17-02-2017
Niềm kính phục sâu sắc và xúc động thẳm sâu
tiễn biệt Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn – Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
tiễn biệt Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn – Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Hoàng Văn Giáp - Hội cựu giáo chức, Trường ĐHSP Hà Nội 2
Hôm nay, ngày mười lăm tháng hai, chúng tôi, lứa sinh viên khóa 3 (1969-1973) của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và sau này là những giảng viên của trường đang trào dậy những kỷ niệm thân yêu, niềm kính phục sâu sắc và xúc động thẳm sâu tiễn biệt Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn – Người Thầy, tấm gương tự nghiên cứu, nhà lãnh đạo, nhà giáo dục tâm huyết thật lớn lao – Người Hiệu trưởng khai mở, tạo lập nền tảng cho sự định hình và trưởng thành của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 với 50 năm lịch sử vẻ vang hôm nay.
Những năm gần đây, dù Thầy đã nghỉ công tác trên dưới hai thập kỉ, dù Thầy đã xa trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trên dưới bốn thập kỷ, giáo sư vẫn giành thời gian, viết lại những điều, mà chính nội dung bài viết đã toát lên nhiều bài học quý cho tất cả các thế hệ thầy, trò trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2: bài học về truyền thống tự học, tự nghiên cứu của thầy, trò nhà trường; bài học về sự tự lực, tự cường vượt trên hết những chướng ngại khách quan với nhà trường, và hơn nữa là tấm lòng, là kỳ vọng sâu sắc của giáo sư với sự phát triển bền vững của nhà trường ở cái căn gốc cơ bản nhất là sự tự vượt lên với sức sáng tạo không ngừng.
Trong giây phút tiễn biệt này, chúng tôi xin ghi lại một trong những bài viết như thế trong ấn phẩm được phổ biến rộng trong dịp lễ kỷ niệm 40 năm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, năm 2007:
TRƯỜNG ĐHSP HÀ NỘI 2 ĐÃ MỞ ĐẦU ĐÀO TẠO TIẾN SĨ Ở NƯỚC TA NHƯ THẾ NÀO
NGND. GS. VS. TSKH Nguyễn Cảnh Toàn
Hiệu trưởng đầu tiên của Trường
Hiệu trưởng đầu tiên của Trường
Vào khoảng 1960, số tiến sĩ ở trong ngành giáo dục nước ta chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay. Tiến sĩ ở Tây Âu về được vài người như Lê Văn Thiêm, Vũ Như Canh, Nguyễn Hoán. Tiến sĩ ở Đông Âu và Liên Xô (cũ) mới có 3 người: Nguyễn Cảnh Toàn, Đào Thế Tuấn, Hoàng Tuỵ. Khoa Toán Trường ĐHSP Hà Nội nhận thức được trách nhiệm của mình là phải lo đào tạo giáo viên toán cấp 3 và đó là nhiệm vụ rất nặng nề vì giáo dục phổ thông phát triển rất nhanh, và trong chương trình phổ thông, môn toán chiếm nhiều thì giờ nhất. Mà sau khi chia cán bộ giảng dạy để tách Tổng hợp và Sư phạm ra (năm 1958) thì lại phải chia lần nữa (đối với hai môn Văn và Toán) để lập ra trường ĐHSP Vinh. Lực lượng cán bộ giảng dạy Khoa Toán ĐHSP Hà Nội vào năm 1960 quả là mỏng, mà nhiệm vụ đào tạo thì đã có thể dự đoán là sẽ tăng lên vùn vụt. Dĩ nhiên là hàng năm có thể giữ lại các sinh viên khá, giỏi để bổ sung đội ngũ về số lượng. Nhưng về chất lượng lấy đâu ra khi mà các sinh viên đó tốt nghiệp hệ ngắn hạn (2 năm) cũng khoảng đó mới bắt đầu có kế hoạch gửi người đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu, Trung Quốc, nhưng số suất giành cho khoa Toán cũng rất ít. Chờ đến bao giờ cho khoa có được một tỉ lệ tiến sĩ tạm coi được trong đội ngũ cán bộ giảng dạy nếu cứ chờ đi nghiên cứu sinh, còn việc bồi dưỡng trong nước cứ khoán mặc cho từng người tự bơi qua soạn bài để giảng dạy? Cho nên khoa quyết tâm lo “tự cứu” trước khi “Trường cứu”, “Bộ cứu”. Thế là chủ trương tự bồi dưỡng lấy đội ngũ cán bộ giảng dạy ra đời với hai cấp: cấp 1, tiền thân của thạc sĩ ngày nay và hoàn thành chương trình đào tạo đại học dài hạn (căn cứ vào chương trình và sách giáo khoa của Liên Xô) và một bản luận văn chỉ đòi hỏi tìm ra cái mới đúng với khoa là được cấp 1 thì phỏng theo đào tạo tiến sĩ ở Liên Xô. Kinh nghiệm của Khoa Toán được trường đánh giá cao và phổ biến ra toàn trường. Nói chung là không có thầy hướng dẫn (trừ cá biệt) trong việc hoàn thành chương trình cấp 1. Từng người sẽ căn cứ vào chương trình của Liên Xô và sách giáo khoa của họ mà tự học nhưng có tổ chức ra từng nhóm cũng học một giáo trình luân phiên nhau thuyết trình. Chủ trương này cũng là một cách tế nhị thay cho việc làm bài kiểm tra vì ai đến lượt cũng phải thuyết trình nên buộc trước đó, khi bạn thuyết trình thì phải hiểu cho kỹ, khi đến lượt mình mới thuyết trình trôi chảy được. Mỗi người, căn cứ vào học vấn của mình dưới chế độ ngắn hạn (2 năm) mà vạch ra kế hoạch học tập, đưa ra Tổ bộ môn thông qua, Chủ nhiệm khoa duyệt rồi cứ theo thế mà tự học và học trong nhóm. Cũng có học tốt thì mới đề xuất được đề tài để làm luận văn (với sự góp ý kiến của nhóm, của tổ). Nói chung, trong điều kiện hiếm người thực sự có trình độ để hướng dẫn thật sự, việc bồi dưỡng các bộ giảng dạy ở trình độ cấp 1 dựa vào sự tự học là chính nhưng có tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ, tận dụng sự giúp đỡ lẫn nhau và kiểm tra lẫn nhau rõ ràng có tác dụng. Đến 1966, 1967 thì coi như chế độ bồi dưỡng ở trình độ cấp 1 đã vào nền nếp và một bộ phận cán bộ giảng dạy đã được chứng nhận là hoàn thành cấp 1. Sau này, đến 1970, khi chương trình ĐHSP đã nâng lên 4 năm thì chế độ cấp 1 chuyển thành chế độ cao học, thạc sĩ.
Năm 1967, Trường ĐHSP Hà Nội chia ba. Lúc đó chưa có người nào bảo vệ luận án cấp 2 nhưng mầm mống luận án đã có nhất là ở hai khoa Toán và Sinh - KTNN, cả hai đều nằm ở Trường ĐHSP Hà Nội 2 (về khoa học tự nhiên). Ngoài Khoa Toán là khoa mở đầu thì Khoa Sinh là khoa gặp thuận lợi ở một nước nông nghiệp, lại vào lúc trường sơ tán về nông thôn nên các đề tài nghiên cứu khoa học khá phong phú. Trường ĐHSP Hà Nội 2 cũng ý thức rõ rằng để thực sự xứng đáng là một trường Đại học thì thế nào cũng phải xây dựng được chế độ nghiên cứu sinh. Vả chăng, có làm được như vậy thì mới cắm được những cái mốc trên con đường đi lên của từng người và mới phát triển được công tác nghiên cứu khoa học ở trong nước. Một số cán bộ đã hoàn thành cấp 1 vẫn có những đề tài phát triển thuận lợi nên trường quyết định tổ chức bảo vệ luận án cấp 2 và do vậy tự chuốc lấy trách nhiệm nổ phát súng đầu tiên để tiến vào giáo dục trên đại học, đào tạo ra tiến sĩ. Trường ý thức rất rõ trách nhiệm nặng nề này. Nếu trách nhiệm là do cấp trên giao mà làm hỏng thì cấp trên còn chia sẻ trách nhiệm với mình, đằng này tự đề ra mà làm hỏng thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cho nên phải bàn thật kỹ đã, xong phải báo cáo lên cấp trên. Khi bàn, có người vẫn sợ ta chưa đủ sức, lấy đâu ra người xứng đáng để tổ chức hội đồng chấm, để chọn phản biện. Có người lại lo tự trường đề ra, bảo vệ xong liệu cấp trên có thừa nhận không. Có người, tự thấy mình chả có công trình gì, không muốn chủ trương này thành hiện thực, cứ “hầm bà là” là cán bộ giảng dạy, chẳng có tiến sĩ, lại hay. Số này, tuy rất ít nhưng cũng là một trở ngại. Họ tìm đến các thí sinh và dèm pha: “các anh bảo vệ làm gì, ai chấm? Họ may mắn được đi nghiên cứu sinh rồi có bằng tiến sĩ, chứ họ hơn gì các anh”. Trường cũng phải mất công đi làm công tác tư tưởng cho các thí sinh. Một vấn đề được đưa ra bàn là Khoa Toán hoặc Khoa Sinh. Người ủng hộ ý kiến “Khoa Toán” vì nghĩ rằng nó là khoa mở đầu cho việc bồi dưỡng cán bộ giảng dạy, Hiệu trưởng lại là một nhà toán học nên việc chỉ đạo thực hiện sẽ có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên chính Hiệu trưởng lại không đồng ý cho Khoa Toán vì cho rằng các luận án tiến sĩ toán học rất khó hiểu đối với người ngoại đạo nên việc bảo vệ luận án sẽ được ít người quan tâm mà đây là những luận án đầu tiên ở nước ta, cần thu hút được sự chú ý của đông đảo dư luận, có thế phát súng đầu tiên mới nổ ròn rã. Về phương diện đó, Khoa Sinh có nhiều ưu thế hơn vì nước ta còn là một nước nông nghiệp lại vào lúc các trường đại học đều sơ tán về nông thôn. Khi báo cáo lên Bộ Giáo dục thì Bộ yêu cầu rằng Trường ĐHSP thì luận án đầu tiên phải là luận án về khoa học giáo dục”. Bộ Đại học thì đồng ý nhưng biết rằng Bộ Giáo dục không nhất trí nên giữ kẽ, không tỏ thái độ công khai mà dặn trường cứ lặng lẽ mà làm. Cuối cùng thì chọn được ba cán bộ giảng dạy Sinh học là Lê Quang Long, Phan Nguyên Hồng, Phan Cự Nhân làm luận án. Phương châm: “Kết hợp cứng và mềm” được đưa ra để chỉ đạo việc bảo vệ luận án. “Cứng” có nghĩa là hết sức nghiêm túc về mặt bảo đảm chất lượng, dứt khoát không để xảy ra tình hình là sau khi bảo vệ xong, trong dư luận lại có tiếng xì xào so sánh “tiến sĩ nội” với “tiến sĩ ngoại” theo hướng bất lợi cho tiến sĩ nội. Còn mềm là có thể châm chước thêm bớt một số thủ tục cho phù hợp với tình hình của phát súng mở đầu. Đó là việc không yêu cầu nghiên cứu sinh phải có người hướng dẫn (vì mới bắt đầu lấy đâu ra người hướng dẫn) và việc gửi ra nước ngoài xin thêm ý kiến nhận xét (để làm yên lòng những ai chưa đủ lòng tin vào những nhận xét ở trong nước).
Ngày bảo vệ là ngày 23 - 4 - 1970. Các giấy mời đã được gửi đi khắp các trường đai học và viện nghiên cứu ở miền Bắc và tất cả các nơi đó đều cử người về dự. Bộ Giáo dục không cử ai về vì cả ba luận án đều không thuộc khoa học giáo dục. Bộ Đại học cũng giữ kẽ chỉ cử đồng chí Vụ trưởng Vụ Khoa học về dự. Chỉ có 3 luận án nhưng việc bảo vệ kéo dài cả ngày vì còn phải giành thì giờ đọc lên các bản nhận xét của các nhà bác học nước ngoài và của các cơ sở sản xuất có liên quan đến nội dung các luận án.
Nay, nhìn lại thắng lợi 37 năm về trước thì thấy đôi điều vẫn bổ ích cho đến ngày hôm nay. Chúng ta vẫn tiếp tục phát triển đại học và gần đây, nhiều tỉnh đã có trường đại học trực thuộc tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy của các trường đó như thế nào cho nhanh và chắc? Nếu chờ gửi nghiên cứu sinh ra nước ngoài hay đến các trường đại học đàn anh trong nước thì lâu. Do đó từng trường nên có chế độ bồi dưỡng cán bộ giảng dạy của riêng mình có tranh thủ sự giúp đỡ của các trường đàn anh, trong đó phương châm: “Kết hợp cứng và mềm” nên được chú ý. Phải cứng mới đảm bảo không có “tiến sĩ rởm”, phải mềm để tránh những cản trở có tính chất hình thức. Chẳng hạn trước tình hình có nhiều tiến sĩ rởm hiện nay, đã có ý kiến đề xuất cấm làm nghiên cứu sinh tại chức. Như vậy là lẫn lộn giữa phương thức đào tạo và cách quản lý phương thức đó. Quản lý mà lỏng lẻo thù dù chính quy hay tại chức rồi sẽ có tiến sĩ rởm. Quản lý chặt thì tại chức vẫn ra được những tiến sĩ thật. Hiện nay nước ta đã có cả triệu người tốt nghiệp đại học, làm gì mà chả có hàng trăm người rất có tiềm lực phát triển lên nhưng không có điều kiện làm nghiên cứu sinh chính quy. Tại sao lại cấm họ làm không chính quy? Việc bảo vệ ngày 23 - 4 - 1970 ở Trường ĐHSP Hà Nội 2, xét thật nghiêm túc thì cũng chưa phải là chính quy. Nếu hồi đó, câu nệ, không “mềm hoá” đi đồng thời lại rất cứng, thì việc làm nghiên cứu sinh trong nước có lẽ còn phải lui lại lâu./.
Ngày bảo vệ là ngày 23 - 4 - 1970. Các giấy mời đã được gửi đi khắp các trường đai học và viện nghiên cứu ở miền Bắc và tất cả các nơi đó đều cử người về dự. Bộ Giáo dục không cử ai về vì cả ba luận án đều không thuộc khoa học giáo dục. Bộ Đại học cũng giữ kẽ chỉ cử đồng chí Vụ trưởng Vụ Khoa học về dự. Chỉ có 3 luận án nhưng việc bảo vệ kéo dài cả ngày vì còn phải giành thì giờ đọc lên các bản nhận xét của các nhà bác học nước ngoài và của các cơ sở sản xuất có liên quan đến nội dung các luận án.
Nay, nhìn lại thắng lợi 37 năm về trước thì thấy đôi điều vẫn bổ ích cho đến ngày hôm nay. Chúng ta vẫn tiếp tục phát triển đại học và gần đây, nhiều tỉnh đã có trường đại học trực thuộc tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy của các trường đó như thế nào cho nhanh và chắc? Nếu chờ gửi nghiên cứu sinh ra nước ngoài hay đến các trường đại học đàn anh trong nước thì lâu. Do đó từng trường nên có chế độ bồi dưỡng cán bộ giảng dạy của riêng mình có tranh thủ sự giúp đỡ của các trường đàn anh, trong đó phương châm: “Kết hợp cứng và mềm” nên được chú ý. Phải cứng mới đảm bảo không có “tiến sĩ rởm”, phải mềm để tránh những cản trở có tính chất hình thức. Chẳng hạn trước tình hình có nhiều tiến sĩ rởm hiện nay, đã có ý kiến đề xuất cấm làm nghiên cứu sinh tại chức. Như vậy là lẫn lộn giữa phương thức đào tạo và cách quản lý phương thức đó. Quản lý mà lỏng lẻo thù dù chính quy hay tại chức rồi sẽ có tiến sĩ rởm. Quản lý chặt thì tại chức vẫn ra được những tiến sĩ thật. Hiện nay nước ta đã có cả triệu người tốt nghiệp đại học, làm gì mà chả có hàng trăm người rất có tiềm lực phát triển lên nhưng không có điều kiện làm nghiên cứu sinh chính quy. Tại sao lại cấm họ làm không chính quy? Việc bảo vệ ngày 23 - 4 - 1970 ở Trường ĐHSP Hà Nội 2, xét thật nghiêm túc thì cũng chưa phải là chính quy. Nếu hồi đó, câu nệ, không “mềm hoá” đi đồng thời lại rất cứng, thì việc làm nghiên cứu sinh trong nước có lẽ còn phải lui lại lâu./.