Tọa đàm "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy tiếng Anh"


Toàn cảnh chương trình tọa đàm

Ngày 05 tháng 8 năm 2024, Trường ĐHSP Hà Nội 2 phối hợp với Văn phòng tiếng Anh khu vực - Đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy tiếng Anh".

Tham dự chương trình có: TS Justin Shewell - Chuyên gia cao cấp từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Giảng dạy Tiếng Anh Quốc tế (TESOL) nhiệm kỳ 2024-2025; Ông Lê Thuỳ Dương - Giám đốc phụ trách, Văn phòng tiếng Anh khu vực - Đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam;

Về phía Trường ĐHSP Hà Nội 2 có: TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; Trưởng Phòng KHCN & HTQT; Giảng viên Khoa Tiếng Anh, Giảng viên giảng dạy các môn chuyên ngành bằng Tiếng Anh.

TS Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2 phát biểu tại Chương trình

Phát biểu tại Chương trình, TS Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2 trân trọng cảm ơn Văn phòng tiếng Anh khu vực - Đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam và TS Justin Shewell - Chuyên gia cao cấp từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Giảng dạy Tiếng Anh Quốc tế đã phối hợp cùng Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức chương trình tọa đàm. Đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công việc hành chính, giảng dạy hiện nay và cho rằng, buổi tọa đàm này sẽ giúp giảng viên có thêm biện pháp tích hợp hiệu quả Trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy tiếng Anh. Giảng viên sẽ khám phá các công cụ, kỹ thuật và chiến lược sư phạm tiên tiến để tạo ra những trải nghiệm học tập ngôn ngữ hiệu quả, hấp dẫn cho sinh viên cũng như những chiến lược để giảm tải các công việc hành chính.

TS Justin Shewell - Chuyên gia cao cấp từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Giảng dạy Tiếng Anh Quốc tế (TESOL) tại chương trình tọa đàm

Tại chương trình tọa đàm, dưới sự dẫn dắt của Chuyên gia cao cấp từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - TS Justin Shewell, các giảng viên được chia thành các nhóm nhỏ và thực hành với các lớp học đang giảng dạy hiện tại. Buổi trao đổi chuyên môn được chia thành sáu mô-đun: 

Giới thiệu tổng quan và Khung lý thuyết: Giảng viên tìm hiểu sự phát triển của  AI và nắm bắt kiến thức nền tảng về các công nghệ AI hiện có. Các vấn đề đạo đức liên quan đến tích hợp AI cũng được khám phá, đảm bảo sử dụng AI một cách có trách nhiệm trong lớp học. Mô-đun này cũng tập trung vào hướng dẫn sử dụng các khung tích hợp công nghệ SAMR (Thay thế, Tăng cường, Sửa đổi, Tái định nghĩa) và TPACK (Kiến thức Nội dung Sư phạm Công nghệ). Giảng viên học cách thích ứng và áp dụng các khung này vào bối cảnh giảng dạy Tiếng Anh hiện tại, giúp giảng viên tận dụng hiệu quả công nghệ AI để nâng cao việc học ngôn ngữ.

Lựa chọn và đánh giá công cụ AI: Giảng viên được phát triển kỹ năng đánh giá và lựa chọn công cụ AI phù hợp một cách chi tiết. Cụ thể, giảng viên xác định các tiêu chí để đánh giá chất lượng và mức độ hiệu quả của từng công cụ, giúp giảng viên đưa ra các quyết định thông minh phù hợp với mục tiêu giảng dạy của mình. Giảng viên cũng khám phá các chiến lược và kỹ thuật sư phạm để tạo ra các hoạt động hấp dẫn và tương tác với công cụ AI. Giảng viên cũng học cách ưu tiên năng lực tiếp cận và hòa nhập để đảm bảo tất cả sinh viên của mình đều được hưởng lợi từ trải nghiệm giảng viên tập tăng cường công nghệ.

Các giảng viên tham gia lớp học tích cực tương tác cùng Chuyên gia cao cấp tại Chương trình

Dạy học phân hóa với Công cụ AI: Mô-đun này tập trung vào cách giảng viên có thể sử dụng công nghệ AI để điều chỉnh hoạt động giảng dạy phù hợp với nhu cầu cá nhân và hỗ trợ các lộ trình học tập cá nhân hóa cho những sinh viên cần các hình thức hỗ trợ giáo dục khác nhau. Các công nghệ AI chính, bao gồm Xử lý Ngôn ngữ Tự nhiên (NLP), chatbot và học tập thích ứng sẽ được giới thiệu. Giảng viên nắm bắt kỹ năng tạo ra các hướng dẫn và công cụ ngôn ngữ cá nhân hóa cho cả đối tượng trên và dưới trung bình.

Tạo "Sự hiện diện" với Công cụ AI: Mô-đun này tập trung vào việc sử dụng công cụ AI kết hợp với mô hình Cộng đồng Đánh giá (COI) do Garrison và cộng sự xây dựng vào năm 1999. Mô hình này tập trung vào ba loại sự hiện diện: Sự hiện diện Xã hội, Sự hiện diện Giảng dạy và Sự hiện diện Nhận thức. Giảng viên học cách công nghệ AI có thể được tận dụng để nâng cao "sự hiện diện" trong mỗi khía cạnh của mô hình COI.

Đánh giá và Phản hồi với Công cụ AI: Giảng viên tập trung vào việc sử dụng công cụ AI để cải thiện đánh giá và cung cấp phản hồi cá nhân hóa cho sinh viên. Cả đánh giá định kỳ và thường xuyên được đề cập tới. Mô-đun nhấn mạnh tầm quan trọng của các hình thức đánh giá dựa trên hiệu suất và thiết kế các đánh giá sao để tránh việc gian lận với công cụ AI. Giảng viên học cách tinh giản quy trình cung cấp phản hồi cho sinh viên bằng cách sử dụng công cụ AI.

Giảng viên HPU2 trao đổi cùng Chuyên gia tại Chương trình

Môi trường Học Tập Hợp tác với AI: Khi sinh viên dịch chuyển vào môi trường trực tuyến nơi sinh viên thường cảm thấy cô lập và xa rời "bạn cùng lớp", sự hợp tác là một thành phần thiết yếu của trải nghiệm học tập thành công. Mô-đun này tập trung vào việc tích hợp công cụ AI để giúp cho sinh viên có thể hợp tác hiệu quả với những sinh viên khác và giảng viên. Việc sử dụng công cụ AI để cải thiện sự sáng tạo và tư duy, xây dựng nhóm, trách nhiệm. Sự tham gia của các thành viên trong nhóm và hiệu quả nhóm được thảo luận.

Chuyên gia cao cấp - TS Justin Shewell trao chứng chỉ hoàn thành khóa học cho các giảng viên tham gia Chương trình 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Trong phần thảo luận, TS Justin Shewell đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội 2 về việc sử dụng công cụ AI trong giảng dạy tiếng Anh. Sau một ngày làm việc tích cực và hiệu quả, phần cuối chương trình tọa đàm, các giảng viên tham gia chương trình đã được nhận chứng chỉ hoàn thành khóa học.

Trung tâm Truyền thông và SXHL