Ngày 08 tháng 12 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình ETEP Trung ương phối hợp với Trường ĐHSP Hà Nội 2 và Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo truyền thông “Nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018” bằng hình thức trực tuyến.
TS Đặng Văn Huấn - Phó Giám đốc Chương trình ETEP TW phát biểu khai mạc Hội thảo
Tham dự Hội thảo có: TS Phạm Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT; TS Đặng Văn Huấn - Phó Giám đốc Chương trình ETEP TW; Nhà giáo Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Yên Bái, gần 100 giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Yên Bái;
Về phía Trường ĐHSP Hà Nội 2 có: TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; Các thầy cô trong Ban Quản lý ETEP trường.
Phát biểu khai mạc, TS Đặng Văn Huấn - Phó Giám đốc Chương trình ETEP Trung ương cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua Chương trình ETEP đã xây dựng 54 mô-đun tài liệu bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Toàn bộ các mô-đun bồi dưỡng đều hướng đến hỗ trợ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phát triển năng lực nghề nghiệp để triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Từ năm 2019 đến nay, Chương trình ETEP đã bồi dưỡng 28.000 giáo viên cốt cán và 4000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán trong toàn quốc theo mô hình 5-3-7 hoặc 7-2-7 (5 hoặc 7 ngày tự học qua LMS, 3 hoặc 2 ngày học trực tiếp và 7 ngày hoàn thành nhiệm vụ học tập qua LMS).
Cho đến thời điểm này, đội ngũ giáo viên cốt cán đã hoàn thành bồi dưỡng 5 mô đun quan trọng, đó là: Hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triên phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá theo phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Tư vấn, hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học, giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Trong tháng 12/2021, đội ngũ cốt cán sẽ tiếp tục hoàn thành mô-đun 9: “Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và công nghệ trong dạy học, giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”.
Ngay sau khi hoàn thành bồi dưỡng các mô-đun trên, đội ngũ cốt cán đã triển khai hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà trong toàn quốc bồi dưỡng theo hình thức tự học qua Hệ thống LMS kết hợp với sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường với sự hỗ trợ chuyên môn của các giảng viên chủ chốt từ các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia Chương trình ETEP.
Trong thời gian qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã phối hợp chặt chẽ với các Sở Giáo dục và Đào tạo bảy tỉnh phía Bắc, trong đó có Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, tổ chức bồi dưỡng 5 mô-đun cho đội ngũ giáo viên cốt cán và hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng các mô-đun rất hiệu quả, thực hiện đúng quy trình đảm bảo chất lượng bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và đại trà.
Qua khảo sát thực tế, hầu hết các thầy cô giáo đại trà ở Yên Bái đã hoàn thành bồi dưỡng những mô đun cốt lõi theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo để có thể vững tin thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
TS Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh: Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời…
Từ định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh như vậy đòi hỏi phải đổi mới cách dạy, cách học. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phải nâng cao năng lực, phẩm chất để đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, đặc biệt là đáp ứng những đổi mới của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh về phương pháp học nhiều hơn. Học sinh phải tự học nhiều hơn, phải biết huy động tổng thể kiến thức, kỹ năng, tiềm lực của mình để thực hiện mục tiêu giáo dục.
Để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, một trong những điều kiện tiên quyết là phải bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông về phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đây chính là định hướng căn bản, chủ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hiện nay và trong thời gian tới.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, Ông Nguyễn Thanh Bình đã báo cáo kết quả bồi dưỡng năm 2020 cho cán bộ quản lý, giáo viên đại trà thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Báo cáo nêu rõ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình bồi dưỡng giáo viên năm 2020, kế hoạch triển khai năm 2021 và những kiến nghị, đề xuất phối hợp giữa các bên triển khai khi bồi dưỡng những mô đun tiếp theo trong khuôn khổ Chương trình ETEP.
TS Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, thành viên Ban Quản lý ETEP Trường ĐHSP Hà Nội 2 báo cáo tại Hội thảo
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, thành viên Ban Quản lý ETEP Trường ĐHSP Hà Nội 2 cho biết: Tính đến ngày nay, Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã tổ chức bồi dưỡng cho GVCC của tỉnh Yên Bái hoàn thành 5 mô đun bồi dưỡng trong khuôn khổ Chương trình ETEP.
Nhìn chung, GVPTCC tham gia bồi dưỡng trực tiếp tại Yên Bái hoặc tại Trường ĐHSP Hà Nội 2 có cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, thuận tiện; giảng viên tâm huyết, có chuyên môn cao đã giúp cho giáo viên tường minh hơn về việc dạy học ở trường phổ thông. Đối với bồi dưỡng mô-đun 4 và mô-đun 5 do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nên Nhà trường đã triển khai bồi dưỡng qua lớp học ảo. Với công cụ hỗ trợ trên hệ thống LMS của Viettel đã giúp cho GV vượt được qua các khó khăn để tham gia lớp học ảo nhưng chất lượng vẫn như bồi dưỡng ở các mô-đun trước đó.
Các GVPTCC cũng đã nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của bản thân trong việc hỗ trợ đồng nghiệp tại địa phương trong việc thực hiện phương thức bồi dưỡng thường xuyên mới với phương châm, liên tục, tại chỗ, có chất lượng, đảm bảo tiến độ thông qua hệ thống LMS.
Do có phương án bồi dưỡng hợp lý, phối hợp nhịp nhàng với các Sở GD&ĐT các tỉnh, chuẩn bị chu đáo và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Nhà trường nên hoạt động bồi dưỡng của Trường ĐHSP Hà Nội 2 diễn ra theo đúng kế hoạch, tuân thủ các nội dung được đề ra, đạt kết quả tốt và nhận được sự đánh giá tích cực của người học và các bên liên quan.
TS Lê Thị Kim Anh - Chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình ETEP báo cáo tại Hội thảo
Tiếp theo, TS Lê Thị Kim Anh - Chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình ETEP báo cáo với chủ đề: “TEMIS - Hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông”. TEMIS là hệ thống đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông bắt đầu triển khai theo công văn 5016/BGDĐT-GDTrH, ban hành ngày 20/11/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, 63 sở Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc đều đã tham gia thực hiện với những kết quả tương đối cao. Hầu hết báo cáo của các sở đều ghi nhận tỷ lệ hoàn thành đánh giá theo chuẩn và tải minh chứng lên hệ thống đạt trên 90% trên tổng số giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông của sở.
Các đại biểu tại hơn 100 điểm cầu tại tỉnh Yên Bái, trong Hội thảo đã thẳng thắn trao đổi về việc thực hiện bồi dưỡng giáo viên phổ thông đại trà theo Chương trình ETEP -Bộ GD&ĐT. Những ý kiến trong Hội thảo được chủ tọa hồi đáp cụ thể, đưa ra phương án giải quyết rõ ràng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái
Phần tiếp theo, Tổ Giám sát Chương trình ETEP Trường ĐHSP Hà Nội 2 thực hiện phỏng vấn các giáo viên phổ thông cốt cán, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông về việc tự học trực tuyến và hỗ trợ phát triển nghề nghiệp tại trường/cụm trường.
Phòng CTCT-HSSV