Ngày 18/10/2024, Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức Hội nghị triển khai công tác Thực tập sư phạm, Thực tập chuyên ngành năm học 2024-2025
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tham dự Hội nghị, về phía đại biểu khách mời có đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo: Thành phố Hà Nội, tỉnh Yên Bái, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Thái Bình, Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc các tỉnh/thành: Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hải Dương, Yên Bái; Các thầy cô giáo là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của các trường Trung học phổ thông, Tiểu học, Mầm non thuộc các tỉnh thành miền Bắc;
Về phía các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp có: Ông Cố Triều Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, đại diện các đơn vị có sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội 2 đến thực tập chuyên ngành trong năm học 2024-2025.
Về phía Trường ĐHSP Hà Nội 2 có: PGS, TS Nguyễn Quang Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS, TS Phùng Gia Thế - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Các thầy cô trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu; Chủ tịch Công đoàn trường; Bí thư Đoàn thanh niên; Trưởng các đơn vị, Trưởng Bộ môn Phương pháp Giảng dạy của các đơn vị đào tạo trong trường.
TS Trịnh Đình Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2 phát biểu Khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS Trịnh Đình Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2 gửi lời chào mừng và cảm ơn chân thành đến các cơ quan, đơn vị trong thời gian qua đã tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ Nhà trường hoàn thành tốt chương trình đào tạo sinh viên các ngành sư phạm và ngoài sư phạm. Thầy Phó Hiệu trưởng cho biết: “Hội nghị triển khai công tác thực tập sư phạm, thực tập chuyên nghiệp là một trong các hoạt động thường niên có ý nghĩa rất quan trọng đối với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Đây là năm thứ hai, Hội nghị không chỉ triển khai công tác thực tập cho các ngành đào tạo giáo viên, mà còn triển khai thực tập chuyên ngành đối với các ngành đào tạo ngoài sư phạm.
Thông qua Hội nghị, nhà trường sẽ lắng nghe những ý kiến trao đổi, góp ý của các nhà tuyển dụng, của các đơn vị sử dụng sản phẩm đào tạo của nhà trường, để từ đó có điều chỉnh chiến lược, giúp cho các hoạt động đào tạo ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Trải qua gần 60 năm phát triển và 50 năm đào tạo Xuân Hòa, hiện nay, Trường ĐHSP Hà Nội 2 đang là cơ sở giáo dục đại học công lập chất lượng, kinh nghiệm và uy tín. Nhà trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên trẻ đầy nhiệt huyết, giàu năng lực và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Nhà trường hiện đang đào tạo 23 ngành đại học, 16 chuyên ngành thạc sĩ, 06 chuyên ngành tiến sĩ và nhiều chương trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Nhà trường cũng không ngừng hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Không chỉ là một cơ sở giáo dục đại học chủ chốt của quốc gia trong lĩnh vực sư phạm, Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã và đang từng bước phát triển theo định hướng đổi mới, sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là các ngành đào tạo giáo viên, cũng như sự phát triển của các ngành ngoài sư phạm như Ngôn ngữ, Công nghệ thông tin...
Trường ĐHSP Hà Nội 2 hứa hẹn là một điểm đến tin cậy, đảm bảo thực hiện tốt sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực khởi nghiệp, cung cấp những giải pháp đổi mới, sáng tạo phục vụ tăng trưởng và tiến bộ xã hội”.
Thầy Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh: “Thực tập là giai đoạn trung gian vô cùng quan trọng trong quá trình đào tạo, là khâu rèn nghề tổng hợp cuối cùng trước khi sinh viên tốt nghiệp.
Thông qua các hoạt động thực tập, sinh viên được thực hành những lý thuyết giáo dục đã được trang bị trong trường đại học; qua đó, tiếp tục hoàn thiện những năng lực cần có. Đây cũng là khoảng thời gian giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và môi trường nghề nghiệp trong tương lai.
Trong những năm qua, nhà trường đã không ngừng mở rộng mạng lưới đối tác, từ các cơ sở giáo dục công lập đến các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cùng sự tham gia của các hiệp hội, tập đoàn và doanh nghiệp. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn giúp sinh viên của nhà trường được trả lương trong thời gian thực tập và có cơ hội có việc làm đúng chuyên ngành ngay sau khi tốt nghiệp, hoặc thậm chí có việc làm trước khi tốt nghiệp.
Đây là một minh chứng rõ ràng cho sự uy tín và vị thế của Trường ĐHSP Hà Nội 2 trong mắt các nhà tuyển dụng và xã hội”.
Tiến sĩ Trịnh Đình Vinh cũng hy vọng, Hội nghị triển khai công tác thực tập sư phạm, thực tập chuyên ngành năm học 2024-2025 sẽ mang lại nhiều thông tin quý báu để Trường ĐHSP Hà Nội 2 có thể điều chỉnh chiến lược phát triển, đặc biệt, trong việc định hướng mở các ngành đào mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng trong khu vực và thế giới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
PGS, TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐHSP Hà Nội 2 báo cáo tại Hội nghị
Tiếp theo Chương trình, PGS, TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐHSP Hà Nội 2 báo cáo Tổng kết công tác thực tập sư phạm và thực tập chuyên ngành năm học 2023-2024. Báo cáo tổng kết thực tập năm học 2023-2024 cho thấy, mặc dù vẫn còn những hạn chế khó tránh, song về cơ bản, giáo sinh thực tập được đánh giá tốt về chuyên môn và năng lực sư phạm; có ý thức thực hiện nghiêm túc các quy định thực tập giảng dạy, đảm bảo tốt các bước lên lớp; biết lập kế hoạch dạy học, dự giờ, soạn bài, chuẩn bị đồ dùng dạy học; chủ động duyệt kế hoạch bài giảng/giáo án với giáo viên hướng dẫn. Đa số sinh viên đã biết vận dụng các phương pháp dạy học mới, biết vận dụng một số hình thức dạy học sinh động; nắm bắt được các nhiệm vụ cơ bản của công việc giảng dạy như nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, lập kế hoạch soạn giảng theo chuẩn kiến thức kỹ năng của từng khối, lớp; Dưới sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của giáo viên hướng dẫn, các sinh viên đã có tiến bộ rõ rệt trong khâu kế hoạch bài giảng/giáo án, thao tác kỹ năng dạy học.
Phần lớn sinh viên làm tốt công tác chủ nhiệm lớp, thể hiện được năng lực sư phạm trong công tác giáo dục. Đa số sinh viên nắm được chức năng nhiệm vụ của người giáo viên chủ nhiệm, nắm được tâm lý của học sinh phổ thông, biết vận dụng kiến thức đã học vào công tác giáo dục, biết tổ chức điều hành các hoạt động tập thể, biết lập kế hoạch chủ nhiệm cụ thể, phù hợp với đặc điểm của trường, của lớp chủ nhiệm.
Về thực tập chuyên ngành: Các cơ sở thực tập đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, giao lưu và đảm bảo an ninh sinh hoạt cho các sinh viên yên tâm thực tập. Phần lớn các cơ sở thực tập có vị trí gần trường, các cơ sở thực tập xa có hỗ trợ về nơi ở, phí đi lại, thuận tiện cho sinh viên thực tập.
Trong thời gian thực tập chuyên ngành, sinh viên luôn nghiêm túc chấp hành mọi nhiệm vụ được giao. Sinh viên được trải nghiệm tích cực trong môi trường thực tiễn, học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Môi trường làm việc thoải mái, chế độ đãi ngộ tốt.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụ, năm học 2023-2024 là năm học đầu tiên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đi thực tập sư phạm có hưởng lương. Mặc dù mức lương không cao, nhưng là sự hỗ trợ, động viên đối với sinh viên nhà trường.
Một số cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục ngoài công lập như: Vinschool, FPT Schools, Edison Schools, Phenikaa School, Archimedes, Newton Grammar School... đã trở thành đơn vị đối tác, tiếp nhận sinh viên thực tập trong thời gian qua.
Có một số vấn đề liên quan đến quá trình thực tập của sinh viên đã được các đối tác đề cập. Thứ nhất, các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đề xuất nhà trường tăng thời lượng thực tập sư phạm đối với sinh viên. Nhà trường sẽ áp dụng với sinh viên kể từ khóa tuyển sinh năm 2024 này (tức là sau 3 năm nữa), thời lượng sẽ được tăng lên.
Thứ hai, rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, hệ thống giáo dục kiến nghị kết hợp thực tập với hoàn thiện công tác tốt nghiệp
Thứ ba, phối hợp giữa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 với nhà sử dụng lao động trong suốt quá trình đào tạo - đây là kiến nghị được đề cập nhiều nhất đối với thực tập chuyên ngành.
Một điểm mới trong chương trình đào tạo sắp tới đối với chương trình đào tạo hiện hành, đó là, sinh viên sẽ bắt đầu kiến tập nghề từ năm thứ hai, tại các tập đoàn, hệ thống giáo dục.
Trưởng phòng Đào tạo cũng đề cập đến một số ngành mới tuyển sinh tại nhà trường: “Trước hết, đối với ngành đào tạo giáo viên, năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được phép đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý. Đến năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên. Đây là ngành đào tạo giáo viên tích hợp cho các trường trung học cơ sở. Như vậy, từ năm 2025, không chỉ có các trường mầm non, tiểu học hay trung học phổ thông, mà sẽ phải có thêm các trường trung học cơ sở để sinh viên các ngành này đi thực tập.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được đề xuất từ 4 hệ thống giáo dục đề cập đến việc muốn tuyển giáo viên có thể dạy môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Đây là một vấn đề mới đối với nhà trường, bởi, năm nay, nhà trường mới bắt đầu tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, và như thế, định hướng của nhà trường cũng sẽ hướng tới mở ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên (dạy học bằng tiếng Anh).
Đối với các ngành ngoài sư phạm: Năm 2024, nhà trường bắt đầu tuyển sinh đào tạo ngành Tâm lý học, ngành Công nghệ sinh học, Khoa học vật liệu, Quản lý thể dục thể thao. Hiện tại, trường cũng đang trong lộ trình xây dựng đề án để mở 3 ngành mới: Kỹ thuật hóa học, Toán ứng dụng, Kỹ thuật sinh dược”.
TS Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm báo cáo tại Hội nghị
Tiếp đó, các đại biểu được nghe TS Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm báo cáo “Một số vấn đề cơ bản trong quy định về thực tập sư phạm năm học 2024-2025”. Báo cáo tập trung vào các nội dung như: Những vấn đề chung; Nhiệm vụ và quyền hạn; Nội dung thực tập Sư phạm; Đánh giá kết quả thực tập Sư phạm; Khen thưởng và kỷ luật; Tổ chức thực hiện.
Sau phiên toàn thể, Hội nghị chia làm 4 tiểu ban để tiếp tục làm việc, gồm có: Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị đối tác thực tập chuyên ngành, khối trung học phổ thông, khối giáo dục tiểu học, khối giáo dục mầm non. Đây chính là diễn đàn để nhà trường tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà giáo, nhà tuyển dụng lao động tham dự Hội nghị, nỗ lực cải tiến chất lượng đào tạo.
Tiểu ban 1 tập trung thảo luận về các nội dung: Sự hỗ trợ của các đơn vị sẽ tiếp nhận học viên cao học của nhà trường đến thực tập, thực tế từ năm 2025; Các kiến thức, kỹ năng cần bổ trợ thêm cho sinh viên đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại các cơ quan, doanh nghiệp; Tiếp tục tham vấn liên quan đến mở thêm các ngành đào tạo mới và phát triển ngành; Thời gian triển khai thực tập sư phạm và thực tập chuyên ngành trong tổng thể chương trình đào tạo; Nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị; Quy trình cử sinh viên đi thực tập và công tác quản lý sinh viên khi tham gia thực tập sư phạm, thực tập chuyên ngành; Sự phối hợp, hợp tác của các đơn vị đối tác trong việc xây dựng mạng lưới việc làm cho người học…
Tiểu ban 2, 3, 4 tập trung thảo luận các nhóm nội dung: Các giải pháp nâng cao chất lượng thực tập sư phạm; Những kiến thức, kỹ năng cần trang bị thêm cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu dạy học và giáo dục phẩm chất, năng lực học sinh; Góp ý cho quy chế về thực tập sư phạm của Trường ĐHSP Hà Nội 2; Khó khăn của các trường khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và kiến nghị hỗ trợ đối với Trường ĐHSP Hà Nội 2.
Các đại biểu làm việc tại Tiểu ban
Thông qua các ý kiến thảo luận của các đại biểu, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sẽ có những điều chỉnh phù hợp để công tác thực tập sư phạm, thực tập chuyên ngành ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao và khẳng định chất lượng đào tạo.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
Theo Kế hoạch của Trường ĐHSP Hà Nội 2, năm học 2024-2025, sinh viên K48 sẽ thực tập sư phạm trong thời gian 5 tuần từ ngày 21/10 đến 24/11/2024, sinh viên K47 thực tập sư phạm trong 7 tuần.
Trung tâm Truyền thông và SXHL