Toàn cảnh Hội thảo
Sáng ngày 23 tháng 12 năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Dạy - học tiếng Việt trong bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế”.
Tham dự Hội thảo về phía Hội Ngôn ngữ học Việt Nam có: PGS,TS Nguyễn Lân Trung - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; GS,TS Nguyễn Văn Khang - Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam;
Dự Hội thảo có các chuyên gia đầu ngành, nhà biên soạn Chương trình GDPT 2018, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông 2018, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục trên khắp cả nước, các cơ quan thông tấn báo chí;
Về phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có: PGS,TS Phùng Gia Thế - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo; Các thầy cô trong Ban tổ chức, Giảng viên Khoa Ngữ văn, Khoa Giáo dục Tiểu học, Các nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên trong trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS,TS Nguyễn Lân Trung - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam chia sẻ: "Hội thảo khoa học quốc gia “Dạy - học tiếng Việt trong bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế” được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, các giảng viên, các chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục có cơ hội trao đổi, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm về việc dạy học tiếng Việt, góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra trong bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế".
PGS,TS Nguyễn Lân Trung - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS,TS Nguyễn Lân Trung cũng cho biết thêm, gần 100 công trình nghiên cứu đã được lựa chọn bao gồm các chủ đề:
Thứ nhất, những vấn đề của Việt ngữ học và tiếng Việt với tư cách là môn học, là công cụ trong dạy - học.
Thứ hai, những vấn đề về dạy - học tiếng Việt và dạy - học tiếng Việt ở các bậc học trong nhà trường.
Thứ ba, những vấn đề về dạy - học tiếng Việt ở vùng dân tộc thiểu số.
Thứ tư, những vấn đề về dạy - học tiếng Việt cho người nước ngoài.
Thứ năm, những vấn đề về công nghệ và các nhân tố xã hội - ngôn ngữ khác tác động đến việc dạy - học tiếng Việt trong nhà trường.
Các công trình này đã được biên tập kỹ càng để đưa vào Kỷ yếu với gần 1000 trang.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
"Chúng ta hết sức vui mừng vì hội thảo đã tạo ra được một diễn đàn học thuật nghiêm túc, chất lượng và rộng mở, thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu trong mái nhà chung Ngôn ngữ học... Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng rất nhiều trí tuệ và cảm xúc, rất nhiều hiểu biết và kinh nghiệm sẽ được chia sẻ tại diễn đàn hôm nay, mở ra các hướng tiếp cận mới, những sự phối hợp, liên kết mới trong học thuật giữa các cá nhân và các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung nhấn mạnh.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, TS Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: "Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là một trong 7 trường đại học sư phạm chủ chốt của Việt Nam. Sứ mệnh của nhà trường được xác định là: Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ khoa học trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ trình độ tiên tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học giáo dục, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục khu vực nông thôn và miền núi phía Bắc với khu vực thành thị, thiết lập mô hình tiêu biểu về mạng lưới kết nối giữa trường sư phạm với các trường phổ thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập của đất nước.
Trong những năm vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã và đang tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới giáo dục - đào tạo. Nhà trường đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham gia nhiều chương trình, dự án nghiên cứu về đổi mới giáo dục - đào tạo ở bậc đại học cũng như phổ thông, triển khai rà soát, cập nhật chương trình đào tạo, xây dựng mới chương trình đào tạo nhằm kịp thời cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu của xã hội và phục vụ cộng đồng".
TS Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phát biểu chào mừng tại Hội thảo
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng khẳng định, việc tham gia đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Dạy - học tiếng Việt trong bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế" là một hoạt động thiết thực để thực thi sứ mạng của nhà trường, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, hợp tác nghiên cứu và công bố khoa học giữa giảng viên, người học của nhà trường với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ hội thảo, đã diễn ra phiên toàn thể và phiên song song với 5 tiểu ban cùng thảo luận các đề tài.
Phiên toàn thể "Dạy - học tiếng Việt trong bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế" do PGS,TS Nguyễn Văn Khang - Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và PGS,TS Bùi Minh Đức - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chủ trì. Tại phiên toàn thể, có 3 nội dung tham luận được báo cáo gồm:
"Từ chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến sách giáo khoa Tiếng Việt - Ngữ văn" - GS,TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
GS,TS Nguyễn Minh Thuyết trình bày báo cáo tại Hội thảo
PGS,TS Đỗ Thị Thu Hương (Trường ĐHSP Hà Nội 2) trình bày báo cáo
"Sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học kể chuyện nhằm phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học" - Nguyễn Thị Cẩm Tú và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thị Tâm.
Nhà khoa học Nguyễn Thị Cẩm Tú trình bày tham luận
Sau các phần phát biểu tham luận, các đại biểu tham gia chương trình đã dành thời gian trao đổi, thảo luận, làm rõ thêm một số ý kiến xoay quanh các nội dung này.
Ban Tổ chức trao chứng nhận cho các báo cáo viên
Phiên song song diễn ra với hoạt động thảo luận của 5 tiểu ban:
Tiểu ban 1: Những vấn đề về dạy - học Tiếng Việt và dạy - học tiếng Việt ở đại học do GS,TS Trần Trí Dõi và PGS,TS Mai Thị Hảo Yến chủ trì.
Các đại biểu làm việc tại Tiểu ban 2
Tiểu ban 2: Dạy - học tiếng Việt ở mầm non và tiểu học do PGS,TS Đoàn Thị Tâm và PGS,TS Lê Thị Lan Anh chủ trì.
Tiểu ban 3: Dạy - học tiếng Việt ở trung học cơ sở, trung học phổ thông và ở vùng dân tộc thiểu số do PGS,TS Đỗ Thị Thu Hương và TS Trần Thị Thúy Liễu chủ trì.
Tiểu ban 4: Dạy - học tiếng Việt cho người nước ngoài do PGS,TS Mai Xuân Huy và TS Võ Thị Dung chủ trì.
Các đại biểu làm việc tại Tiểu ban 4
Tiểu ban 5: Những vấn đề của ngôn ngữ học và Việt ngữ học do PGS,TS Hoàng Tất Thắng và PGS,TS Trần Kim Phượng chủ trì.
Các đại biểu làm việc tại Tiểu ban 5
Là những giáo viên trực tiếp đứng lớp ở các bậc học, các báo cáo viên từ thực tế dạy - học đã phân tích, chỉ ra hiện trạng của dạy học tiếng Việt gắn với các phương pháp vừa mang tính nguyên tắc nhưng lại vừa linh hoạt, sao cho phù hợp với địa bàn của mỗi địa phương.
"Dạy – học tiếng Việt trong bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế" là một hội thảo quan trọng, nhằm tạo ra một diễn đàn giao lưu, chia sẻ và thảo luận về những vấn đề, những nghiên cứu, những kinh nghiệm và những giải pháp liên quan đến dạy và học tiếng Việt trong bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế, dạy và học tiếng Việt cũng đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới. Thách thức là làm sao nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy và học tiếng Việt, đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của xã hội, của thời đại, của sự phát triển khoa học và công nghệ. Cơ hội là tận dụng những tiến bộ trong lý luận và thực tiễn ngôn ngữ học, trong công nghệ thông tin và truyền thông, trong hợp tác quốc tế và trong sự đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài đến phát triển tiếng Việt.
Các đại biểu tham gia thảo luận về các nội dung tham luận
Sau các phần báo cáo và thảo luận, các báo cáo viên được trao giấy chứng nhận tham gia hội thảo và đọc báo cáo tại các tiểu ban.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo lần này cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu, các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạt động ngôn ngữ và các bạn sinh viên có thể trình bày, trao đổi và thảo luận về những vấn đề, nghiên cứu, kinh nghiệm và những giải pháp liên quan đến dạy và học tiếng Việt trong bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế.
Phòng CTCT-HSSV