TS Vũ Tuấn Anh - Trưởng khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Để cùng hiểu thêm về ngành học này và cơ hội việc làm trong tương lai, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Tuấn Anh, Trưởng khoa Giáo dục Thể chất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
Thưa ông, lý do mở ngành Quản lý Thể dục thể thao của Nhà trường là gì?
Thể dục thể thao đang ngày càng trở thành lĩnh vực quan trọng trong đời sống con người và xã hội không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn vươn tầm quốc tế. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển Thể dục thể thao thì việc đào tạo ngành Quản lý Thể dục thể thao có kiến thức, năng lực nghề nghiệp vững vàng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý Thể dục thể thao trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh về lĩnh vực Thể dục thể thao; giảng dạy và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực Thể dục thể thao các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu... đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong của các tỉnh thành trên cả nước là rất cần thiết.
Mở ngành cử nhân Quản lý Thể dục thể thao là thực hiện chủ trương phát triển các chương trình đào tạo ngoài sư phạm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, hướng tới trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội các khu vực phía Bắc và cả nước; là trường đại học có uy tín ở khu vực Đông Nam Á, hướng tới các trường đại học sư phạm hàng đầu châu Á.
Để đủ điều kiện mở ngành và đảm bảo chất lượng đào tạo, nhà Trường đã có lộ trình chuẩn bị kĩ lưỡng, trong đó chú trọng việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Đến thời điểm này, Khoa Giáo dục Thể chất đã có 23 giảng viên, bao gồm 1 Phó Giáo sư - Tiến sĩ, 10 Tiến sĩ và 12 Thạc sĩ, trong đó có 5 giảng viên đang học Nghiên cứu sinh; Các giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có năng lực sư phạm tốt và tâm huyết với nghề, tích cực tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng giáo viên, viết sách giáo khoa, hội đồng thẩm định sách giáo khoa phổ thông...
Cơ hội học tập và việc làm với ngành học này hiện nay ra sao, thưa ông?
Sau gần 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 không ngừng hoàn thiện môi trường học tập năng động, chuyên nghiệp với đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ chuyên môn cao cùng cơ sở vật chất hiện đại, là môi trường lí tưởng để sinh viên theo học; ngoài việc học tập, sinh viên còn được tham gia các tổ chức đoàn hội, các hoạt động của gần 30 Câu lạc bộ và nhiều các hoạt động trải nghiệm và chuyên môn khác, thông qua các hoạt động này là điều kiện để sinh phát triển tài năng, hoàn thiện các kỹ năng cần thiết trong học tập, lao động và cuộc sống; sinh viên được thụ hưởng nhiều chương trình học bổng, khuyến khích học tập và các chế độ chính sách theo quy định.
Chương trình đào tạo ngành Quản lý Thể dục thể thao được thiết kế hiện đại, có tính linh hoạt cao, liên thông với nhiều chương trình đào tạo khác, các học phần cốt lõi nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng của ngành đào tạo, các học phần tự chọn theo hướng chuyên sâu về các lĩnh vực marketing kinh tế thể thao, quản lý thể dục thể thao, truyền thông thể thao, quản trị nhân lực và kỹ năng khởi nghiệp.
Thời lượng chương trình đào tạo được thiết kế rút ngắn thời gian đào tạo lý thuyết, tăng thời gian thực hành, ưu tiên các hoạt động thực tập, trải nghiệm thực tế cho sinh viên tại doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý Thể dục thể thao rất đa dạng, có thể làm ở nhiều vị trí khác nhau như: Quản lý trong các cơ quan nhà nước; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh về lĩnh vực Thể dục thể thao như: Thể thao thành tích cao, Thể dục thể thao quần chúng; công trình và thiết bị thể thao; trung tâm, Câu lạc bộ thể thao; thể thao giải trí; du lịch thể thao; tổ chức sự kiện thể thao; nghiên cứu thị trường, đàm phán tài trợ thể thao; Giảng dạy trong các cơ sở giáo dục và đào tạo sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Sau khi tốt nghiệp, các em có thể tiếp tục học sau đại học các ngành giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, y sinh học và quản lý giáo dục...
Trân trọng cảm ơn ông!