Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 – 53 năm xây dựng và trưởng thành

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được thành lập theo quyết định số 128/CP của Hội đồng Chính phủ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục ngày 14/8/1967. Kể từ đó đến nay, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời đại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cùng với các trường đại học sư phạm khác trong cả nước đã đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của nhà trường luôn có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng. Trong giai đoạn 1967 – 1975, mặc dù cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt, phải sơ tán nhiều nơi, cơ sở vật chất khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vẫn được duy trì và thu được kết quả đáng tự hào. Đến năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành được thắng lợi, non sông thu về một mối, cũng là lúc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được cải tổ, xây dựng tại Xuân Hòa. Trong 10 năm đầu xây dựng, Trường phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu, thầy và trò Nhà trường đã vượt qua gian khó, xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cho cách địa phương.

Đặc biệt kể từ năm 1986, trong không khí cả nước thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, sự lãnh đạo của Đảng ủy nhà trường đã bắt đầu thực sự để lại dấu ấn ngày càng rõ nét hơn. Trong báo cáo tại Đại hội lần thứ V – Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 ngày 15/10/1987 đặc biệt nhấn mạnh đến công tác quy hoạch và đảm bảo chất lượng cán bộ giai đoạn 1987-1990 theo phương châm “Đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán, xây dựng “cán bộ đầu đàn”.[1] Hướng quy hoạch như trên của Nhà trường tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn 1993-1996 với mục tiêu trọng tâm “Lấy xây dựng đội ngũ làm phương hướng bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, lấy việc bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học làm phương tiện cơ bản để xây dựng đội ngũ cán bộ”[2] Với những chủ trương đúng đắn của Đảng ủy, ban giám hiệu đội ngũ công chức, viên chức nhà trường giai đoạn 1986-1995 đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường tiếp tục đề ra nhiều quyết sách đúng đắn tạo nền tảng cho sự phát triển của Nhà trường trong những năm tiếp theo.

Với chức năng là hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Đảng ủy trường tiếp tục đưa Nhà trường phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn từ sau năm 1996 đến nay. Trải qua 20 năm hội nhập và phát triển (1996-2017) dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, từ chỗ thiếu thốn cơ sở vật chất, không có đủ phòng học cho sinh viên, phòng làm việc cho cán bộ, giảng viên, đến năm 2017, về cơ bản hệ thống giảng đường, phòng làm việc đã được nâng cấp hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên, sinh viên. Hệ thống trang thiết bị phục vụ việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu cho giảng viên và sinh viên của Nhà trường ngày càng được hiện đại hóa.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, hội nhập quốc tế về giáo dục ngày càng sâu rộng hơn so với giai đoạn trước, cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến các nền giáo dục trên thế giới và khu vực, Báo cáo chính trị tại đại hội Đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, nhiệm kỳ 2010-2015 tiếp tục xác định, để nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường hiệu quả quản lý đạt chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội thì công tác phát triển nhân lực phải được quan tâm hơn nữa. Đây được coi là kim chỉ nam cho những bước phát triển vững chắc của Nhà trường trong giai đoạn giáo dục Đại học hội nhập và phát triển.

Ban Chấp hành Đảng ủy trường nhiệm kỳ 2015 – 2020 có 11 đồng chí, đồng chí Nguyễn Quang Huy được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Đảng bộ trực tiếp lãnh đạo tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Công đoàn và Hội cựu chiến binh nhà trường. Các tổ chức Đoàn thể trên không ngừng phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng. Hoạt động của Đảng bộ nhà trường luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng ủy và Ban Giám hiệu. Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã, đang và sẽ luôn xứng đáng với vai trò “hạt nhân chính trị” trong nhà trường. Chi bộ, Đảng bộ nhà trường từ khi được thành lập đến nay luôn đạt danh hiệu tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

DANH SÁCH BÍ THƯ ĐẢNG ỦY TRƯỜNG QUA CÁC THỜI KỲ

STT

Họ và tên

Nhiệm vụ/Giai đoạn

1

Nhà giáo Hà Năng Kháng

1967 – 1975

2

PGS.TS Nguyễn Đức Tú

Lâm thời, khóa I, II

3

Nhà giáo Vũ Quỳnh

Khóa III, IV, V, 1981-1990

4

NGƯT.PGS. Thành Thế Thái Bình

Khóa VI, 1990-1993

5

NGƯT. GVC. Đỗ Minh Tư

Khóa VII, 1993-1996

6

NGƯT. PGS.TS Nguyễn Huy Lợi

Khóa VIII, IX, X, 1996-2009

7

NGƯT. PGS.TS.GVCC. Nguyễn Văn Mã

Khóa V, 2009-2010

8

CVCC.Phùng Quốc Tăng

Khóa XI, 2010-2014

9

GVC.TS. Nguyễn Văn Tuyến

Khóa XI, XII, 2014-2018

10

PGS.TS.Nguyễn Quang Huy

Khóa XII, 2018-2020

TS. Nguyễn Văn Vinh, Khoa Lịch sử - ĐHSP Hà Nội 2
 
[1] Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 – 35 năm xây dựng và phát triển, Kỷ yếu, 2002.
[2] Đảng bộ Trường Sư phạm Hà Nội 2: Đề án công tác của Đảng bộ nhiệm kỳ khóa VII (1993-1996), 1993, lưu tại phòng Hành chính – Tổng hợp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.