Giới thiệu Khoa Hoá học

KHOA HÓA HỌC – QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
 
       Trưởng khoa: GVC. TS. Đào Thị Việt Anh
 

Khoa Hóa học trường ĐHSP Hà Nội 2 được thành lập năm 1978. Thời kỳ này, số lượng cán bộ giảng viên, nhân viên là 25, trong đó có 19 cán bộ giảng dạy và 6 nhân viên phụ trách thí nghiệm, được chia thành 4 tổ chuyên môn: Tổ Hóa vô cơ, Tổ Hóa hữu cơ, Tổ Hóa lí, Tổ Hóa phân tích. Nhà giáo - TS. Nguyễn Xuân Khoát giữ chức vụ Trưởng khoa đầu tiên. Ngay từ khi thành lập, Khoa đã luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao và đạt được nhiều thành tích trong các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên THPT đạt chuẩn hệ 4 năm cho các tỉnh.

Năm 1981, do những nguyên nhân khách quan về nhu cầu đào tạo và kế hoạch đào tạo của đất nước, khoa Hóa học được sáp nhập với khoa Sinh - KTNN. Trên bất kỳ cương vị công tác nào, các thầy cô của khoa Hóa học đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn luôn phấn đấu vươn lên đạt những thành tích mới. Từ năm 1990, các thầy cô tổ Hóa học đã tham gia xây dựng chương trình đào tạo cử nhân ngành Sinh - Hóa và đào tạo 15 khóa liên tục, đáp ứng nhu cầu xã hội về giảng dạy liên môn Sinh - Hóa cho các trường Trung học phổ thông.

Năm 2005, trước yêu cầu mở rộng quy mô đào tạo đa bậc, đa ngành, đa lĩnh vực của Trường và do nhu cầu đào tạo giáo viên ngành Hóa học của đất nước, khoa Hóa học được tái lập thành một đơn vị hoạt động độc lập trong cơ cấu tổ chức của Trường, với nhiệm vụ đào tạo cử nhân khoa học ngành Sư phạm Hóa học, cử nhân khoa học ngành Hóa học và giảng dạy môn Hóa học cho các khoa trong Trường. Nhà giáo – PGS.TS. Nguyễn Văn Bằng giữ chức vụ trưởng khoa. Nhà giáo – ThS. Phí Văn Hải giữ chức vụ phó trưởng khoa.

Hiện nay, Khoa có 29 viên chức, trong đó có: GVCC.PGS.TS: 03; GVC.TS: 08; TS: 02; GV.ThS: 14 (NCS: 08); CN: 02. Khoa được biên chế thành 5 tổ bộ môn gồm: Tổ Hóa Vô cơ - Đại cương; Tổ Hóa Hữu cơ; Tổ Hóa lý - Công nghệ và Môi trường; Tổ Hóa phân tích; Tổ Phương pháp dạy học Hóa học.
Từ khi tái lập đến nay, khoa Hóa học đã tham gia biên soạn và thực hiện các chương trình đào tạo hệ cử nhân các chuyên ngành CNKH sư phạm, CNKH hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học các ngành Hóa học, Sinh học, Vật lý, Sư phạm kĩ thuật và kinh tế gia đình… và các lớp thiết bị dạy học cho giáo viên các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, ... .

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, ngay từ khi tái lập, khoa Hóa học đã liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài trường như: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hóa học, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Kĩ thuật nhiệt đới, Viện công nghệ môi trường, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hóa sinh biển…), trường ĐHSP Hà Nội, trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội và nhiều trường đại học khác trong cả nước.

Về nghiên cứu khoa học, các cán bộ trong Khoa đã tham gia nhiều hội thảo khoa học trong và ngoài trường và bảo vệ thành công nhiều đề tài khoa học công nghệ cấp bộ, cấp cơ sở đạt kết quả cao. Nhiều đề tài khoa học các cấp đang được triển khai nghiên cứu. Một số giáo trình, bài giảng và tài liệu tham khảo đã được xuất bản. Với những thành tích đã đạt được trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tập thể khoa đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen và Cờ thi đua của ngành, nhiều thầy cô trong Khoa đã đạt các danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp Bộ”, “Chiến sĩ thi đua cấp Cơ sở”, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giấy khen của Hiệu trưởng. 

Sinh viên khoa Hóa học tham dự các kỳ thi Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc đạt được rất nhiều giải cao. Phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên của Khoa rất mạnh, nhiều em đã đạt giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học và nhiều công trình và bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế và trong nước.

Hàng năm, sinh viên của Khoa tham gia và đạt nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, các phong trào VHVN – TDTT của Trường…, đã được Nhà trường, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên thành phố Hà Nội tặng bằng khen và giấy khen.

Ngoài nhiệm vụ đào tạo Cử nhân Khoa học, Khoa còn đào tạo thạc sĩ về chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Hóa học theo định hướng nghiên cứu và theo định hướng ứng dụng. Trong những năm tới, khoa Hóa học sẽ từng bước chuẩn bị cho việc mở thêm các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Tập thể cán bộ giảng viên khoa Hóa học
 
TỔ HÓA VÔ CƠ – ĐẠI CƯƠNG
Tổ trưởng: TS. Nguyễn Văn Quang
 
Tổ Hóa Vô cơ – Đại cương hiện có 06 viên chức gồm 02 tiến sĩ (02 giảng viên chính), 03 thạc sĩ (01 đang làm NCS tại Liên bang Nga), 01 cử nhân. Tổ được tái lập vào năm 2005 cùng với việc tái lập khoa Hóa học. Lúc mới tái lập, tổ có 4 thầy cô, hiện nay tổ gồm có 6 thầy cô và TS. Nguyễn Văn Quang đảm nhiệm chức vụ tổ trưởng chuyên môn. Các hướng nghiên cứu chính của các giảng viên trong tổ: Phân bón hóa học, vật liệu vô cơ, nghiên cứu về cấu tạo chất và cơ sở lí thuyết các quá trình hóa học, thiết kế hệ vật liệu để xác định ion kim loại và làm cảm biến sinh học, vật liệu quang điện tử pha tạp các nguyên tố đất hiếm, vật liệu màng polyme có khả năng hấp thụ và phản xạ ánh sáng... . Trong thời gian tới, tổ sẽ cử các cán bộ đi tập huấn ngắn hạn trong và ngoài nước nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ sẽ sớm đề xuất mở mã ngành đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Hóa Vô cơ trong thời gian tới.
 
anh to vo co 1
 Tập thể cán bộ giảng viên tổ Hóa Vô cơ – Đại cương
 
TỔ HÓA HỮU CƠ
Tổ trưởng: TS. Chu Anh Vân
 
Tiền thân là tổ Hóa Hữu cơ- Hóa lý từ năm 2005 khi khoa mới được tái lập, năm 2012 tổ mang tên hóa Hữu cơ. Hiện nay, tổ có 06 cán bộ giảng viên gồm: 01 GVCC.PGS.TS, 03 tiến sĩ (03 là GVC), 01 thạc sỹ (đang học NCS), 01 CN (đang học NCS) với tổ trưởng chuyên môn là TS. Chu Anh Vân. Các thành viên trong tổ luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hàng năm, ngoài thực hiện việc đổi mới bài dạy gắn với thực tiễn giảng dạy ở phổ thông, các thành viên trong tổ còn tham gia vào các công tác giáo dục khác như bồi dưỡng sinh viên thi Olympic toàn quốc, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học… . Nhiều đề tài cấp cơ sở, cấp Bộ đã được các cán bộ trong tổ thực hiện và nghiệm thu đạt loại tốt. Công tác nghiên cứu khoa học luôn được coi là một nhiệm vụ chiến lược. Các thành viên trong tổ thường xuyên viết bài tham gia các hội thảo, hội nghị, tạp chí trong và ngoài nước, tập trung vào các hướng nghiên cứu chính: Phân lập các hợp chất thiên nhiên, tổng hợp các hợp chất có hoạt tính sinh học, hóa học vật liệu… . Với những thành tích đã đạt được, nhiều cán bộ trong tổ đã được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, chiến sỹ thi đua cấp bộ và nhiều danh hiệu cao quý khác. Tổ đã xây dựng xong đề án và đề xuất mở mà ngành đào tạo thạc sĩ Hóa hữu cơ.
 
Tập thể cán bộ giảng viên tổ Hóa Hữu cơ
 
TỔ HÓA PHÂN TÍCH
Tổ trưởng: ThS. Nguyễn Thị Huyền
 
Từ khi tái lập khoa, Hóa phân tích là bộ môn trực thuộc Tổ Phương pháp dạy học – Phân tích. Tháng 6 năm 2015, Tổ Phương pháp dạy học – Phân tích được tách thành hai tổ bộ môn Phương pháp dạy học và tổ Hóa Phân tích. Tổ Hóa phân tích hiện nay gồm 5 cán bộ trong đó có 04 cán bộ giảng dạy và một kỹ thuật viên, có 05 Thạc sĩ (02 thạc sĩ đang làm nghiên cứu sinh trong nước và 01 thạc sĩ đang làm nghiên cứu sinh tại Liên bang Nga). Là một tổ chuyên môn với hầu hết cán bộ trẻ song các thành viên trong tổ luôn cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng đội tuyển sinh viên của khoa dự thi Olympic Hóa học toàn quốc và nhiều công tác kiêm nhiệm khác. Hướng nghiên cứu chính của tổ Hóa học phân tích: Các phương pháp phân tích lí hóa, các phương pháp phân tích hiện đại: Cực phổ, MS, HPLC,…
 
anh to phan tich
Tập thể cán bộ, giảng viên tổ Hóa phân tích
 
TỔ HÓA LÝ- CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Tổ trưởng: TS. Nguyễn Thế Duyến
 
Tổ Bộ môn Hóa lý - Công nghệ và Môi trường được hình thành năm 2012. Trước đó, bộ môn Hóa lý thuộc Tổ Hóa Hữu cơ – Hóa lý, bộ môn Hóa Công nghệ - Môi trường thuộc Tổ Phương pháp dạy học – Phân Tích – Môi trường. Hiện tại, tổ có 05 viên chức và do TS. Nguyễn Thế Duyến làm tổ trưởng, trong đó có 01 GVCC.PGS.TS, 03 tiến sĩ, 01 thạc sĩ (đang làm NCS). Các hướng nghiên cứu chính của các giảng viên trong tổ: Vật liệu nguồn cho tế bào năng lượng vi sinh, xử lý nước thải dệt nhuộm, công nghệ xử lý môi trường, vật liệu chấm lượng tử, vật liệu siêu xốp, xử lý thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu điện cực, tin học trong Hóa học... . Định hướng phát triển của tổ đến 2020: Tỉ lệ tiến sĩ: 100%, mở mã ngành đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Hóa lý thuyết và Hóa lý.
  
Tập thể cán bộ giảng viên tổ Hóa lý – Công nghệ và môi trường
  
TỔ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC HÓA HỌC
Tổ trưởng: ThS. Kiều Phương Hảo
 
Tiền thân là tổ Phương pháp – Phân tích – Môi trường khi tái lập khoa năm 2005, tổ Phương pháp – Phân tích năm 2012 và từ 2015 đến nay là tổ Phương pháp dạy học Hóa học. Tổ gồm có 7 thành viên gồm: 01 GVCC.PGS.TS, 02 tiến sĩ, 03 thạc sỹ trong đó có 02 NCS, 01 cử nhân. Các thành viên trong tổ đảm nhận việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn học viên, sinh viên NCKH, quản lý sinh viên và rất nhiều công việc, vị trí khác. Tổ thường xuyên thực hiện việc nghiên cứu đổi mới PPDH, tổ chức semina chuyên môn định kì, tích cực viết bài tham dự hội thảo, hội nghị nghiên cứu khoa học, tổ chức thành công hội thi NVSP cấp khoa, bồi dưỡng SV tham dự Hội giảng cấp trường đạt nhiều giải cao.
  
 Tập thể cán bộ giảng viên tổ Phương pháp dạy học Hóa học

Hàng năm, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học của các giảng viên trong tổ được đăng trên các tạp chí có uy tín. Một số hướng nghiên cứu chính: Đổi mới PPDH, các PP/KTDH tích cực, ứng dụng CNTT trong dạy học Hóa học, xây dựng và sử dụng bài tập hóa học ở phổ thông, phát triển năng lực dạy học cho SV sư phạm khoa Hóa học, kiểm tra - đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, dạy học theo chủ đề, bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy học tích hợp, phát triển chương trình nhà trường, … .

Ngoài nhiệm vụ đào tạo Cử nhân Khoa học, hiện tại tổ bộ môn còn đảm nhiệm đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Hóa học theo định hướng nghiên cứu và theo định hướng ứng dụng. Trong những năm tới, tổ bộ môn sẽ đề xuất mở mã ngành đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Hóa học.