Thực hiện Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 07 tháng 12 năm 2020, Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức Khai mạc Bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán cấp Tiểu học năm 2020.
Các đại biểu tham dự phiên Khai mạc
Tham dự khai mạc, về phía đại diện lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, có: Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ; Các đồng chí là lãnh đạo, chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học của các Sở GD&ĐT và 466 giáo viên cốt cán cấp Tiểu học của các 7 Sở GD&ĐT: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ; Về phía Trường ĐHSP Hà Nội 2, có: PGS,TS Nguyễn Quang Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS,TS Phùng Gia Thế - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng Ban quản lý ETEP trường; Các giảng viên sư phạm chủ chốt.
PGS,TS Nguyễn Quang Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2 phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, PGS,TS Nguyễn Quang Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng cho biết nội dung chương trình bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán cấp Tiểu học tập trung vào các vấn đề cốt lõi của đổi mới giáo dục phổ thông, đó là: Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Đồng thời hy vọng, qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng trong khuôn khổ ETEP và các chương trình bồi dưỡng khác, đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt và giáo viên phổ thông cốt cán các cấp sẽ đóng góp một phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, sách giáo khoa mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Toàn cảnh phiên Khai mạc
Các giáo viên cốt cán bậc Tiểu học trong giờ học bồi dưỡng
Các giáo viên cốt cán bậc Tiểu học trong giờ học bồi dưỡng
Trong khuôn khổ Chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT đã có sự thay đổi căn bản về phương thức bồi dưỡng. Nếu như trước đây, tập huấn trực tiếp theo thời gian ấn định, nay chuyển sang bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ, chuyển quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng. Cách làm này rất khác với cách làm trực tiếp truyền thống trước đây. Học liệu, tài liệu được tải lên Hệ thống LMS, có video minh hoạ, giúp giáo viên hiểu hơn về phương pháp. Giáo viên chủ động tìm hiểu tài liệu trên LMS với sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt. Giáo viên chủ yếu phải tự học, tự bồi dưỡng và trao đổi với đồng nghiệp trong sinh hoạt chuyên môn để nâng cao năng lực nghề nghiệp. Các trường ĐHSP, các giảng viên sư phạm chủ chốt gắn trách nhiệm với các Sở GD - ĐT và giáo viên không chỉ 1 năm mà lâu dài, bồi dưỡng liên tục, không phải chỉ bồi dưỡng 1 lần rồi sử dụng suốt đời như trước đây.
Phòng CTCT-HSSV