Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2: 55 năm khát vọng vươn cao

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập, Trường ĐHSPHN2 chia sẻ về chiến lược phát triển, đặc biệt về công tác đào tạo sư phạm trước yêu cầu đổi mới.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được thành lập ngày 14/8/1967 theo Quyết định số 128/CP của Hội đồng Chính phủ. Năm 1975, Trường được chuyển lên Xuân Hòa, Sóc Sơn, Vĩnh Phú (nay là phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, 47 năm đào tạo tại Xuân Hòa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, gặt hái được những thành tựu quan trọng.

Để hiểu rõ hơn về chiến lược phát triển nhà trường nói chung và công tác đào tạo sư phạm nói riêng trước yêu cầu đổi mới, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Gia Thế - Chủ tịch Hội đồng trường và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, một trong những môi trường sư phạm uy tín suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Chặng đường 55 năm hình thành và phát triển

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Gia Thế, nhân dịp tiến tới kỷ niệm 55 ngày thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, ông có thể điểm lại những dấu mốc đáng nhớ trong chặng đường phát triển vừa qua?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Gia Thế: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được thành lập từ năm 1967. Qua 55 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã khẳng định vị thế của một đơn vị đào tạo uy tín, một trong 7 trường sư phạm chủ chốt của cả nước. Tuy nhiên, trong chặng đường 55 năm qua, tập thể cán bộ, viên chức và người học nhà trường phải đối mặt và đã vượt qua không ít những khó khăn, thử thách quyết liệt.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Gia Thế - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ về những dấu mốc đáng nhớ của nhà trường. Ảnh: Thủy Tiên.

Trong giai đoạn 1990-1995, cùng với những khó khăn chung của đất nước do cuộc khủng hoảng của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới, yêu cầu sắp xếp lại hệ thống mạng lưới các trường đại học của cả nước đã đặt ra cho nhà trường một câu hỏi lớn: tồn tại hay không tồn tại, và nếu tồn tại thì có tiếp tục ở Xuân Hòa hay chuyển đi nơi khác. Điều này khiến không ít cán bộ, giảng viên hoang mang, dao động, nhiều người đã chuyển công tác về Hà Nội và về địa phương; cơ sở vật chất không được đầu tư...

Trước khó khăn đó, nhà trường đã quyết tâm trụ vững bằng cách thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, từ việc tranh thủ sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo; mở trường thực hành Dân lập Châu Phong và đặc biệt là mở ngành thạc sĩ đầu tiên của cả nước về Quản lý giáo dục (liên kết với Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục); mở các lớp chuyên tu, tại chức tại các địa phương; tham gia Hội giao lưu chuyên môn, nghiệp vụ cụm Trung Bắc với vai trò là cụm trưởng góp phần mở rộng tầm ảnh hưởng và vị thế của trường trong khu vực Trung Bắc; từng bước nâng cao cơ sở vật chất và cải thiện đời sống của giảng viên.

Giai đoạn 1996-2006, nhà trường tiếp tục khẳng định quyết tâm trụ vững và phát triển tại Xuân Hòa, thể hiện rõ nhất ở việc xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển trường theo các giai đoạn. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và phát triển đội ngũ, nâng cao trình độ cho các giảng viên, cử giảng viên đi học thạc sĩ, nghiên cứu sinh tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo uy tín trong nước và quốc tế.


T
rường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tự hào là một trong những môi trường đào tạo sư phạm uy tín hàng đầu tại Việt Nam. Ảnh: Thủy Tiên.

Đồng thời, trường tập trung nguồn lực để phát triển các khoa đào tạo (Công nghệ thông tin, Giáo dục tiểu học, Giáo dục thể chất…) đáp ứng nhu cầu của đất nước; mở rộng mạng lưới đào tạo lại giáo viên; phát triển đào tạo sau đại học các ngành Toán giải tích, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Vật lý, Vật lý chất rắn, Sinh học thực nghiệm.

Có thể nói, giai đoạn 1995-2006, nhà trường đã vượt qua được khó khăn ban đầu, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển bền vững sau này.

Trong giai đoạn 2007-2016, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX “Phát triển giáo dục - đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người…”, tiếp tục phát huy thành tích và các nguồn lực của giai đoạn trước, tiếp tục tranh thủ hiệu quả sự giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và địa phương, nhà trường tập trung tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường năng lực công nghệ thông tin, thiết bị thí nghiệm, thư viện, trang thiết bị phòng học; số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ được tăng lên nhanh chóng và ngày càng trẻ hóa về độ tuổi, đem lại nhiều cơ hội cho sự phát triển ngành đào tạo.

Nhà trường mở được ngành đào tạo tiến sĩ Giáo dục học tiểu học, Toán giải tích, Vật lý lý thuyết và Vật lý toán, Quản lý giáo dục, Sinh lý học thực vật và nhiều ngành thạc sĩ, quy mô và chất lượng đào tạo được tăng cao.

Cũng trong giai đoạn này, nhà trường là một trường sư phạm đầu tiên đưa giảng viên xuống sinh hoạt chuyên môn tại trường phổ thông; nhà trường thí điểm mở một số ngành đào tạo dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh, sinh viên ngành ngôn ngữ Trung Quốc được đi học tập, thực tập tại Trung Quốc.

Bên cạnh đào tạo chính quy, công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên phổ thông được nhà trường triển khai hiệu quả. Có thể nói, giai đoạn này, nhà trường đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo dựng được hướng phát triển riêng bền vững.


Trường hiện có 43 chương trình đào tạo, trong đó có 21 chương trình đào tạo cử nhân, 17 chương trình đào tạo thạc sĩ, 05 chương trình đào tạo tiến sĩ. Ảnh: Thủy Tiên.

Trường hiện có 43 chương trình đào tạo, trong đó có 21 chương trình đào tạo cử nhân, 17 chương trình đào tạo thạc sĩ, 05 chương trình đào tạo tiến sĩ. Ảnh: Thủy Tiên.Từ năm 2017 đến nay, trường đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ; uy tín, chất lượng ngày càng được nâng cao, tiếp tục khẳng định vị thế chủ chốt trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ khoa học trình độ đại học và sau đại học; chuyển giao tri thức và công nghệ trình độ tiên tiến, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học giáo dục, góp phần quan trọng vào việc thu hẹp khoảng cách về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục khu vực nông thôn và miền núi phía Bắc với khu vực thành thị.

Trường thiết lập được mô hình mạng lưới kết nối giữa trường sư phạm với các trường phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Trường cũng đóng vai trò chủ chốt trong công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Bắc và Tây Nam Bộ.

Những năm qua, dựa vào nội lực và sự thụ hưởng Chương trình nâng cao năng lực các trường sư phạm (ETEP), Dự án “Hỗ trợ xây dựng năng lực” (FCB), các dự án hợp tác song phương, nhà trường tập trung cải thiện cơ sở vật chất, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức, giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới cấp thiết của ngành giáo dục, của xã hội và đất nước.

Phóng viên: Trong xu thế tự chủ đại học, một số cơ sở giáo dục đại học còn gặp phải những khó khăn, thách thức trong triển khai thực tiễn. Thách thức ấy cụ thể đối với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 như thế nào? Nhà trường đã vượt qua ra sao?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Gia Thế: Nhận thức rõ, tự chủ đại học là xu thế tất yếu và điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Tuy nhiên, trên tiến trình tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học nói chung, trong đó có Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng gặp phải những khó khăn, thách thức lớn.

Trước hết, nguồn chi ngân sách còn hạn chế. Nhà trường hiện có ba nguồn tài chính chủ yếu: nguồn do ngân sách nhà nước cấp, nguồn thu học phí và nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Nguồn kinh phí nhà nước cấp thực hiện theo quy định.

Hiện nay, sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí, sinh viên ngoài sư phạm có quy định về mức trần học phí và nếu có tăng học phí thì sẽ rất khó tuyển sinh.


Trong Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2050, nhà trường định hướng phát triển theo hướng đa ngành. Ảnh: Thủy Tiên.

Nhà trường chưa đa dạng được hiệu quả các nguồn thu; các dự án, đặt hàng với địa phương chưa phong phú. Nguồn tài chính hạn chế khiến nhà trường gặp khó khăn trong đầu tư, tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nghiên cứu khoa học, trong chính sách thu hút và hỗ trợ…

Khó khăn thứ hai là hiện nay khung pháp lý về tự chủ đại học chưa đồng bộ. Các điều khoản của Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tự chủ chưa được cụ thể hóa. Việc thực hiện tự chủ cũng còn có những vướng mắc ràng buộc nhất định giữa nhà trường với các địa phương, doanh nghiệp, với cơ quan quản lý nhà nước...

Trong những năm qua, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục khó khăn, thách thức, bước đầu đạt kết quả khả quan.

Trường là một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên sớm thành lập Hội đồng trường và triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản, quy chế nội bộ.

Hiện, trường đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động, Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế tài chính, Quy chế chi tiêu nội bộ, đề án vị trí việc làm, quy định tuyển dụng, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để đầu tư trọng điểm, xây dựng cơ chế giám sát, cơ chế kiểm tra chất lượng giáo dục nội bộ chặt chẽ… tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện cho sự vận hành theo xu hướng tự chủ trong tầm mức năng lực của mình.

Trường thực hiện tốt đoàn kết nội bộ. Hội đồng trường hoạt động hiệu quả, phát huy tốt vai trò quản trị nhà trường.

Trong Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2050, nhà trường định hướng phát triển theo hướng đa ngành.


Giai đoạn 2017-2022, nhà trường đã được công nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, hơn 90% chương trình đào tạo cử nhân sư phạm được đánh giá ngoài. Ảnh: Thủy Tiên.

Nhà trường đã rà soát, cấu trúc lại các đơn vị và cơ cấu nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả; triển khai xây dựng các ngành đào tạo mới, rà soát chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội; chú trọng khai thác các nguồn thu hợp pháp từ hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ, thực hiện thí điểm tự chủ tại các đơn vị, triển khai các đề án đặt hàng về đào tạo, bồi dưỡng, sản xuất hàng hóa, tư vấn chuyên môn với các doanh nghiệp, địa phương và theo nhu cầu xã hội, bước đầu có kết quả tốt.

Chúng tôi nhận thức, không phải cứ tự chủ đại học thì mọi cái sẽ tự động trở nên tốt hơn, việc tự chủ không đồng nghĩa với chất lượng mà chỉ tạo nền tảng, động lực, còn hiệu quả đến đâu thì chủ yếu phụ thuộc vào năng lực nội tại của chính nhà trường.

Tự chủ dù là một phần hay toàn bộ đều gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm pháp lý cho nên nhà trường tập trung thực hiện tốt khâu kiểm tra, giám sát và công tác đảm bảo chất lượng nhằm củng cố, nâng cao uy tín của trường với người học và với xã hội.

Vươn tới “tốp” các trường sư phạm hàng đầu

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy, được biết, tầm nhìn chiến lược của nhà trường đến năm 2030 là quyết tâm trở thành một trong những trường đại học sư phạm hàng đầu Việt Nam; trường đại học có uy tín ở khu vực Đông Nam Á về đào tạo giáo viên và kết nối với hệ thống các trường phổ thông, hướng tới các trường đại học sư phạm hàng đầu châu Á. Vậy, mục tiêu ấy được xây dựng dựa trên những thế mạnh nào, thưa ông?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy: Trong bản kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2017-2022, nhà trường đã đề ra các mục tiêu cụ thể. Trên cơ sở đó, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các mục tiêu này. Nhà trường đã được công nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, hơn 90% chương trình đào tạo cử nhân sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ về những đổi mới toàn diện trong công tác tuyển sinh, đào tạo. Ảnh: Thủy Tiên.

Hiện nhà trường đang tập trung cải thiện quy trình quản lý và cơ cấu tổ chức đảm bảo minh bạch, hiệu quả, hợp pháp để thực thi, quản lý và giám sát hiệu quả kế hoạch phát triển chiến lược; thiết kế và thực thi các chương trình đào tạo giáo viên mới với sự tham gia của các bên liên quan, đồng thời đảm bảo các chương trình đào tạo tích hợp được những xu hướng đổi mới trong giáo dục quốc gia và quốc tế trong đào tạo giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Trường khuyến khích các nghiên cứu giáo dục mang tính thực tiễn thông qua việc triển khai dự án hợp tác kết nối với các trường phổ thông; cải thiện các chính sách nhằm hỗ trợ có hiệu quả các hoạt động nghiên cứu của giảng viên; kết nối chặt chẽ với hệ thống các trường phổ thông trong đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp dạy học và triển khai bồi dưỡng thường xuyên với các trường phổ thông, các sở giáo dục và đào tạo; đồng thời, thúc đẩy hợp tác với các trường đại học nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu của giảng viên và người học.

Trường cũng chú trọng phát triển các chính sách và quy trình minh bạch, hiệu quả để có thể tuyển chọn được nhân sự có năng lực, trình độ và cung cấp các cơ hội bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ; cải thiện trang thiết bị nhằm phục vụ cho việc đổi mới phương pháp dạy và học, đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường học tập trực tuyến; phát triển các chính sách và quy trình minh bạch, hiệu quả để có thể tuyển chọn được nhân sự có năng lực; phát triển chính sách đánh giá, cơ chế công nhận và đãi ngộ nhằm khuyến khích giảng viên phát triển các kỹ năng, đáp ứng yêu cầu về chuẩn giáo viên, nhu cầu của người học, của cộng đồng địa phương và các xu thế toàn cầu.


Cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị và thư viện của nhà trường luôn được đầu tư để đáp ứng công tác đổi mới giáo dục hiện nay. Ảnh: Thủy Tiên.

Với thế mạnh là trường đại học công lập có bề dày 55 năm kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng giáo viên; đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức có năng lực, nhiệt huyết và khát vọng cống hiến, mục tiêu của trường là đào tạo người học có các phẩm chất và năng lực cần thiết đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và thích ứng với môi trường xã hội phát triển và hội nhập với phương châm “lấy người học làm trung tâm để phát triển hài hòa, toàn diện phẩm chất và năng lực, thấm nhuần các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, trang bị nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc, phát huy tối đa tiềm năng con người, hình thành tư duy mở, chủ động đón nhận và sáng tạo cái mới, cái tiến bộ; đào tạo theo hướng hiện đại và chuẩn mực quốc tế nhằm hình thành ở người học năng lực học tập, nghiên cứu và làm việc trong môi trường đa văn hóa”.

Chúng tôi tự hào đã đào tạo được nhiều sinh viên thành đạt, trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà giáo xuất sắc, đóng góp và gặt hái được những thành công trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành giáo dục.

Thời gian qua, nhà trường tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình trường sư phạm, thực hiện sứ mạng chủ động xây dựng mô hình kết nối điển hình trường sư phạm với trường phổ thông trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng giáo viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy học, kiểm tra đánh giá (hệ thống LMS của nhà trường tự xây dựng đáp ứng tốt công tác giảng dạy, kiểm tra đánh giá bằng hình thức trực tuyến, góp phần đảm bảo kế hoạch, chất lượng đào tạo các hệ trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch COVID-19).

Mục tiêu và khát vọng phát triển nhà trường được dựa trên những nền tảng thực tế vững chắc. Trước hết là tinh thần đoàn kết và quyết tâm chính trị của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người học trong trường. Thứ hai, là những điều kiện nội tại căn cốt của nhà trường. Trường là một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên thành lập được Hội đồng trường và xây dựng đầy đủ hệ thống các quy chế, văn bản quản lý theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, trường đã tổ chức thí điểm được một số đơn vị tự chủ và sắp xếp lại một số đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả.


“Tự chủ không đồng nghĩa với chất lượng mà chỉ tạo nền tảng, động lực, còn hiệu quả đến đâu thì chủ yếu phụ thuộc vào năng lực nội tại của chính nhà trường” - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ. Ảnh: Thủy Tiên.

Về đội ngũ, hiện trường có 500 cán bộ viên chức, trong số đó có 320 giảng viên, trong đó hơn 50% có trình độ phó giáo sư, tiến sĩ. Đặc biệt, giảng viên có trình độ tiến sĩ có độ tuổi trung bình dưới 40, là những người tràn đầy nhiệt huyết, gắn bó với trường, tham gia rất tích cực và hiệu quả trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhà trường hiện đang triển khai 46 chương trình đào tạo, trong đó có 24 chương trình đào tạo cử nhân, 17 chương trình đào tạo thạc sĩ, 05 chương trình đào tạo tiến sĩ. Các chương trình đào tạo, phương pháp dạy học, kiểm tra của trường được phát triển, cập nhật theo hướng hiện đại. Trong 5 năm gần đây, nhà trường thực hiện 04 chương trình, dự án khoa học quốc tế; 242 đề tài khoa học các cấp; công bố gần 1.000 bài báo khoa học trong đó 1/4 số đó là công bố quốc tế có uy tín; tổ chức 15 hội thảo quốc gia, quốc tế, hàng trăm hội thảo cấp trường.

Nhà trường đã triển khai hợp tác với nhiều trường đại học và tổ chức ở các quốc gia: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Ôt-xtrây-li-a, Pháp, Đức, Nga, Bỉ, Phần Lan, Trung Quốc… Trong 5 năm vừa qua, nhà trường đã thực hiện trao đổi hàng trăm sinh viên, tiếp nhận nhiều giảng viên nước ngoài làm việc tại trường.

Về cơ sở vật chất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã và đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tư các chương trình, dự án như Chương trình nâng cao năng lực các trường sư phạm (ETEP), dự án Nhà điều hành, Dự án nâng cấp tạp chí khoa học… góp phần cải tạo cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị và thư viện, đáp ứng bước đầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy, năm học 2022-2023, nhiều trường đại học đứng trước bài toán khó trong công tác tuyển sinh và đào tạo, đặc biệt, đối với sinh viên ra trường sẽ tham gia giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy nhà trường đã chuẩn bị và có kế hoạch như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy: Trước những khó khăn trong công tác tuyển sinh năm 2022 và những năm tiếp theo trong giai đoạn 2022-2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã xây dựng và hoàn thiện phương án tuyển sinh đại học từ cuối năm 2021. Nhà trường đã chủ động tham gia và sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời xây dựng đề án tổ chức thi tuyển sinh riêng.


Lường trước những khó khăn trong công tác tuyển sinh trước bối cảnh mới, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã xây dựng và hoàn thiện phương án tuyển sinh đại học kỹ lưỡng từ rất sớm. Ảnh: Thủy Tiên.

Nhà trường thành lập ban truyền thông để tăng cường thông tin đến thí sinh về công tác tuyển sinh, chế độ chính sách đối với sinh viên sư phạm, đồng thời, hỗ trợ, tư vấn thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong những năm tiếp theo, nhà trường tiếp tục hoàn thiện đề án tuyển sinh cũng như đề án thi tuyển sinh riêng (thực hiện từ 2023) theo hướng sử dụng những phương thức tuyển sinh đơn giản, có khả năng phân loại thí sinh và không gây phức tạp cho thí sinh; hoàn thiện đề án thi tuyển sinh riêng từ năm 2025 khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng cho lớp 12.


Để chuẩn bị tốt cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, chương trình đào tạo giáo viên của nhà trường đã được rà soát, điều chỉnh theo hướng tăng cường rèn nghề tại các trường phổ thông, mầm non.

Đồng thời, tăng cường năng lực phát triển chương trình môn học, phát triển chương trình nhà trường. Bên cạnh đó, sinh viên được đào tạo về các phương pháp dạy học tích cực, đặc biệt là giáo dục STEM; các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Nhà trường triển khai tăng cường khối kiến thức của nhóm ngành để sinh viên có thể dạy các môn học tích hợp, mở các ngành đào tạo mới đáp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy, trước thềm kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, xin ông hãy chia sẻ một số nét chính về những kế hoạch, dự định trong những năm tiếp theo của nhà trường?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy: Trong thời gian tới, nhà trường tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình quản trị nhà trường theo hướng hiện đại, đồng bộ và thích ứng, đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý, điều hành, hướng tới quản trị thông minh; chú trọng phát triển đội ngũ viên chức chất lượng cao theo hướng quốc tế hóa, theo đó có đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ, đội ngũ viên chức phục vụ chuyên nghiệp; chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và đào tạo cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là nâng cao năng lực phát triển chương trình nhà trường và chương trình môn học.


Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: Thủy Tiên.

Trường ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng, gắn nghiên cứu với thực tiễn đòi hỏi của ngành, của trường và thực tiễn của địa phương, thương mại hóa sản phẩm khoa học; tiếp tục duy trì và mở rộng hiệu quả các chương trình hợp tác trong nước và quốc tế.

Từ đó, nâng cao số lượng và chất lượng các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí thuộc hệ thống WoS/Scopus, đặc biệt là công bố trong lĩnh vực khoa học giáo dục, khoa học xã hội. Tăng cường công tác đảm bảo chất lượng toàn diện trong trường, cải tiến chất lượng các chương trình đào tạo và xây dựng văn hóa đảm bảo chất lượng, thực hiện kiểm định trường và các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.

Qua đó, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của hệ thống giáo dục phổ thông, mầm non theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó chú trọng tạo bước chuyển biến đột phá trong đào tạo các ngành ngoài sư phạm, đặc biệt là những ngành đang là thế mạnh tạo nên thương hiệu của nhà trường.


Nhà trường chú trọng tạo bước chuyển biến đột phá trong đào tạo các ngành ngoài sư phạm, đặc biệt là những ngành đang là thế mạnh tạo nên thương hiệu. Ảnh: Thủy Tiên.

Có thể nói, đến nay, trong bối cảnh cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và xu thế hội nhập quốc tế sâu sắc trong mọi lĩnh vực, mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song, bằng việc nắm bắt các cơ hội, phát huy các nguồn lực, nhất là nguồn lực nội sinh, kết hợp với sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương trên cả nước, các đối tác trong và ngoài nước, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 quyết tâm đổi mới mô hình quản trị, cải tiến tổ chức bộ máy, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, tạo bước đột phá về đào tạo và nghiên cứu khoa học, tiếp tục khẳng định vị thế của trường sư phạm chủ chốt, đi đầu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng giáo viên, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội và đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ từ phía nhà trường.

Thủy Tiên