Ngày 30 tháng 6 năm 2021, Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo khoa học “Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế” thu hút nhiều nhà nghiên cứu trên cả nước.
Tham dự phiên khai mạc, có: TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Lịch sử, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo, cùng đông đảo giảng viên, sinh viên Khoa Lịch sử; Hội thảo còn có nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước tham dự bằng hình thức trực tuyến.
TS Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, TS Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo khẳng định: Hội thảo khoa học “Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế” là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cùng trao đổi học thuật về các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học Lịch sử liên quan đến công cuộc đổi mới, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam, về khoa học giáo dục Lịch sử, nhằm thúc đẩy và gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đại dịch Covid-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp trên cả nước đã ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức Hội thảo nhưng không ảnh hưởng tới đam mê nghiên cứu và chất lượng của các công trình khoa học. Hy vọng rằng, những chia sẻ, trao đổi tại Hội thảo, dưới hình thức trực tuyến hay trực tiếp, sẽ giúp mỗi đại biểu có thêm động lực, những góc nhìn mới, những suy nghĩ, gợi ý cho các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng tiếp theo. Đồng thời mở ra những triển vọng kết nối, hợp tác giữa Trường ĐHSP Hà Nội 2 với các cơ sở nghiên cứu, cơ sở khoa học, nhà khoa học trên khắp mọi miền đất nước.
TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Lịch sử, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo trình bày Báo cáo đề dẫn
Sau phiên khai mạc, TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Lịch sử, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo trình bày Báo cáo đề dẫn cho biết: Ban Tổ chức Hội thảo “Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế” nhận được tổng số hơn 90 bài báo. Trong đó, 40 bài báo có chất lượng tốt nhất được chọn in tại Kỷ yếu toàn văn Hội thảo, 10 bài được đăng trên Tạp chí Khoa học của Trường ĐHSP Hà Nội 2. Đây là những nghiên cứu khoa học đầy tâm huyết, đề cập đến nhiều vấn đề lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục của Việt Nam trong chặng đường hơn 30 năm đổi mới và hội nhập. Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo tin tưởng các đại biểu sẽ có nhiều kiến giải quý báu, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề trên từ những góc nhìn khác nhau, tạo nên thành công của Hội thảo.
PGS,TS Phạm Văn Lực - Trường ĐHSP Hà Nội 2 báo cáo tại phiên toàn thể
Tại phiên toàn thể, các đại biểu được nghe báo cáo: “Giáo dục Tây bắc thời thuộc Pháp (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945) và bài học kinh nghiệm để phát triển giáo dục ở Tây Bắc trong giai đoạn hiện nay” của PGS,TS Phạm Văn Lực - Trường ĐHSP Hà Nội 2. Bài báo tập trung giải quyết những nội dung cơ bản, khái quát về Tây Bắc trước năm 1884; chính sách giáo dục của Pháp và sự hình thành nền giáo dục Pháp-Việt ở Tây Bắc từ cuối thế kỷ XIX đến 1945; một số bài học kinh nghiệm để phát triển giáo dục ở Tây Bắc trong giai đoạn hiện nay.
TS Bùi Gia Khánh - Trường Đại học Sài Gòn, báo cáo trực tuyến tại Hội thảo
Báo cáo thứ hai tại phiên toàn thể của TS Bùi Gia Khánh - Trường Đại học Sài Gòn có tên “Quá trình định hình chiến lược biển của Việt Nam (1986 - 2020)”. Bài báo hướng đến việc làm rõ quá trình hình thành chiến lược biển của Việt Nam từ khi tiến hành đổi mới cho đến nay. Đó là quá trình từng bước nâng dần vai trò quan trọng của biển từ tiếp cận trên bình diện kinh tế cho đến cách tiếp cận toàn diện ở cấp độ chiến lược.
Tiếp theo phiên toàn thể, Hội thảo chia làm 3 tiểu ban để tiếp tục làm việc theo các chủ đề chính: Lịch sử Việt Nam và Lịch sử Thế giới; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh; Khoa học Giáo dục.
Các đại biểu làm việc tại các tiểu ban của Hội thảo
Trong phần thảo luận, Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Bối cảnh và những thành tựu cũng như hạn chế của hơn 30 năm đổi mới và hội nhập; Thành quả của giáo dục Việt Nam trước và sau 1986 đến nay, đặc biệt là tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 hoặc chuyển đổi số sẽ có tác động như thế nào đến sự chuyển biến của giáo dục nước nhà; Làm rõ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay; Những di sản của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Sau 4 giờ làm việc tích cực, hiệu quả, Hội thảo khoa học “Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế” đã thành công tốt đẹp. Phát biểu tổng kết, TS Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh: các báo được trình bày tại Hội thảo thể hiện sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của các tác giả; các tiểu ban đều có thảo luận sôi nổi, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến các báo cáo; Hội thảo đã gợi mở cho các nhà khoa học nhiều khía cạnh nghiên cứu mới. Hi vọng rằng, trong thời gian tới, các Hội thảo khoa học của Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tham dự của các nhà khoa học trên khắp mọi miền của đất nước.
Phòng CTCT-HSSV