Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của cả nước trong các lĩnh vực khoa học: GS,TS Phùng Hữu Phú - Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; GS,TS Hoàng Chí Bảo - Nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương; Tổng Giám đốc Nguyễn Tử Quảng - Tập đoàn Công nghệ BKAV; Chuyên gia Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam; Chuyên gia Phạm Chi Lan - Nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; GS,TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; GS,TS Tô Duy Hợp - Viện trưởng Viện Trí Việt; GS,TS Hồ Sĩ Quý - Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam; GS,TS Nguyễn Hữu Khiển - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia;…
Về phía Trường ĐHSP Hà Nội 2 có: PGS,TS Nguyễn Quang Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS,TS Phùng Gia Thế - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; Lãnh đạo các đơn vị, các bạn sinh viên trong trường và các cơ quan thông tấn báo chí.
TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo khẳng định: “Ý chí, khát vọng của mỗi quốc gia, dân tộc luôn là điều kiện căn bản, là động lực chủ yếu để khẳng định giá trị lịch sử và bản lĩnh phát triển. Tùy theo từng thời kỳ, từng giai đoạn mà ý chí, khát vọng ấy sẽ được các nhà lãnh đạo, quản lý đất nước cụ thể hóa bằng những đường lối, chính sách khác nhau. Trong giai đoạn hiện nay, khát vọng phát triển đất nước được Đảng, Nhà nước ta đề ra chính là hướng tới xây dựng một quốc gia phồn vinh, hùng cường và hạnh phúc. Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó, việc phát huy vai trò của nguồn lực trí tuệ và tiềm năng trí tuệ với tư cách là nguyên khí quốc gia đang là yếu tố quyết định cho sự nghiệp chấn hưng đất nước, là chiến lược cơ bản của quốc gia, nhất là trong xu hướng phát triển kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế, hợp tác và cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Nhằm góp phần lan tỏa thông điệp của Đại hội XIII: “…khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”, đồng thời thiết thực chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập Trường ĐHSP Hà Nội 2 (1967-2022), Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo Quốc gia “Trí tuệ Việt trong sự nghiệp chấn hưng đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hùng cường”. Từ lý luận đến thực tiễn, Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, quý vị đại biểu cùng trao đổi những ý kiến thẳng thắn, khoa học và tâm huyết; đồng thời cũng chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp trong quá trình nghiên cứu, thực hiện chính sách thu hút nhân tài, sử dụng trí thức nhằm giúp cho chúng ta có những hiểu biết sâu sắc hơn các vấn đề lý luận và thực tiễn xoay quanh nguồn lực trí tuệ Việt Nam. Từ đó, góp phần hiệu quả hơn nữa vào việc khơi dậy, phát huy vai trò của nguồn lực trí tuệ trong sự phát triển của các đơn vị, các cấp, các ngành và trong sự nghiệp chấn hưng đất nước.”.
TS Trần Thị Hồng Loan - Trưởng khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Phó trưởng Ban tổ chức Hội thảo báo cáo đề dẫn
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS Trần Thị Hồng Loan - Trưởng khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Phó trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho biết: “Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 111 bài viết có chất lượng. Các báo cáo đã tiếp cận chủ đề ở nhiều khía cạnh, nội dung khác nhau. Đó là những báo cáo thể hiện sự tâm huyết và công phu nghiên cứu của các nhà khoa học, cùng nỗ lực hướng tới nhận thức về tầm quan trọng của trí tuệ Việt đối với sự nghiệp chấn hưng đất nước.”.
Tại Hội thảo các đại biểu được nghe những báo cáo của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực khác nhau:
GS,TS Phùng Hữu Phú - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng khẳng định, đã đến lúc phải thật sự xem trí thức, hiền tài là nguyên khí của một quốc gia khát vọng phồn vinh, hạnh phúc. Để trí thức có thể tận hiến, cần có các giải pháp mang ý nghĩa đột phá từ nhận thức, đến thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thu hút trọng dụng nhân tài, quan tâm đến nhu cầu của trí thức để phát huy dân chủ, tự do sáng tạo. Đổi mới chính sách tiền lương và gắn kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với xây dựng trí thức, trọng dụng nhân tài.
GS,TS Phùng Hữu Phú - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng; GS,TS Hoàng Chí Bảo - Nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương và TS Trần Thị Hồng Loan - Trưởng khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chủ trì phiên toàn thể tại Hội thảo
Trong báo cáo của mình về trách nhiệm lịch sử và hành động sáng tạo của trí thức Việt Nam, GS,TS Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia cao cấp nhận định: Nuôi dưỡng, phát triển và phát huy tài nguyên con người là con đường cơ bản để tăng trưởng vốn xã hội, phát triển thực lực quốc gia, khẳng định trên thực tế thế và lực của đất nước trong cuộc đua tranh quốc tế để phát triển nhanh và bền vững, hội nhập thành công và đổi mới thắng lợi.
Muốn như vậy, việc lãnh đạo tri thức phải đúng và khéo dựa trên sự thấu hiểu và tin cậy trí thức. Hạnh phúc là chỉ số cao nhất của phát triển, đó là phát triển bền vững và thụ hưởng hạnh phúc đích thực phải là nhân dân. Đảng, Nhà nước và trí thức cùng với toàn dân, toàn xã hội nêu cao quyết tâm - tín tâm - đồng tâm biến cơ hội, khả năng thành hiện thực phát triển.
Để thực hiện khát vọng đó, trí thức cần đổi mới và sáng tạo. GS,TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình Giáo dục Phổ thông năm 2018 nhấn mạnh những đặc điểm của trí thức, mọi sáng tạo của trí thức chỉ có giá trị khi dựa trên hiểu biết sâu sắc về lý luận và thực tiễn, với mục tiêu phục vụ xã hội.
Soi chiếu trong lịch sử, các hoạt động “cầu hiền” được nhiều triều đại Việt Nam coi trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn sáng suốt của một vĩ nhân đã trở thành lãnh tụ điển hình của việc thu hút trí thức, sử dụng nhân tài. Người đã cảm hóa, thuyết phục nhiều nhân sĩ, trí thức tài ba để họ đem khả năng phục vụ Tổ quốc.
GS,TS Hồ Sĩ Quý - Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam đặt ra yêu cầu đối với Đảng, Nhà nước: Cần có cơ chế, chính sách để phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm của trí thức; Cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài.
PGS,TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích khái niệm trí tuệ trong suy tư về xây dựng, phát huy nguồn lực trí tuệ của Việt Nam. Đội ngũ trí thức chính là hạt nhân của lực lượng lao động trí tuệ Việt Nam. Đây cũng chính là quan điểm, định hướng quan trọng cần quán triệt trong nghiên cứu vấn đề xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm đó, TS Ngô Thị Lan Hương - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng: Cần một chiến lược đột phá, đúng đắn, bền vững, lâu dài trong tổng thể chiến lược phát triển con người nhằm góp phần xây dựng đội ngũ đông đảo người tài, không chỉ có cán bộ các cấp mà mở rộng trong các lĩnh vực, ngành nghề, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Chuyên gia Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam đặt ra yêu cầu “Làm thế nào để hiện thực hóa khát vọng?”. Ông nhấn mạnh cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cần tạo ra những bước đột phá mới có tác động hội tụ và lan tỏa từ trung tâm đến ngoại vi trong bối cảnh thế giới đang vận động rất nhanh.
Là một đại diện tiêu biểu cho trí thức Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong chia sẻ của mình tại Hội thảo, CEO Nguyễn Tử Quảng đã gửi gắm khát vọng Việt Nam sẽ trở thành con rồng thứ 5 của châu Á tới thế hệ trẻ. Để làm được điều đó, hàng ngũ trí thức trẻ phải có hoài bão, ước mơ và dám dấn thân trong sự nghiệp hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của nước nhà.
Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Tại Hội thảo, đại biểu thảo luận về các chủ đề chính như: Trí thức - một số vấn đề lý luận; Vai trò của trí thức Việt Nam - Lịch sử và hiện tại; Giải pháp phát huy vai trò của trí thức Việt Nam hiện nay.
Các nhà khoa học đều thống nhất quan điểm trí thức là đội ngũ tinh hoa cả về trình độ và nhân cách của dân tộc, để trí thức phát huy vai trò tiên phong của mình thì một môi trường để cống hiến là vô cùng cần thiết.
Khát vọng hùng cường là mục tiêu, mong muốn cháy bỏng của mọi quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, một dân tộc có truyền thống yêu nước, đoàn kết, văn hiến, anh hùng... khát vọng phát triển đất nước là một sức mạnh nội sinh phi thường, cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt tiến trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Để khát vọng hùng cường không chỉ là "giấc mơ" mà sẽ trở thành hiện thực, chúng ta cần nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó trí tuệ, trí thức, nhân lực đóng vai trò quyết định.
Phòng CTCT-HSSV