Hội thảo quốc tế “Quốc tế hoá giáo dục đại học trong bối cảnh châu Á năng động”

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Ngày 02 tháng 12 năm 2022, Trường ĐHSP Hà Nội 2 phối hợp với Tạp chí Giáo dục, Trường Đại học Deakin (Úc), STARS Scholar và Hiệp hội các nhà nghiên cứu khoa học xuyên quốc gia tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ nhất với chủ đề “Quốc tế hoá giáo dục đại học trong bối cảnh châu Á năng động”.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến nhằm mang đến một diễn đàn để thảo luận về các vấn đề quan trọng, các xu thế phát triển và những mô hình mới về quốc tế hoá giáo dục đại học ở Châu Á.

GS Jill Blackmore - Trường Đại học Deakin (Úc) báo cáo tại Hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học đến từ các trường đại học thuộc các quốc gia khác nhau trên thế giới: Australia, China, Korea, New Zealand, Mỹ, Việt Nam,…

Về phía Trường ĐHSP Hà Nội 2 có: PGS, TS Phùng Gia Thế - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; Các thầy cô trong Ban Giám hiệu; Lãnh đạo các đơn vị; đông đảo giảng viên, sinh viên trong trường.

TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo khẳng định: “Hiện nay, trong nền kinh tế tri thức và bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, quốc tế hóa giáo dục đại học là xu thế phát triển chung của các trường đại học trên thế giới và Việt Nam. Đây là xu hướng tất yếu và đang phát triển, thể hiện trong các văn bản của Đảng và Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Quốc tế hóa giáo dục gắn với hội nhập sâu rộng toàn diện sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo của Trường tiệm cận với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, mang đến cho người học trải nghiệm học tập toàn cầu và cơ hội mới về nghề nghiệp trong tương lai.

Mục đích của Hội thảo là tạo một diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế chia sẻ, trao đổi, thảo luận về các xu thế phát triển, những mô hình mới và các vấn đề quan trọng về IoHE ở Châu Á cũng như trên thế giới. Qua đó, cung cấp những thông tin, đưa ra những nhận định, khuyến nghị hữu ích, góp phần hỗ trợ cơ quan quản lý, các trường đại học trong việc điều hành, ban hành những cơ chế, chính sách về quốc tế hóa giáo dục, giúp những người tham gia Hội thảo những hiểu biết, tri thức mới về quốc tế hóa giáo dục đại học hiện nay.”.

PGS,TS Nguyễn Tiến Trung - Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục báo cáo tại Hội thảo

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Tiến Trung - Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục cho biết: Trong ba thập kỷ qua, quốc tế hoá giáo dục đã được định hình và định hình lại thành một hình thức thương mại toàn cầu, được thúc đẩy bởi các điều kiện lịch sử, kinh tế và chính trị. Việc tái định vị quốc tế hoá giáo dục với tư cách là một quá trình thương mại toàn cầu đã được phản ánh thông qua các chính sách và chương trình trên nhiều khía cạnh, bao gồm sự di chuyển của sinh viên trong và ngoài nước, tuyển dụng sinh viên quốc tế, quốc tế hóa chương trình giảng dạy, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu ... Ở các quốc gia điểm đến chính ở Bắc bán cầu như Úc, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ, quốc tế hóa đã bị chỉ trích là chủ yếu dựa vào kinh tế như một ngành xuất khẩu. Quá trình thương mại hóa và thương mại hóa giáo dục đã được tạo điều kiện thuận lợi nhờ sự tự do hóa thương mại dịch vụ giáo dục chủ yếu được thúc đẩy bởi các hiệp định thương mại tự do.

Các điểm đến giáo dục quan trọng cũng đã tích cực tận dụng giáo dục quốc tế như một cơ chế để hỗ trợ nâng cao năng lực lao động và phát triển nền kinh tế thông qua mối liên hệ với sự cạnh tranh về kỹ năng hoặc “cuộc chạy đua toàn cầu về nhân tài”. Sự dịch chuyển của sinh viên là một trong những khía cạnh nổi bật của quốc tế hoá giáo dục và thường gắn liền với sự phát triển của nguồn nhân lực và sự dịch chuyển kiến thức, ý tưởng và kỹ năng xuyên quốc gia.

Tại Châu Á, quốc tế hoá giáo dục đại học phù hợp với sự phát triển năng động của nền kinh tế xã hội của khu vực. Quốc tế hoá giáo dục đại học ở Châu Á có thể được quan sát từ các cấp độ khác nhau (ví dụ: khu vực, quốc gia, địa phương …) và các khía cạnh khác nhau (ví dụ: chương trình giảng dạy, dạy và học, sự di chuyển của sinh viên và/hoặc giảng viên, nghiên cứu, xếp hạng,…). Trước đại dịch COVID-19, IoHE ở các nước châu Á thường bị coi là kém phát triển hơn so với các đối tác của họ từ thế giới phương Tây. Tuy nhiên, sự bùng phát COVID-19 đã mở ra cơ hội cho các quốc gia và tổ chức ở châu Á khám phá và giới thiệu các chương trình quốc tế hóa và xuyên quốc gia, tận dụng công nghệ kỹ thuật số, mô hình hợp tác quốc tế mới.

Vai trò nổi bật của châu Á trong bản đồ thế giới về quốc tế hóa giáo dục đại học đã được công nhận không chỉ thông qua sự dịch chuyển của sinh viên đến các quốc gia gửi học chính trong khu vực này mà còn thông qua quốc tế hóa việc dạy, học và chương trình giảng dạy, giáo dục xuyên quốc gia, số hóa … Bất chấp những phát triển đáng kể, sự đa dạng và năng động gần đây của quốc tế hóa giáo dục đại học ở châu Á và sự gia tăng đáng kể các ấn phẩm tập trung vào một quốc gia cụ thể trong khu vực, vẫn chưa có một cuộc đối thoại toàn diện và chặt chẽ về quốc tế hóa giáo dục đại học từ quan điểm của châu Á để đáp lại các bối cảnh thay đổi. Hội thảo quốc tế về Quốc tế hoá giáo dục đại học trong bối cảnh châu Á năng động, đồng tổ chức bởi Trường Đại học Deakin (Úc); STARS Scholar; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Tạp chí Giáo dục đáp ứng khoảng trống quan trọng này trong tài liệu.

Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các diễn giả

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày tham luận về nhiều chủ đề như: Chính sách, chiến lược và xu hướng khu vực, quốc gia và thể chế về quốc tế hoá giáo dục đại học ở châu Á; Trao đổi sinh viên giữa các quốc gia trong và ngoài nước ở châu Á; Quốc tế hóa việc giảng dạy, học tập và chương trình giảng dạy của giáo dục đại học ở châu Á; Các chương trình và mô hình giáo dục xuyên quốc gia ở châu Á; Quốc tế hóa nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia ở châu Á…

Nội dung các tham luận đã phản ánh sâu về xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học trên toàn thế giới và đặc biệt là tại châu Á.

Ban Tổ chức và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Trong phần thảo luận, các diễn giả cũng dành thời gian để trả lời các câu hỏi từ đại diện các trường đại học và sinh viên. Qua đó, đã làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề về quốc tế hóa giáo dục đại học ở châu Á và quốc tế đang được quan tâm hiện nay.

Phòng CTCT-HSSV