Một là, học tập và làm theo phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường bằng những việc làm thiết thực và cụ thể trong vấn đề quản lý, xây dựng chương trình đào tạo, đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn nhằm tăng cường khả năng thực hành nghề cho sinh viên, lãnh đạo nhà trường tiếp dân, tiếp xúc đại diện sinh viên thường kỳ, kịp thời điều chỉnh các hoạt động của trường, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dạy, người học... Nhờ đó, trong năm học vừa qua, mặc dù ngành Sư phạm còn nhiều khó khăn nhưng số lượng thí sinh dự thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tăng lên đáng kể (năm học 2012 - 2013 có 10 nghìn thí sinh dự thi, đến năm học 2013 - 2014 con số này đã tăng lên gần 15 nghìn). Đó là một minh chứng cho sự chuyển dịch đúng hướng của nhà trường đồng thời đánh dấu một sự trưởng thành mới. Có được thành quả này là nhờ nỗ lực chung của toàn thể cán bộ, sinh viên toàn trường. Trong đó, nổi bật là tinh thần dân chủ và sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy. Cho đến nay, những điều chỉnh về chiến lược phát triển, về chế độ đãi ngộ, về cách thức tổ chức và quản lý mọi hoạt động của nhà trường và ở các đơn vị đều tập trung ưu tiên cho việc khẳng định vị thế của trường, khuyến khích người lao động hăng say làm việc mang lại hiệu quả cao nhất trong hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu của cán bộ, sinh viên.
Hai là, học tập và làm theo phong cách dân chủ của Hồ Chí Minh. Mọi chủ trương, chính sách, quy chế tổ chức, quản lý, chi tiêu của nhà trường và các bộ phận thuộc trường đều được đưa ra thảo luận công khai, dân chủ. Mọi người có quyền góp ý, phản biện các hoạt động của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn thanh niên. Trong thời gian qua, nhà trường đã điều chỉnh một số nội dung, như quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế đào tạo; quy chế quản lý sinh viên và lấy ý kiến phản hồi từ người học... để mọi hoạt động ngày càng minh bạch và có ý nghĩa thiết thực hơn trong việc quản lý dạy và học trong trường. Ban giám hiệu và các đơn vị trực thuộc trường đã dân chủ, công khai từ việc phân công giảng dạy trong và ngoài trường; công khai vấn đề thu nhập từ các nguồn của đơn vị, nhờ đó đã tạo ra bầu không khí dân chủ, đoàn kết, vui vẻ, nhân văn trong mọi hoạt động nói chung. Những việc làm này thể hiện rõ nét phong cách dân chủ của Hồ Chí Minh đã lan tỏa trong mọi hoạt động của nhà trường và ở các đơn vị, góp phần thúc đẩy sự phát triển của trường.
Ba là, phát huy vai trò làm gương của một trường sư phạm mẫu mực. Các trường sư phạm trong vùng Trung du Bắc Bộ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc những nét đặc thù của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 qua nhiều hoạt động, trong đó có Hội giao lưu các trường sư phạm cụm Trung du Bắc Bộ. Ngay cả dân cư trong khu vực trường đứng chân, trước đây vốn là một địa bàn phức tạp, nhiều tôn giáo đan xen, tệ nạn xã hội phức tạp, nhưng đến nay khu vực này đang ngày một ổn định, con em trong độ tuổi đi học của các tôn giáo khác nhau đã đến trường với tỷ lệ rất cao, những giá trị nhân văn, môi trường sư phạm được phát huy. Trong trường, về cơ bản toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên đều là những tấm gương tốt cho sinh viên học tập và noi theo, nhất là những tấm gương tự học và nghiên cứu. Nhiều thầy, cô giáo có những công trình khoa học và bài viết tạo ấn tượng tốt đối với đồng nghiệp và sinh viên. Năm học 2012 - 2013, toàn trường đã nghiệm thu 27 đề tài cấp cơ sở, đăng ký mới 47 đề tài; có hàng trăm bài báo nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành và tạp chí của trường. Cũng trong năm học này đã có nhiều gương người tốt, việc tốt được tuyên dương, nhiều cán bộ, sinh viên tham gia các phong trào từ thiện, phong trào hiến máu nhân đạo, chăm sóc thương, bệnh binh và Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Tại các kỳ thi ô-lim-pich quốc gia nhiều sinh viên đã đạt giải cao, như Khoa Toán đạt 02 giải nhì, 05 giải ba, 02 giải khuyến khích; Khoa Vật lý đạt 04 giải nhì, 01 giải khuyến khích; trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, cán bộ, sinh viên đã tích cực tham gia và đạt được nhiều thành tích như, giải nhất trong cuộc thi Mr and Miss SV - 2013 của Khoa Văn và Khoa Hoá; giải nhì hội thi văn nghệ, thể thao và nghiệp vụ sư phạm toàn quốc... Những thành tích đó là sự ghi nhận cho những phấn đấu thày và trò trong toàn trường.
Bốn là, lãnh đạo nhà trường đã khai thác rất hiệu quả năng lực sở trường của cán bộ, giảng viên và sinh viên trong toàn trường. Mở rộng quan hệ với các địa phương, các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế để liên kết đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học, chủ động cử hàng chục cán bộ đi giảng dạy, nghiên cứu ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc,... Trên cơ sở đó, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn và trở về phục vụ nhà trường tốt hơn.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được đẩy mạnh, nề nếp, kỷ cương trong nhà trường được giữ vững, chất lượng đào tạo được bảo đảm và thực sự đáp ứng nhu cầu xã hội. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã đủ điều kiện thực hiện theo Đề án đổi mới căn bản, toàn diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập trường (1967 - 2012), nhà trường đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, được đón Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và nhiều vị lãnh đạo cao cấp khác đến thăm trường.
Trong năm học 2012 - 2013, toàn trường đã đạt: 02 bằng khen cá nhân cấp nhà nước; 01 danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp bộ; 12 danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cấp bộ; 22 bằng khen của Bộ trưởng. Nhà trường đã công nhận 56 chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 3 tập thể và 38 cá nhân được Hiệu trưởng tặng Giấy khen.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể, nhưng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong nhà trường vẫn còn một số vấn đề cần được tăng cường để hoạt động này mang lại hiệu quả cao hơn, góp phần xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, đó là:
- Cần duy trì thường xuyên, liên tục việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Lãnh đạo các đơn vị phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động. Đặc biệt phong cách nêu gương ở môi trường sư phạm cần được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, như ứng xử sư phạm, giao tiếp sư phạm, ...
- Truyền khát vọng để cho thế hệ trẻ yêu nghề, yêu trường. Thông qua việc giảng dạy và nghiên cứu, mỗi thầy, cô giáo cần phát huy cao độ sự đam mê, lòng yêu người, yêu nghề dạy người để đồng nghiệp, sinh viên tự hào về nghề, về trường.
- Kịp thời tuyên dương những điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Để thực hiện tốt nội dung này, trong năm học 2013 - 2014, Ban Tuyên huấn Đảng ủy nhà trường đã có công văn hướng dẫn các đơn vị và cá nhân đăng ký những việc làm cụ thể, thiết thực theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lấy đó làm căn cứ bình xét các danh hiệu thi đua và khen thưởng trong đợt sơ kết hoạt động cũng như tổng kết năm học. Nêu gương người tốt, việc tốt và các điển hình làm theo lời Bác để kịp thời tuyên dương và nhân rộng, góp phần đưa trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phát triển ngày càng bền vững./.
Tác giả bài viết: TS. Vi Thái Lang Trưởng Ban Tuyên huấn Đảng ủy, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, nguồn tin: Tạp chí Cộng sản