• Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy

    • 00:00 04-10-2024

    Ngày 04/10/2024, tại Hội trường A1 Trường ĐHSP Hà Nội 2, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phối hợp với Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy.


    Các đại biểu tham dự Hội nghị

    Tham dự Hội nghị, về phía Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) có: Trung tá Phan Đăng Trung - Phó Trưởng Phòng 6; Thượng tá Bùi Đức Thiêm - Báo cáo viên; cùng các đồng chí trong Đoàn công tác;

    Về phía Trường ĐHSP Hà Nội 2 có: TS Trịnh Đình Vinh -  Phó Hiệu trưởng Nhà trường; các đồng chí trong BCH Đoàn Thanh niên, Ban Thư ký Hội Sinh viên Trường; Lãnh đạo và Trợ lý Chính trị các đơn vị đào tạo và gần 500 sinh viên trong Trường.

    Trung tá Phan Đăng Trung - Phó Trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) phát biểu tại Hội nghị

    Phát biểu tại Hội nghị, Trung tá Phan Đăng Trung - Phó Trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) khẳng định: Tội phạm và tệ nạn ma túy là một trong những hiểm họa mà thế giới cũng như Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt. Đồng thời là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều loại tội phạm khác, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Theo thống kê của Liên hợp quốc, thế giới hiện nay có gần 300.000.000 người lạm dụng ma túy, trong đó phổ biến nhất là cần sa, ma túy tổng hợp; Việt Nam có tổng số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người bị quản lý sau cai là hơn 220.000 người, trong đó số đang sống ở ngoài cộng đồng chiếm 51,2 %, tiềm ẩn nguy cơ rất cao tội phạm về ma túy và các loại tội phạm khác.

    Đáng chú ý, trong thời gian qua, tệ nạn ma túy ngày càng có xu hướng trẻ hóa và đang không ngừng xâm nhập vào học đường với nhiều loại ma túy thế hệ mới thay thế cho các loại ma túy truyền thống. Nhất là các loại ma túy núp bóng dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử cũng như việc sử dụng bóng cười trong giới trẻ đang diễn biến rất phức tạp. Thủ phạm của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, các đối tượng lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để sản xuất rất nhiều loại ma túy mới với hình thức bắt mắt, thu hút sự tò mò, khám phá của giới trẻ. Bên cạnh đó, tội phạm ma túy gia tăng các hoạt động lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Telegram… thu hút nhiều người tham gia, đối phó với cơ quan chức năng, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

    Trong khi hiện nay, một bộ phận giới trẻ còn chủ quan, nhận thức sai lầm khi cho rằng ma túy tổng hợp không gây nghiện hoặc khó nghiện; thậm chí tham gia tiếp tay hoặc trực tiếp phạm tội về ma túy. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên còn dàn trải, chưa được quan tâm hoặc thiếu trọng tâm, trọng điểm. Thống kê tính đến tháng 6/2024, toàn quốc có gần 2.200 học sinh, sinh viên nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy. Tình hình trên đang làm mất an toàn học đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác giảng dạy và học tập, đồng thời đặt ra nhiều lo ngại đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ - thế hệ tương lai của đất nước. 

    Đối với địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, qua theo dõi trong những năm qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có hơn 2.200 người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, đã phát hiện một số vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có liên quan đến học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Công an thành phố Vĩnh Yên cũng đã phát hiện một số em học sinh trường Trung học phổ thông, học sinh trường nghề trên địa bàn sử dụng loại ma túy dẫn đến ảo giác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

    Do vậy ngoài việc tập trung các giải pháp để ngăn chặn nguồn cung ma túy, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, nhất là đối với thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay, nhằm làm giảm nguồn cầu về ma túy. Trong thời gian qua, các cấp chính quyền và ban ngành, đoàn thể của tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực vào cuộc để cùng chung tay đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Trong đó Trường ĐHSP Hà Nội 2 một trong những đơn vị đã rất tích cực trong công tác này.

    TS Trịnh Đình Vinh -  Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2 phát biểu tại Hội nghị

    Phát biểu tại Hội nghị, TS Trịnh Đình Vinh -  Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2 cho biết: Hiện nay ma túy là vấn đề mang tính toàn cầu. Cuộc chiến phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy là một cuộc chiến vô cùng quyết liệt và đầy cam go. Các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã và đang không ngừng tăng cường hợp tác trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy với mục tiêu ngăn chặn, đầy lùi, tiến tới chỉ tiêu đẩy lùi ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

    Nhằm tuyên truyền đến viên chức, người lao động và người học trong Trường nắm bắt, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống và kiểm soát ma túy, từ đó nâng cao nhận thức đối với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Với mục đích đó, Trường ĐHSP Hà Nội 2 phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) tổ chức “Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy”.

    Thượng tá Bùi Đức Thêm - Báo cáo viên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an báo cáo tại Hội nghị

    Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để Báo cáo viên Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) tập huấn, trao đổi, thông tin đến viên chức, người lao động và sinh viên Nhà trường những nội dung cơ bản về nhận biết ma túy, công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy trong nhà trường: Về tình hình, tệ nạn ma túy trên địa bàn cả nước nói chung và tại tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng; những kiến thức cơ bản để nhận biết ma túy và tác hại của ma túy đối với các cá nhân, gia đình và xã hội; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy để nhân dân biết, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tệ nạn ma túy trong giới trẻ; Tuyên truyền một số nội dung cơ bản về ma túy như khái niệm về ma túy, những loại ma túy thường gặp, loại ma túy mới, đặc biệt là thuốc lá điện tử, tác hại của ma túy, thuốc lá điện tử đối với sức khỏe con người, hậu quả của tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy đối với gia đình và xã hội; cách phát hiện và phòng ngừa; trách nhiệm của Nhà trường trong phòng ngừa tệ nạn ma túy và việc giúp đỡ người nghiện.

    Sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội 2 trao đổi tại Hội nghị

    Tại Hội nghị, các bạn sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã đưa ra những câu hỏi, trao đổi, chia sẻ để làm rõ hơn những nội dung liên quan đến công tác phòng, chống ma túy trong Nhà trường. Đây cũng là dịp để viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về tác hại của ma túy, từ đó có biện pháp tuyên truyền hiệu quả từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong Nhà trường và trên địa bàn.

    Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

    Chúng ta tin tưởng rằng, với những kiến thức cơ bản được truyền tải trong Hội nghị sẽ giúp viên chức, người lao động và người học Trường ĐHSP Hà Nội 2 có những kiến thức, kỹ năng hữu ích để phòng ngừa, tránh xa tệ nạn ma túy, tự bảo vệ bản thân. Đồng thời sẽ là cầu nối để tuyên truyền, vận động những người xung quanh tránh xa ma túy góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Nhà trường tham gia đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy nói chung.

    Một số hình ảnh tại Hội nghị:







    Trung tâm Truyền thông và SXHL