Toàn cảnh Hội nghị
Ngày 16/8/2023, Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (Nghị quyết 29)của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tham dự Hội nghị có PGS, TS Nguyễn Quang Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS, TS Phùng Gia Thế - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Sinh viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng các đơn vị.
PGS, TS Phùng Gia Thế - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS, TS Phùng Gia Thế - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định Nghị quyết 29 được ví như làn gió lành thổi vào nền giáo dục đào tạo đang còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng của xã hội, mở ra một hướng đổi mới toàn diện cho hệ thống giáo dục đào tạo ở Việt Nam. Tại Trường ĐHSP Hà Nội 2, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 với sự quyết tâm cao, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo của Trường đã đạt được những kết quả tích cực.
TS Trịnh Đình Vinh - Phó Hiệu trưởng trình bày Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29
Tại Hội nghị, TS Trịnh Đình Vinh - Phó Hiệu trưởng đã trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Công tác thông tin, tuyên truyền về Nghị quyết 29 đã được thực hiện đầy đủ, đa dạng qua nhiều kênh thông tin, giúp toàn thể viên chức, người học Nhà trường hiểu được những vấn đề của Nghị quyết. Tinh thần của đổi mới giáo dục được lan tỏa trong đội ngũ viên chức, đặc biệt là đội ngũ giảng viên và người học. Quán triệt tinh thần đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ các trường sư phạm.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, kết quả nổi bật nhất mà Trường ĐHSP Hà Nội 2 đạt được là công tác tự chủ học thuật. Chương trình đào tạo của Nhà trường được đánh giá tổng thể và cập nhật, chỉnh sửa theo hướng lấy người học làm trung tâm. Nội dung các hoạt động giáo dục, kiểm tra, đánh giá tập trung vào phát triển năng lực của người học. Trước khi Chương trình GDPT 2018 được ban hành, CTĐT giáo viên của Nhà trường được thiết kế để thực hiện linh hoạt theo từng giai đoạn của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngay sau khi Chương trình GDPT 2018 ban hành, Nhà trường cập nhật CTĐT để người học sau khi tốt nghiệp có thể giảng dạy đáp ứng được theo Chương trình GDPT 2018.
Về các điều kiện bảo đảm tự chủ: Nhà trường đã thành lập Hội đồng trường. Hội đồng trường phát huy tốt vai trò trong quản trị trường đại học. Mối quan hệ của cơ quan quản lý trực tiếp với Nhà trường và giữa Hội đồng trường - Đảng uỷ - Ban Giám hiệu được thiết lập. Đổi mới tự chủ về tổ chức, bộ máy: Nhà trường ban hành Quy định về tuyển dụng viên chức, Đề án Vị trí việc làm. Đổi mới tự chủ về tài chính, tài sản: Hội đồng trường đã xây dựng và ban hành Quy chế Tài chính; Nhà trường xây dựng quy định về quản lý tài sản công. Đổi mới tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn.
Công tác tự chủ mở ngành giúp Nhà trường chủ động mở các ngành đào tạo ngoài sư phạm đáp ứng nhu cầu xã hội.
Công tác tuyển sinh các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ: Nhà trường tổ chức tuyển sinh cơ bản đảm bảo chỉ tiêu đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao về công tác đào tạo giáo viên để đáp ứng một phần nguồn nhân lực cho xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Công tác đảm bảo chất lượng của Nhà trường được đẩy mạnh. Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học chu kỳ 2 và phần lớn các CTĐT giáo viên của Nhà trường đã được kiểm định và đạt chất lượng giáo dục theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của Bộ GD&ĐT ban hành. Đội ngũ giảng viên Nhà trường tích cực tham gia công tác bồi dưỡng giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt là việc giảng dạy các môn học mới, môn học tích hợp.
Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ đã tham mưu, ban hành hệ thống các văn bản, hướng dẫn, thực hiện triển khai các chủ trường, chính sách phát triển hài hoà giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học quản lý. Đặc biệt, nghiên cứu khoa học giáo dục ngày càng được đầu tư, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Hằng năm, có hàng trăm sáng kiến của viên chức quản lý, viên chức và người lao động tham gia đăng kí xét các cấp, trong đó có rất nhiều sáng kiến đạt cấp Bộ và hàng trăm sáng kiến cấp cơ sở đã được công nhận. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn.
Công tác hội nhập quốc tế thực hiện chỉ đạo của ngành, tiếp nối những bước đột phá trong liên kết đào tạo, Trường tiếp tục ký kết với nhiều đối tác nước ngoài nhằm mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên và trao đổi chuyên môn, học thuật cho giảng viên trong nghiên cứu khoa học và đổi mới đào tạo. Từ năm 2013 đến nay, Nhà trường đã có khoảng 20 biên bản ghi nhớ hợp tác được thực hiện, triển khai.
Công tác thanh tra, kiểm tra Nhà trường thực hiện đúng và đủ quy trình xử lý công việc, kiểm đếm các hoạt động theo kế hoạch đã xây dựng; Tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm thường xuyên, định kỳ hằng tháng, hằng năm để đề ra biện pháp hợp lý nâng cao hiệu quả công tác.
Bên cạnh những kết quả đạt được ở các lĩnh vực công tác, báo cáo cũng đã chỉ ra những điểm tồn tại, hạn chế và phân tích sơ bộ những nguyên nhân của các tồn tại hạn chế trên.
PGS, TS Bùi Minh Đức - Trưởng khoa Ngữ văn tham luận tại Hội nghị
PGS, TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo tham luận tại Hội nghị
Sau báo cáo tổng kết, các đại biểu tham dự Hội nghị đã trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 29 thời gian qua, cũng như đề xuất kiến nghị một số vấn đề trong thực hiện Nghị quyết thời gian tới. Trong đó, các đại biểu dành nhiều thời gian quan tâm, thảo luận đến các vấn đề như: Công tác đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công tác nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng nhu cầu đào tạo của Nhà trường; Chính sách thu hút nhân tài, hỗ trợ giảng viên trẻ, ưu đãi đối với nhà giáo có trình độ cao; Công tác chuyển đổi số trong giáo dục đại học, tăng cường nguồn học liệu phục vụ giảng dạy và học tập;…
TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Lịch sử tham luận tại Hội nghị
Kết luận tại Hội nghị, PGS, TS Phùng Gia Thế - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự và nhấn mạnh: Để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ và chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo trong thời gian tới, đề nghị mỗi thành viên trong trường cần thực hiện triệt để các nội dung của Nghị quyết 29 được hiện thực hóa trong các chương trình hành động của Đảng ủy, Kế hoạch hoạt động thường niên của Nhà trường cũng như của mỗi đơn vị. Mỗi thành viên trong Nhà trường phải là một thành tố đảm bảo sự thành công trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Phòng CTCT-HSSV