Hội thảo Thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở trường phổ thông


Toàn cảnh Hội thảo

Ngày 07 tháng 10 năm 2023, Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo “Thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở trường phổ thông” thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo và người học trên cả nước tham gia bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.


Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có: TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; TS Hồ Vĩnh Thắng - CV Vụ Giáo dục Trung học; Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo trên khắp cả nước;

Về phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có: TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; cùng đông đảo giảng viên, sinh viên trong Trường.


TS Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2 phát biểu Khai mạc

Phát biểu Khai mạc, TS Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2 khẳng định: Giáo dục STEM là một trong những yếu tố then chốt cho sự phát triển của xã hội và nền kinh tế trong thời đại 4.0. STEM không chỉ cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, mà còn giúp họ phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và hợp tác, để giải quyết những vấn đề phức tạp của thế giới hiện nay. Giáo dục STEM cũng góp phần thúc đẩy sự đổi mới và tiến bộ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người. Bởi vậy, giáo dục STEM được coi trọng ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới và là một nội dung rất được quan tâm trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở nước ta.

Trong những năm qua, giáo dục STEM có sự lan toả của với nhiều hình thức khác nhau, nhiều cách thức thực hiện khác nhau, nhiều tổ chức hỗ trợ khác nhau. Tuy nhiên, việc triển khai chiến lược giáo dục STEM vẫn còn gặp một số rào cản cơ bản như: Thiếu cơ sở vật chất; Thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu; chưa “Chương trình hóa” giáo dục STEM; Chưa có sự phối hợp thường xuyên, liên tục giữa hệ thống trường phổ thông với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức, doanh nghiệp; nội dung kiểm tra, đánh giá trong dạy học STEM còn gặp “rào cản” ở các trường; Số lượng học sinh ở mỗi lớp nhiều và cơ chế quản lý thiếu linh hoạt.

Trong bối cảnh đó, hội thảo “Thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở trường phổ thông” với mục tiêu là tạo ra một không gian giao lưu, học hỏi về những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực giáo dục STEM, và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc áp dụng STEM trong giáo dục trong các trường phổ thông, trường sư phạm trong nước và quốc tế để góp phần nào đó khắc phục những hạn chế hiện nay. Tại Hội thảo này, chúng ta vui mừng chào đón sự tham gia và báo cáo của nhiều đại diện đến từ Trường Đại học Hùng Vương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Phổ thông liên cấp Greenfield, hệ thống Trường Genesis, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, Hà Nội, các trường phổ thông tại tỉnh Vĩnh Phúc,…, đặc biệt có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo các Cục, Vụ, chuyên gia về giáo dục TSEM của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thay mặt cho lãnh đạo Nhà trường, tôi xin gửi lời cảm ơn quý vị đã dành thời gian tham gia Hội thảo hôm nay.

Nhà giáo Lương Trung Tiến - Giáo viên Trường phổ thông liên cấp Greenfield báo cáo tại Hội thảo

Chuyên gia Đào Thị Hồng Quyên báo cáo trực tuyến tại Hội thảo

Tại phiên thứ Nhất, dưới sự điều hành của TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học và TS Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, các đại biểu được nghe các báo cáo: “Thiết kế và tổ chức giáo dục STEM trong nhà trường phổ thông” của nhà giáo Lương Trung Tiến - Giáo viên Trường phổ thông liên cấp Greenfield”; “Phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên thông qua bài học STEM theo quy trình khám hát khoa học” của chuyên gia Đào Thị Hồng Quyên - Nhà sáng lập liên minh thúc đẩy STEM, Đại sứ chương trình Trường học toàn cầu; “Thuận lợi và khó khăn triển khai giáo dục STEM tại Trường THPT Phan Huy Chú” của nhà giáo Nguyễn Văn Vĩ -  Trường THPT Phan Huy Chú, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.


Nhà giáo Nguyễn Văn Vĩ -  Trường THPT Phan Huy Chú báo cáo tại Hội thảo

Tại phiên làm việc thứ hai, PGS,TS Nguyễn Xuân Thành - Trưởng khoa Sinh -KTNN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và  TS Hồ Vĩnh Thắng - CV Vụ Giáo dục Trung học điều hành Hội thảo. Các đại biểu được nghe các báo cáo: “Giáo dục STEM tại Liên bang Nga trong bối cảnh hiện nay” báo cáo viên, ThS Lê Đình Tuấn - Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; “Thực trạng thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở trường phổ thông tại tỉnh Vĩnh Phúc” báo cáo viên, TS Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; “Thiết kế công cụ đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức vào thực tienx trong dạy học môn khoa học tự nhiên 6 theo định hướng giáo dục STEM” báo cáo viên, TS Trần Thị Mai Lan, Trường Đại học Hùng Vương. 




Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Trong phần thảo luận, Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tham luận và câu hỏi đến từ các đại biểu và sinh viên, các câu hỏi quan tâm đến các giải pháp thực hiện và phát triển giáo dục STEM tại các trường phổ thông hiện nay. Các vấn đề đưa ra được chủ tọa và các báo cáo viên giải đáp ngay tại Hội thảo.


Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các Báo cáo viên của Hội thảo


Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các Báo cáo viên

Có thể khẳng định rằng, các báo cáo được trình bày tại Hội thảo “Thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở trường phổ thông” đã cho thấy bức tranh về giáo dục STEM ở Việt Nam và trên thế giới. Trong đó các báo cáo viên đã chỉ ra thực trạng và những giải pháp thúc đẩy giáo dục STEM tiếp tục phát triển.

Phòng CTCT-HSSV