, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Chúng tôi hy vọng, từ hội thảo này, sẽ có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo, mô hình thành công và cơ hội hợp tác được hình thành, góp phần lan tỏa tri thức, kết nối nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất”.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Hội thảo khép lại trong không khí phấn khởi, cởi mở, khẳng định vị thế và uy tín của Trường ĐHSP Hà Nội 2 trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững, đặc biệt tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Trung tâm Truyền thông và SXHL