Khóa học “Trường học hạnh phúc” khai giảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
Ngày 08 tháng 10 năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phối hợp với Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam (Vietnam Innovation of General Education Foundation - VIGEF) tổ chức Hội thảo khai giảng khóa học “Trường học hạnh phúc” khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, với chủ đề “Hiệu trưởng - Người gieo mầm hạnh phúc” tại Hội trường A1, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Các đại biểu tham dự chương trình
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có: TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục;
Phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; TS Trịnh Đình Vinh - Phó Hiệu trưởng; Trưởng các đơn vị trong trường;
Về phía Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam, có TS Đặng Tự Ân - Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc; PGS, TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc.
Hội thảo còn có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của Lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, Lãnh đạo các trường phổ thông tại 22 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Đồng bằng Sông Hồng với gần 1.000 điểm cầu.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ: “Hôm nay, tôi rất vui mừng và hạnh phúc được đứng trước quý vị để phát biểu khai mạc khóa học “Trường học hạnh phúc” do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phối hợp với Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam - VIGEF tổ chức.
Đây là một khóa học đặc biệt, bởi khóa học không chỉ nhằm trang bị cho các quý thầy cô những kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, mà còn giúp quý thầy cô hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tạo ra một môi trường được giáo dục tích cực, an toàn và hạnh phúc cho học sinh.
TS Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phát biểu khai mạc
Quý vị đều biết rằng, Hiệu trưởng là người đứng đầu một cơ sở giáo dục, là người có ảnh hưởng lớn nhất tới chất lượng giáo dục và sự phát triển của học sinh. Nhưng, không phải ai cũng nhận thức được rằng, Hiệu trưởng cũng là người gieo mầm hạnh phúc cho cả cộng đồng.
Bởi lẽ, một trường học hạnh phúc là nơi mọi học sinh được yêu thương, tôn trọng, khuyến khích và thách thức; là nơi mà giáo viên được tạo điều kiện để sáng tạo, nâng cao năng lực và gắn kết; là nơi mà phụ huynh được hợp tác, tin tưởng và hỗ trợ.
Một trường học hạnh phúc sẽ tạo ra những con người hạnh phúc, có đạo đức, có tài năng và có trách nhiệm với xã hội.
Như thế, Hiệu trưởng không chỉ đơn thuần là người gieo mầm hạnh phúc mà còn là người sẽ chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất để những mầm hạnh phúc để phát triển.
Để xây dựng được những trường học hạnh phúc, chúng ta cần có những tiêu chí rõ ràng và khoa học. Trong khóa học này, chúng ta sẽ được tiếp cận với các tiêu chí của UNESCO về giáo dục bền vững, bao gồm: giáo dục toàn diện, giáo dục toàn cầu, giáo dục bình đẳng, giáo dục chất lượng và giáo dục sáng tạo”.
“Để xây dựng được một trường học hạnh phúc, Hiệu trưởng cần có những phẩm chất và kỹ năng như thế nào? Đó là những câu hỏi mà khóa học này sẽ giải đáp cho quý vị.
Qua các bài giảng, thảo luận, thực hành và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, các thầy cô sẽ được trang bị những kiến thức về lý thuyết và thực tiễn của việc xây dựng một trường học hạnh phúc, những kỹ năng về lãnh đạo, quản lý, giao tiếp và giải quyết vấn đề, những thái độ và giá trị cần thiết để làm việc hiệu quả và mang lại niềm tin cho bản thân và người khác.
Ban Tổ chức hy vọng rằng, qua khóa học này, quý vị sẽ có những trải nghiệm bổ ích và ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đời sống của cộng đồng.
Đồng thời mong rằng, sau khi khóa học này hoàn thành, quý vị sẽ dùng những kiến thức, kỹ năng đã học vào công việc của mình, để biến trường học của quý vị thành những trường học hạnh phúc, nơi nuôi dưỡng những thế hệ trẻ tương lai của đất nước” - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nhấn mạnh.
Kết thúc bài phát biểu, TS Bùi Kiên Cường đã nhắc đến một câu nói của nhà giáo dục nổi tiếng John Dewey: “Giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống, mà giáo dục chính là cuộc sống” và gửi lời chúc đến các thầy cô sẽ có một khóa học bổ ích, ý nghĩa.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác về việc đẩy mạnh định hướng phát triển giáo dục
Tại chương trình khai giảng khóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam cũng đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác về việc đẩy mạnh định hướng phát triển giáo dục.
Các thầy cô hào hứng tham gia trò chơi
TS Phạm Hà Thương - Giảng viên khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã trình bày nội dung tham luận: “Mô hình Trường học hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
TS Phạm Hà Thương chia sẻ lại: “Trường học hạnh phúc là gì? Dự án của UNESCO được khởi động vào năm 2014 nhằm mục đích thúc đẩy hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của người học.
Trường học hạnh phúc là một môi trường giáo dục lý tưởng khi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hằng ngày. Một môi trường mà cả giáo viên và học sinh có cơ hội phát triển toàn diện, có hành vi và tâm hồn đẹp, thúc đẩy một tương lai trường học thân thiện, cấp tiến”.
“Với tôi, hạnh phúc được đo bằng nụ cười khi được đến trường của trẻ em. Một mô hình Trường học hạnh phúc là không để ai bị bỏ lại phía sau” - TS Thương chia sẻ.
Chính vì vậy, TS Phạm Hà Thương cũng đề xuất mô hình Trường học hạnh phúc đảm bảo 3 yếu tố: (1) Môi trường, phương thức tốt nhất xóa bỏ thái độ phân biệt; (2) Tạo ra cộng đồng thân ái; (3) Xây dựng xã hội hòa nhập cho tất cả mọi người.
TS Đặng Tự Ân - Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc VIGEF trình bày tham luận
TS Đặng Tự Ân - Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc VIGEF trình bày tham luận “Tính cấp thiết của xây dựng Trường học hạnh phúc”.
TS Lê Thị Quỳnh Nga - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày tham luận
Tiếp đến, TS Lê Thị Quỳnh Nga - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng trình bày nội dung “Hệ sinh thái hạnh phúc”.
Thông qua trò chơi đuổi hình bắt chữ, TS Lê Thị Quỳnh Nga đã đưa ra hệ sinh thái hạnh phúc với các từ khóa “suy nghĩ tích cực, trải nghiệm tích cực, cảm xúc tích cực, hành động tích cực”.
Tại buổi trao đổi, PGS, TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc VIGEF cũng đã trình bày tham luận “Hiệu trưởng kiến tạo Trường học hạnh phúc”.
PGS,TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc VIGEF trao đổi tại chương trình
Tại mỗi phần trình bày tham luận và chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia, các thầy cô ngay tại điểm cầu trực tiếp cũng như các thầy cô ở các điểm cầu trực tuyến đều hào hứng tham gia vào các trò chơi vận động và tư duy.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu, quý thầy cô có cơ hội tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận chung các nội dung xoay quanh quy mô xây dựng “Trường học hạnh phúc”, cụ thể hóa qua việc xác định đối tượng dạy học, các hoạt động giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm và tầm quan trọng của người dạy, đặc biệt người đứng đầu là Hiệu trưởng.
Theo đó, các nội dung được thảo luận cụ thể như: Phân tích tình hình Trường học hạnh phúc theo các tiêu chí của UNESCO; xây dựng tầm nhìn Trường học hạnh phúc của nhà trường; xác định mục tiêu, hoạt động xây dựng Trường học hạnh phúc năm học 2023-2024; Hướng dẫn tự học và làm bài tập thực hành.
Theo kế hoạch, sau ngày 08/10/2023, học viên sẽ học trực tuyến theo phương pháp lồng ghép với hoạt động quản lý nhà trường, trong thời gian 3 tháng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Năm 2022, VIGEF đã triển khai thành công giai đoạn 1 của chương trình và cấp giấy chứng nhận cho 1.300 Hiệu trưởng của 7 tỉnh/thành phố được lựa chọn từ các vùng miền khác nhau trong cả nước.
Năm 2023, VIGEF phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 triển khai chương trình “Trường học hạnh phúc” giai đoạn tiếp theo trên toàn quốc.
Chương trình “Trường học hạnh phúc” xác định mục tiêu đối với khu vực miền núi phía Bắc và Đồng bằng Sông Hồng, chương trình sẽ hỗ trợ đào tạo miễn phí khoảng hơn 4.000 Hiệu trưởng các trường phổ thông thuộc các tỉnh/thành phố đạt được mục tiêu mong muốn của chương trình.
Đây là chương trình trong khuôn khổ dự án Happy Schools được UNESCO đề xuất và khuyến cáo để đánh giá sự thành công của một trường học. Theo đó, thay vì đánh giá thành tích mà học sinh đạt được, “Trường học hạnh phúc” tôn vinh chỉ số hạnh phúc mà người học đang có.
Phòng CTCT-HSSV