Hội thảo khoa học Quốc gia “Ứng dụng những thành tựu nghiên cứu mới của ngôn ngữ học và văn học trong giảng dạy Ngữ văn”

Ngày 26 tháng 12 năm 2019, Trường ĐHSP Hà Nội 2 phối hợp với Chương trình ETEP và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Ứng dụng những thành tựu nghiên cứu mới của ngôn ngữ học và văn học trong giảng dạy Ngữ văn”.
Tham dự Hội thảo có: GS, TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS, TS Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn; GS, TS Trần Đình Sử, PGS, TS La Khắc Hòa, GS, TS Lê Huy Bắc - Trường ĐHSP Hà Nội; PGS, TS Vũ Công Hảo - Trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội; PGS, TS Ngô Thị Thanh Quý - Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP - Đại học Thái Nguyên...; các nhà khoa học, nhà quản lý, giáo viên cốt cán trường phổ thông các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Về phía Trường ĐHSP Hà Nội 2 có: PGS, TS Nguyễn Quang Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS,TS Phùng Gia Thế - Chủ tịch Hội đồng trường; TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; ThS, KS Vũ Quảng - Phó Hiệu trưởng; Các thầy cô lãnh đạo các đơn vị; Giảng viên Khoa Ngữ văn và đông đảo sinh viên trong trường.
 
2 (5)
 
TS Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc
 
Phát biểu khai mạc, TS Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo khẳng định: Chương trình Ngữ văn lần này đặt ra một vấn đề hết sức quan trọng, cũng là tư tưởng đổi mới xuyên suốt, chuyển từ dạy học và đánh giá học sinh theo tiếp cận nội dung sang dạy học và đánh giá HS theo tiếp cận năng lực. Bên cạnh những năng lực chung, môn Ngữ văn có nhiệm vụ hình thành và phát triển ở học sinh 02 năng lực đặc thù là năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học. Yêu cầu của Chương trình Ngữ văn 2018 đặt ra cho các cơ sở giáo dục và đào tạo giáo viên những đòi hỏi mới mà trọng tâm là bồi dưỡng, trang bị và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, sinh viên sư phạm cả về khoa học cơ bản, khoa học phương pháp và khoa học đánh giá. Đứng trước những yêu cầu đó, Hội thảo khoa học Quốc gia “Ứng dụng những thành tựu nghiên cứu mới của ngôn ngữ học và văn học trong giảng dạy Ngữ văn” là rất cần thiết để các nhà khoa học có thêm điều kiện trình bày, trao đổi, nêu và tham gia giải quyết các vấn đề mới của khoa học chuyên ngành và khoa học giáo dục Ngữ văn.
 
3 (4)
 
TS Nguyễn Thị Tuyết Minh - Phó trưởng Khoa Ngữ văn báo cáo đề dẫn Hội thảo
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS Nguyễn Thị Tuyết Minh - Phó trưởng Khoa Ngữ văn cho biết: Ban Tổ chức Hội thảo tiếp nhận được nhiều báo cáo khoa học từ các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa khoa học, những nhà giáo đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, học viện, trường phổ thông. Trong số rất nhiều báo cáo được gửi đến, 28 báo cáo đã được Hội đồng khoa học thẩm định và lựa chọn đăng trong kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia “Ứng dụng những thành tựu nghiên cứu mới của ngôn ngữ học và văn học trong giảng dạy Ngữ văn”. Các nghiên cứu tâm huyết và công phu đã cho thấy sự phong phú và đa dạng trong các góc độ tiếp cận vấn đề ngôn ngữ và văn học đối với việc giảng dạy Ngữ văn trong nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Dưới sự chủ tọa của GS, TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS,TS Bùi Minh Đức - Trưởng khoa Ngữ văn, Hội thảo đã góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm hệ thống tri thức khoa học của chuyên ngành đồng thời mở ra những cơ hội, điều kiện phát triển cho các lĩnh vực khác có liên quan, nhất là hoạt động nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn trong nhà trường. Dưới ánh sáng của các lí thuyết văn học và ngôn ngữ học hiện đại, chẳng những nhiều vấn đề khoa học của ngôn ngữ và văn học hay liên ngành Ngữ văn được giải quyết, được soi chiếu dưới nhiều cạnh khía khác nhau, tạo nên nhiều hướng nghiên cứu mới mà nhiều đổi thay theo chiều hướng tích cực và khoa học hơn trong giảng dạy Ngữ văn ở nhà trường cũng xuất hiện, dự báo những chuyển biến đáng quý trong công tác đào tạo giáo viên và giáo dục học sinh.
 
80335019 2494893770768623 2892867010243330048 o

PGS, TS Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên Chương trình môn Ngữ văn 2018 tham luận tại Hội thảo
Trong phần thảo luận, Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, trong đó có những trăn trở của các nhà khoa học, giảng viên và giáo viên cốt cán phổ thông về Chương trình Ngữ văn mới và những giải pháp để triển khai. Hy vọng rằng, những chia sẻ, trao đổi tại Hội thảo sẽ giúp mỗi đại biểu có thêm những động lực, những góc nhìn mới, những suy nghĩ, gợi ý cho các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng tiếp theo.  
81114912 2494893694101964 5439220603120779264 o

Các đại biểu, các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm 
 
Phòng CTCT-HSSV