Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức báo cáo chuyên đề Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015

Thực hiện Nghị quyết 29/NQTW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngày 3 tháng 4 năm 2014, Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức buổi Báo cáo chuyên đề Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015 cho giảng viên và sinh viên K36 trong trường.

Báo cáo viên là PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Trong buổi báo cáo, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã nêu ra năm nội dung cơ bản của việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015:

-Đổi mới cơ cấu, hệ thống trong từng cấp học
-Chương trình phổ thông đổi mới như thế nào?
-Cách thức xây dựng chương trình thay đổi như thế nào?
-Tích hợp và phân hoá trong chương trình phổ thông.
-Đổi mới hệ thống môn học và cấu trúc lại nội dung các môn học.


PGS.TS Đỗ Ngọc Thống trong buổi báo cáo


Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, mục tiêu của chương trình giáo dục mới là giáo dục con người phát triển toàn diện, vừa đáp ứng yêu cầu xã hội vừa phát triển cao nhất tiềm năng của mỗi cá nhân. 

Để thực hiện mục tiêu này, giáo dục sẽ phải đổi mới trên nhiều mặt, cấu trúc hệ thống, nội dung chương trình, phương pháp giáo dục và đào tạo, kiểm tra đánh giá.

Cụ thể, giáo dục phổ thông thời gian tới sẽ được cấu trúc thành hai giai đoạn cơ bản. Từ lớp 1 đến lớp 9 là giai đoạn giáo dục cơ bản bắt buộc sẽ trang bị cho người học kiến thức kỹ năng tối thiểu, nền tảng, cơ bản nhất để học xong có thể đi học tiếp hoặc đi làm. Giai đoạn này không yêu cầu kiến thức cao, sâu nhưng phải toàn diện cơ bản để hình thành nhân cách, phẩm chất và kỹ năng cho học sinh.

Giai đoạn hai từ lớp 10 đến 12 là nâng cao và giáo dục nghề nghiệp, có nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện hơn nhân cách người công dân và quan trọng là phân hóa để phát huy tiềm năng của mỗi người. 

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cũng đưa ra những ý kiến đóng góp hữu ích đối với nhà trường trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đó là phải thay đổi mục tiêu đào tạo, thay đổi chương trình đào tạo và thay đổi phương thức đào tạo.

Phần thảo luận cũng là nội dung được quan tâm. Những câu hỏi khá thú vị về phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đến từ các giảng viên và sinh viên dành cho báo cáo viên đã được giải đáp một cách thoả đáng.

Buổi báo cáo diễn ra khẩn trương, hữu ích và thu hút được sự quan tâm của người tham dự. Chắc chắn rằng dư âm của nó sẽ còn lan toả mãi và trở thành nội lực để Trường ĐHSP Hà Nội 2 thực hiện thành công nhiệm vụ của mình trong công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo.
P.CTCT-HSSV