Hội thảo khoa học toàn quốc “Nghiên cứu và giảng dạy Hóa học”

Ngày 31 tháng 10 năm 2020, Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc Nghiên cứu và giảng dạy Hóa học. Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học, các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước.
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo
 
Phát biểu khai mạc, PGS,TS Đào Thị Việt Anh - Trưởng khoa Hóa học, Trưởng Ban Tổ chức khẳng định: Hội thảo Khoa học toàn quốc Nghiên cứu và giảng dạy Hóa học là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà giáo và các nhà quản lý giáo dục trao đổi, thảo luận, công bố các kết quả và định hướng nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy Hóa học đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay.
 
PGS,TS Đào Thị Việt Anh - Trưởng khoa Hóa học, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu khai mạc
 
Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Sau Thông báo số 1 về Hội thảo Khoa học toàn quốc Nghiên cứu và giảng dạy Hóa học, Ban Tổ chức đã nhận được 59 bài báo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có 40 nghiên cứu về khoa học giáo dục, 19 nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng. Các bài báo tập trung vào các vấn đề như: Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh; Đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở trường phổ thông; Phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên môn Hóa học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018; Hóa học vật liệu; Hóa học năng lượng và môi trường; Hóa học và các hợp chất tự nhiên; Hóa lý thuyết và hóa lý; Hóa sinh; Công nghệ Sinh học và nông nghiệp; Hóa phân tích... Điều đó cho thấy sự tiếp cận đa dạng, phong phú của các tác giả, nhóm tác giả về các vấn đề liên quan đến nghiên cứu và giảng dạy Hóa học.
 
PGS,TS Đặng Thị Oanh, Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông Hóa học 2018 trình bày báo cáo
 
TS Đào Văn Dương, Trường ĐH Phenikaa trình bày báo cáo
 
Dưới sự chủ trì của PGS, TS Đào Thị Việt Anh và PGS,TS Mai Xuân Dũng, tại phiên toàn thể, các đại biểu được nghe các báo cáo: “Định hướng kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong giảng dạy môn Hóa học”, Báo cáo viên - PGS,TS Đặng Thị Oanh, Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông Hóa học 2018, Nguyên Trưởng khoa Hóa học Trường ĐHSP Hà Nội; “Thu hồi năng lượng từ môi trường bằng máy phát điện Nano”, Báo cáo viên - TS Đào Văn Dương, Trường ĐH Phenikaa; “Tổ chức dạy học phát triển năng lực học sinh trong môn Khoa học tự nhiên”, Báo cáo viên - TS Phạm Thị Bích Đào, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
 
Các nhà khoa học trao đổi tại Hội thảo
 
Sau giờ nghỉ, Hội thảo tiếp tục làm việc tại hai tiểu ban:
Tiểu ban thứ nhất, Giảng dạy Hóa học, làm việc dưới sự chủ trì của PGS,TS Đặng Thị Oanh - Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông môn Hóa học 2018, Nguyên Trưởng khoa Hóa học Trường ĐHSP Hà Nội và PGS,TS Đào Thị Việt Anh - Trưởng khoa Hóa học Trường ĐHSP Hà Nội 2. Các bài báo được trình bày tại tiểu ban: “Dạy học STEM chủ đề Biodiesel theo quy trình 6E nhằm nâng cao năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh”, “Thiết kế và tổ chức dạy học chủ đề STEM phần Hóa học hữu cơ lớp 11 nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh”, “Nghiên cứu xây dựng, sử dụng bài tập Hóa học phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh trung học phổ thông”...
 
Các nhà khoa học làm việc tại Tiểu ban
 
Tiểu ban thứ hai, Nghiên cứu Hóa học với sự phát triển bền vững, chủ trì bởi PGS, TS Mai Xuân Dũng - Phó trưởng khoa Hóa học Trường ĐHSP Hà Nội 2 và TS Đào Văn Dương - Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trường ĐH Phenikaa. Các bài báo được trình bày tại tiểu ban: “Tổng hợp vật liệu tetracyanoquinondimetan với dẫn xuất của amino acid leucine”; “Khả năng bảo vệ chống ăn mòn thép của dịch chiết cúc hoa vàng trong môi trường nước muối”; “Phân lập các chất từ cặn dichloromethane của loài sao biển Anthenea Sibogae”...
 
Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
 
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS,TS Đào Thị Việt Anh - Trưởng Ban Tổ chức gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo và nhà lãnh đạo đã đến tham dự và có những đóng góp quý báu vào thành công của Hội thảo. Trưởng Ban Tổ chức mong muốn qua Hội thảo, các nhà giáo sẽ biến những thách thức trở thành cơ hội để góp phần đổi mới nền giáo dục Việt Nam.
 
Phòng CTCT-HSSV