Tọa đàm "Văn học và Lịch sử" với các nhà văn được giải thưởng về Văn học nghệ thuật

14h00 ngày 18/9/2018, tại Hội trường 14/8 trường ĐHSP Hà Nội 2, khoa Ngữ văn đã tổ chức Tọa đàm về chủ đề “Văn học và lịch sử” với các nhà văn, nhà phê bình văn học được giải thưởng về văn học nghệ thuật.
 

 

Mục tiêu của buổi tạo đàm là: (i) Giúp giảng viên, sinh viên, học viên cao học Khoa Ngữ văn phát triển năng lực nghề nghiệp (năng lực văn học) thông qua hoạt động nghiên cứu, trao đổi chuyên môn với các nhà văn, nhà phê bình lớn về các vấn đề văn học và lịch sử; (ii) Giúp giảng viên, sinh viên các khoa thuộc lĩnh vực khoa học xã hội của trường ĐHSP Hà Nội 2 cập nhật, mở rộng kiến thức về các vấn đề có liên quan; (iii) Tăng cường mối quan hệ hợp tác nghiên cứu, đào tạo giữa Khoa Ngữ văn với các cơ sở nghiên cứu, giáo dục - đào tạo, truyền thông và các nhà văn, nhà phê bình có uy tín cao trong lĩnh vực văn học nghệ thuật; (iv) Tạo động lực, truyền cảm hứng say mê học tập, nghiên cứu văn chương cho giảng viên, học viên cao học và sinh viên Khoa Ngữ văn; (v) Góp phần quảng bá các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, giảng dạy… của khoa Ngữ văn nói riêng, Trường ĐHSP Hà Nội 2 nói chung tới các bên liên quan, qua đó, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của nhà trường.

Khách mời của buổi tọa đàm là những nhà văn đã được giải thưởng về văn học nghệ thuật và các nhà phê bình văn học có uy tín:  Nhà văn văn Hoàng Quốc Hải - tác giả của bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng Bão táp triều Trần nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái  - Vì tình yêu Hà Nội năm 2008; Nhà văn Trần Thanh Cảnh -  tác giả của cuốn tiểu thuyết lịch sử Đức Thánh Trần, tập truyện Đại gia và ba bà vợ và tập truyện ngắn Kỳ nhân làng Ngọc đã đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015; Nhà phê bình văn học, nhà báo Nguyễn Hoài Nam đến từ Truyền hình Nhân dân; PGS.TS Phùng Gia Thế, Trưởng phòng Đào đạo Trường ĐHSP Hà Nội 2 - nhà phê bình, nhà văn, đồng thời là cựu sinh viên khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội 2.
 
Nhà văn Hoàng Quốc Hải và  PGS.TS Bùi Minh Đức - Trưởng khoa Ngữ văn
 
Nhà văn Trần Thanh Cảnh
 
Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam

 

Tham dự trao đổi với các nhà văn, nhà phê bình là toàn thể cán bộ giảng viên của khoa Ngữ văn, gần 700 học viên cao học, sinh viên khoa Ngữ văn cùng các các thầy, cô giáo là lãnh đạo, giảng viên các khoa: Giáo dục Chính trị, Lịch sử, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, TTGD Quốc phòng An ninh Hà Nội 2.

Buổi tọa đàm còn có sự hiện hiện của BGH, các thầy cô giáo dạy Ngữ văn của các trường THPT Xuân Hòa, THPT Bến Tre, THPT Hai Bà Trưng, THPT Bình Xuyên, THPT Trần Hưng Đạo (Vĩnh Phúc), THPT Kim Anh (Hà Nội).

Đến đưa tin cho buổi tọa đàm là các phóng viên đến từ Truyền hình Nhân dân. Đường link tới Truyền hình nhân dân http://nhandantv.vn/dua-van-hoc-ve-lich-su-den-gan-voi-sinh-vien-n86988.htm

 

Giảng viên khoa Ngữ văn và giáo viên THPT chụp ảnh lưu niệm với các nhà văn, nhà phê bình

 

Là những tác giả thành công với các bộ tiểu thuyết lịch sử, nhà văn Hoàng Quốc Hải và Trần Thanh Cảnh đã đem đến cho cử tọa nhiều thông tin hữu ích. Nhà văn Hoàng Quốc Hải trình bày quan điểm của mình về tính chân thực khách quan trong các bộ chính sử, sự khác biệt giữa tính chân thực của lịch sử và giá trị hiện thực của tác phẩm văn chương; tài năng, dũng khí của người cầm bút viết tiểu thuyết lịch sử; sự kì công đọc sách, đi điền dã, suy tư… để có được tác phẩm. Nhà văn Trần Thanh Cảnh chia sẻ suy nghĩ của mình không giải thiêng lịch sử mà bằng tác phẩm giải những điểm mờ… trong chính sử. Tác giả bày tỏ lí do chọn  viết về Đức Thánh Trần; về sự vô biên trong trí tưởng tượng của nhà văn; về “gia vị” sex trong tác phẩm; thậm chí cả về lí do từ một dược sĩ, thương gia lại tham gia sáng tác văn chương. Là người thường xuyên, quan tâm, theo sát đời sống văn học đương đại, đặc biệt là thể tài tiểu thuyết lịch sử, nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam đã đưa đến buổi tọa đàm thêm một tiếng nói có trọng lượng. Anh cung cấp thêm nhiều thông tin hấp dẫn về sử, dã sử và tiểu thuyết lịch sử, ví dụ như giải thích tên thái hậu Dương Vân Nga có tự bao giờ? Ngoài sự bình giá tác phẩm của nhà văn Hoàng Quốc Hải, Trần Thanh Cảnh, nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam còn mở rộng khái quát, so sánh nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử đương đại. Anh phê bình một số bộ tiểu thuyết lịch sử không thành công, làm lệch lạc nhân vật lịch sử, có nhiều chi tiết giống phim chưởng Hồng Kông… PGS.TS. Phùng Gia Thế cùng các thầy cô giáo ở các trường THPT và học viên, sinh viên đã khiến buổi tọa đàm thêm sôi nổi với các câu hỏi “hóc búa” nhưng “thú vị”: Tại sao nhà văn không chọn những nhân vật đa chiều như Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Trần Khánh Dư… mà lại chọn Đức Thánh Trần? Nhà văn, nhà phê bình có sống giàu có bằng nghề nghiệp của mình hay không? Dạy bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trong SGK Ngữ văn ra sao khi bên cạnh đó là hình tượng văn học Đức Thánh Trần?...

 

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh - Phó trưởng khoa Ngữ văn và  các nhà văn, nhà văn phê bình văn học

 

Những trao đổi sôi nổi của các đại biểu và cử tọa đã khiến buổi tọa đàm kéo dài đến 17h30 mới kết thúc. Nhiều GV phổ thông, học viên cao học và sinh viên vẫn nán lại tiếp tục trò chuyện với các nhà văn, nhà phê bình. Hoạt động tặng sách của các nhà văn cho giảng viên, GV và SV; chụp ảnh lưu niệm đã kết thúc một buổi tọa đàm văn học bổ ích và lý thú.

Tiếp nối thành công của buổi tọa đàm này, khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc trao đổi chuyên môn, học thuật với các nhà văn, nhà phê bình văn học có uy tín khác mà trước hết sẽ là các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm được đề xuất giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới…
 
Khoa Ngữ văn