Hội nghị triển khai công tác TTSP năm học 2015 - 2016 thành công tốt đẹp

Ngày 10 tháng 10 năm 2015, tại thành phố Nam Định - vùng đất có truyền thống hiếu học và khoa bảng, Hội nghị triển khai công tác thực tập sư phạm (TTSP) năm học 2015 - 2016 của Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã được tổ chức trọng thể và đã thu được kết quả tốt đẹp.

Thành phần dự hội nghị gồm có:
- Đại diện: ĐU, BGH, CTCĐ, BTĐTN; các PGS; Trưởng các đơn vị; Trưởng bộ môn PPGD các khoa, Trưởng Bộ môn TLGD của Trường ĐHSP Hà Nội 2.
- Đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT; Lãnh đạo các phòng GD&ĐT Trung học; Trưởng, Phó Ban chỉ đạo TTSP các trường phổ thông và Mầm non thuộc 10 tỉnh phía Bắc.

Hội nghị đã thành công ở ba phương diện: Công tác tổ chức tốt; nội dung hay và thiết thực; các ý kiến tham luận, trao đổi thẳng thắn và giải quyết được những vấn đề cấp thiết của công tác TTSP hiện nay.

Chủ toạ hội nghị gồm: TS. Nguyễn Văn Tuyến - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2; PGS.TS Nguyễn Quang Huy - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2; Nhà giáo Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định; Nhà giáo Nguyễn Văn Tám - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên; Nhà giáo Nguyễn Công Thành - Nguyên giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội 2.

Mở đầu hội nghị, TS. Nguyễn Văn Tuyến đã phát biểu khai mạc chỉ đạo. Các đại biểu đã được nghe Báo cáo tổng kết công tác TTSP năm học 2014 - 2015 và triển khai công tác TTSP năm học 2015 - 2016 của trường, do PGS.TS Nguyễn Quang Huy trình bày.

Hội nghị đã đề cập đến những vấn đề cốt lõi, cấp thiết của công tác TTSP: Các văn bản chỉ đạo công tác TTSP; Quy chế TTSP; Nội dung TTSP; Thời lượng TTSP; Quy trình hướng dẫn TTSP cho giáo sinh; Các công việc cụ thể của giáo sinh trong quá trình TTSP; Kiểm tra, đánh giá kết quả TTSP. 

Trong phần thảo luận, hầu hết các đại biểu đều nêu ra và khẳng định vai trò, trách nhiệm ngày càng cao của trường phổ thông đối với công tác TTSP hiện nay và nhấn mạnh công tác TTSP đã có tác động rất tốt đến các phong trào “dạy tốt - học tốt”,  tạo ra “ cầu nối hài hoà” giữa Trường ĐHSP Hà Nội 2 với trường phổ thông có sinh viên TTSP. Hoạt động và kết quả TTSP của giáo sinh ở phổ thông chính là “kết quả phản hồi thực tế” của công tác rèn nghề ở Trường ĐHSP Hà Nội 2.

Trong năm qua, các trường phổ thông đã tạo mọi điều kiện để giáo sinh được thực tập làm nghề dạy học: Thành lập Ban Chỉ đạo TTSP; Cử giáo viên hướng dẫn giỏi; Trang bị CSVC; Tổ chức đón tiếp và giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong qúa trình TTSP; Khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo sinh được làm việc chuyên môn như một giáo viên của trường; Tổ chức cho giáo sinh tham gia các hoạt động chuyên môn như: Sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, Hội thảo chuyên đề, Hội thi dạy giỏi, Hoạt động Câu lạc bộ học tập của học sinh...để giáo sinh được thực tập nghề trong một môi trường giáo dục thực tiễn, sinh động và phong phú. Ngược lại các giáo sinh đã đem đến trường phổ thông các cách tiếp cận, các phương pháp, cách thức tổ chức dạy học mới có ứng dụng những thành tựu khoa học giáo dục hiện đại, tạo ra một “luồng gió mới” tại nơi thực tập. Học sinh phổ thông rất mong muốn được tiếp cận các phương pháp học tập mới, rất phấn khởi vì được tổ chức các hoạt động học tập, ngoại khoá, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

- Về ý thức TTSP của giáo sinh, các đại biểu tham luận đều cho rằng hầu hết giáo sinh là có ý thức tốt, chịu khó học hỏi, cầu tiến bộ. Tuy nhiên vẫn còn giáo sinh chưa cố gắng trong thực tập, cá biệt có giáo sinh chưa chấp hành tốt quy định trong TTSP của trường.

- Về năng lực của giáo sinh, một số đại biểu khối trường Mầm non và Tiểu học cho rằng giáo sinh được trang bị kiến thức chuyên môn tốt, kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ và kỹ năng tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho trẻ là khá cao. Tuy nhiên một số đại biểu ở khối trường THPT lại cho rằng kỹ năng nêu trên ở nhiều giáo sinh còn hạn chế. 
 
- Về quỹ thời gian TTSP, đa số đại biểu nhất trí cho rằng thời gian 05 tuần cho đợt 1 và 07 tuần cho đợt 2 (được quy định tại mục 4, Điều 14 của Quy chế TTSP của Trường ĐHP Hà Nội 2  năm 2015) là hợp lý.

- Về nội dung TTSP, có đại biểu đề nghị chuyển việc bố trí cho giáo sinh nghe: “báo cáo tình hình trường” và “báo cáo về công tác Đoàn TNCS HCM” (được nêu tại mục 4 của Điều 17 của Quy chế trên) thành việc tổ chức các hội thảo chuyên đề về chuyên môn thì hợp lý hơn. Việc tìm hiểu tình hình trường và phong trào Đoàn nên bố trí vào dịp đón tiếp giáo sinh và nên để giáo sinh tự tìm hiểu, nghiên cứu.

- Về biểu mẫu, phụ lục của công tác TTSP, một số đại biểu cho rằng cần phải chỉnh sửa một số biểu mẫu cho hợp lý và nhất quán.
- Về kiểm tra, đánh giá kết quả TTSP, các tham luận đều nhất trí cho rằng kết quả TTSP những năm vừa qua là cao, tuy nhiên có chỗ chưa phản ánh đúng và khách quan, nhất là chất lượng thực tập giảng dạy.

Sau phần thảo luận, các đại biểu đã có những kiến nghị về từng lĩnh vực khác nhau của công tác TTSP. Những kiến nghị đó là: Các giáo sinh cần nắm chắc kiến thức môn học và biết các phương pháp dạy học tích cực khi thực tập giảng dạy; Tăng cường kỹ năng nghề nghiệp cho giáo sinh, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy học; Tăng cường kỹ năng tổ chức các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm sáng tạo cho học sinh; Nên có sự kết nối, liên thông giữa hai đợt TTSP. Việc đánh giá kết quả TTSP nên khách quan, chính xác và nên có hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể, khoa học hơn.

Một số nội dung TTSP đã được các đại biểu phân tích chỉ ra những khía cạnh trái chiều, nhưng tựu trung các ý kiến nêu ra đã được bàn luận, trao đổi thoả đáng tại diễn đàn, trong không khí giao lưu, học hỏi, có tính xây dựng cao, với tinh thần trách nhiệm, vì mục tiêu chung là đổi mới giáo dục và đào tạo. Đây chính là những điểm mới làm nên thành công của hội nghị.

Đoàn chủ toạ hội nghị kết luận:
- Chỉnh sửa các biểu mẫu, phụ lục về công tác TTSP.
- Thực hiện công tác TTSP theo đúng quy chế, quy định đã ban hành trên cơ sở sửa đổi, bổ sung hợp lý.  
- Trường ĐHSP Hà Nội 2 sẽ mời giáo viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ ở phổ thông đến dạy mẫu cho giáo sinh trong việc rèn nghề, đồng thời cử giảng viên về các trường phổ thông để cùng sinh hoạt chuyên môn và tham gia giảng dạy trong thời gian 1 tuần cho một đợt TTSP.
- Các trường phổ thông tích cực cộng tác với Trường ĐHSP Hà Nội 2 trong việc xây dựng phòng học bộ môn (trường vệ tinh) để thiết lập mô hình đào tạo mới (Kết nối Trung tâm NVSP của nhà trường với các trường vệ tinh thông qua các điểm cầu trực tuyến).
- Các trường phổ thông và các sở Giáo dục và Đào tạo cộng tác với Trường ĐHSP Hà Nội 2 trong việc xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
 
Thực tập sư phạm là một khâu quan trọng trong qúa trình đào tạo giáo viên. Theo tiếp cận năng lực, khâu TTSP được coi là một bước để giáo sinh tiến hành rèn luyện kỹ năng sư phạm bằng việc thực hiện nhiệm vụ dạy học và giáo dục trong một môi trường thực, sinh động, rất đa dạng và phong phú, đòi hỏi các cơ sở đào tạo giáo viên và các trường phổ thông phải có sự hỗ trợ, hợp tác gắn bó. Vì vậy vai trò, trách nhiệm của nhà trường sư phạm và của các trường phổ thông đối với công tác TTSP là rất lớn.

Để làm tốt khâu TTSP cần có các văn bản chỉ đạo, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên trong mối liên hệ cộng tác, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo giáo viên với trường phổ thông.

Việc tổ chức thành công hội nghị lần này khẳng định quyết tâm đổi mới đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của Trường ĐHSP Hà Nội 2.

 Một số hình ảnh của hội nghị:
 

TS.Nguyễn Văn Tuyến – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường ĐHP Hà Nội 2
khai mạc hội nghị


Đoàn chủ toạ hội nghị


PSG. TS. Nguyễn Quang Huy – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHP Hà Nội 2
trình bày Báo cáo tổng kết công tác TTSP năm học 2014-2015
và triển khai công tác TTSP năm học 2015 - 2016


Đại biểu tham luận về công tác TTSP


Toàn cảnh hội nghị

 
Bài và ảnh: Phạm Phú Cam, Phòng CTCT- HSSV.