Trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn 2045 (SDMD 2045) do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì, ngày 30-3 Trường ĐH Cần Thơ đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nâng cao chất lượng giáo dục cho hội nhập và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”.
Tham dự có đại diện Tổ chức Jica Nhật Bản, CSIRO Úc, USAID, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, viện, trường đại học.
Tham dự tại điểm cầu trực tuyến Trường ĐHSP Hà Nội 2, có TS Trịnh Đình Vinh - Phó Hiệu trưởng; Ban Chủ nhiệm khoa, Bộ môn Tâm lý Giáo dục, tổ Phương pháp Giảng dạy các khoa trong trường.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ Italia, Nhật Bản, Hoa Kỳ… và đại diện gần 100 trường học các cấp trong cả nước.
Trường ĐH Cần Thơ tổ chức tọa đàm nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng
GS,TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ: Diễn đàn phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long là hoạt động theo chủ trương của Chính phủ do Trường ĐH Cần Thơ chủ trì. Nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế góp phần, đề xuất các định hướng, chính sách, giải pháp cho Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành. Thúc đẩy hợp tác, xây dựng và phát triển các chương trình, dự án thiết thực góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong khuôn khổ của Diễn đàn SDMD 2045, tọa đàm là dịp để các đơn vị cùng nhau trao đổi về những vấn đề quan trọng và cấp thiết để phát triển bền vững của vùng…
Các đại biểu Trường ĐHSP Hà Nội 2 tham dự tọa đàm trực tuyến
Tại tọa đàm, các đại biểu được nghe 4 tham luận về nâng cao chất lượng giáo dục đồng bằng sông Cửu Long, những vấn đề cấp bách; ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang trong công cuộc đổi mới và phát triển; hội nhập quốc tế trong giáo dục; giáo dục vì sự phát triển bền vững… Trong khuôn khổ của tọa đàm, đại biểu còn trực tiếp thảo luận về những vướng mắc, đề xuất các các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho hội nhập và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long như: thực trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các trường vùng sâu; giải pháp sử dụng nguồn nhân lực chuyên sâu; giải pháp để phát triển nguồn nhân lực…
TS Huỳnh Anh Huy - Trưởng Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ cho biết, theo thống kê năm 2021, dân số vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 17.500 nghìn người; trong đó, lao động từ 15 tuổi trở lên được đào tạo chỉ chiếm 14,61% (thấp nhất cả nước, so với trung bình cả nước là 26,13 %; khu vực đồng bằng sông Hồng là 36,96%). Tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên chỉ đạt 6,8%. Điều này cho thấy cần phải có những giải pháp cấp bách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng, thông qua giáo dục và đào tạo nghề.
Theo TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh, hội nhập quốc tế trong giáo dục là xu hướng và tính tất yếu khi bàn tới giải pháp nâng cao chất lượng. Một số hình thức hội nhập quốc tế trong giáo dục có thể kể đến như liên kết đào tạo với nước ngoài (nhiều mô hình liên kết đa dạng như công nhận học phần, chuyển đổi tín chỉ, trao đổi sinh viên…); nghiên cứu khoa học (cho phép các trường đại học chia sẻ tài nguyên và kinh nghiệm của mình với các trường đại học khác trên toàn thế giới); kiểm định quốc tế và xếp hạng quốc tế (một số tổ chức đánh giá kiểm định được quốc tế công nhận như: ABET, AQAS, AACSB...); tài trợ quốc tế, liên kết trong đầu tư giáo dục…
Đồng quan điểm này, ông Timothy Ong - Trưởng Văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh - Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam; PGS Nguyễn Nguyên Minh, đại diện tổ chức CSIRO, Australia đều nhận định học viên Việt Nam được quốc tế đánh giá có tinh thần học tập năng động, sáng tạo, chăm chỉ, do đó, việc liên kết đào tạo quốc tế là vô cùng thuận lợi. Tuy nhiên, các cấp, ngành, các viện, trường cần có những chính sách, định hướng hướng nghiệp, ngành liên kết đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội; song song với kiểm định chất lượng để khẳng định thương hiệu cơ sở đào tạo và kiểm tra thông tin đơn vị liên kết một cách kỹ lưỡng.
Về giải pháp đảm bảo đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, cơ cấu, trình độ, TS Nguyễn Phúc Tăng nhấn mạnh cần có sự chung tay của sở giáo dục, các trường đại học đào tạo ngành sư phạm, đặc biệt là những môn mới đáp ứng theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Các viện, trường cần trang bị cho học viên là giáo viên tương lai khả năng tự học suốt đời, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, đáp ứng sự thay đổi về phương pháp giảng dạy trong thời kỳ mới.
Đối với vấn đề tái đào tạo nhân sự sau khi tuyển dụng của các doanh nghiệp, theo ông Timothy Ong cần tạo được sự liên kết các trường đại học với các nơi sử dụng lao động ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Có như vậy, các bạn sinh viên mới có cơ hội thực tập và hoàn thiện kỹ năng nghề trước khi tốt nghiệp. Năm 2022, USAID đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hỗ trợ các trường đại học phát triển các chương trình học nhấn mạnh vào tính ứng dụng; tạo cơ hội cho người học được tương tác vơi những lý thuyết được học; xây dựng khả năng học tập và nghiên cứu suốt đời cho người học.
Trưởng Ban Tổ chức tọa đàm, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, GS,TS Hà Thanh Toàn cho biết, các ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được tập hợp, báo cáo đến các đơn vị quản lý liên quan, đảm bảo những kiến nghị đó sẽ được nghiên cứu về thực hiện trong thời gian sớm nhất. Tất cả những nỗ lực đó đều nhằm đưa giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long đi lên bền vững theo hướng trang bị khả năng học tập chủ động, sáng tạo cho người học; gia tăng hàm lượng khoa học và tính ứng dụng cao vào thực tiễn cho các công trình nghiên cứu; bắt kịp đà phát triển của giáo dục quốc tế.
Phòng CTCT-HSSV