Khoa Lịch sử tổ chức Seminar “Dai Viet’s Resistance war against the Mongols in the regional and global context” với sự chia sẻ của GS. TS. Momoki Shiro

Vào 14h00 ngày 29/03/2023, tại Phòng họp 207 – A4, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Khoa Lịch sử tổ chức seminar chuyên môn với chủ đề “Dai Viet’s Resistance war against the Mongols in the regional and global context” do GS. TS. Momoki Shiro – chuyên gia JICA, Trường Đại học Việt - Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ. GS.TS Momoki Shiro hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu Văn hóa Đông Á (Tohogakkai), thành viên Hội đồng Khoa học Nhật Bản, Ủy ban nghiên cứu Lịch sử. Buổi chia sẻ diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên cũng như các giáo viên dạy bậc phổ thông từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Trong buổi trao đổi này, GS.TS Momoki Shiro thể hiện một cái nhìn độc đáo khi kết hợp toàn cầu hóa và giáo dục lịch sử. Giáo sư thông qua việc trình bày những định hướng cải cách của giáo dục lịch sử từ sau năm 1945 đến nay, đã trình bày một thí nghiệm do ông và một nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Osaka tiến hành về toàn cầu hóa và giáo dục lịch sử, cụ thể là về Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nước Đại Việt thế kỷ XIII.

Báo cáo viên làm rõ, từ đầu thế kỉ XX, Nhật Bản tiến hành cải cách giáo dục, trong đó có giáo dục Lịch sử. Xác định mục đích học Lịch sử là giúp người học biết cách tư duy và kết nối những vấn đề trong cuộc sống hiện tại với các vấn đề đã từng xảy ra trong quá khứ. SGK ở trường phổ thông không chỉ chú trọng định hướng tìm hiểu những nội dung từ lịch sử chính trị - kinh tế như trước đây mà còn quan tâm đến các vấn đề văn hóa - xã hội; từ nhìn nhận lịch sử của các quốc gia biệt lập đến tiếp cận lịch sử từ quan hệ quốc tế và sử dụng phương pháp đối chiếu- so sánh gắn với các quan điểm toàn cầu – khu vực – quốc gia – địa phương.

Từ quan điểm giáo dục này, GS.TS Momoki đã giới thiệu về Đế chế Mông Cổ trong sự đối sánh với thể chế chính trị, các hoạt động quân sự của Đế quốc Mĩ. GS xem xét cuộc chiến tranh xâm lược của quân Nguyên Mông dưới cái nhìn sử học toàn cầu, nhấn mạnh đến những khía cạnh giao lưu văn hóa, di cư tôn giáo, thương mại xuyên quốc gia và dịch bệnh toàn cầu. Với cách tiếp cận mới này, nhiều ý tưởng mới mẻ, độc đáo đã được giáo sư gợi mở.

Những thông tin trao đổi quý giá mà GS. TS Momoki Shiro đã cung cấp, gợi ý, thúc đẩy sự hình thành, phát triển hướng nghiên cứu, tìm tòi mới mẻ đối với cán bộ, giảng viên, sinh viên trong và ngoài Khoa Lịch sử. Đồng thời đây cũng là sự kiện tạo ra cơ hội giao lưu và hợp tác với các nhà khoa học thuộc các cơ sở đào đạo, nghiên cứu ở trong và ngoài nước.

Một số hình ảnh buổi seminar: